Từ vụ nữ sinh bị sát hại tại Điện Biên: Hạn chế trong quản lý người nghiện và cai nghiện
Cả 5 đối tượng bị bắt giữ trong vụ án sát hại nữ sinh trong dịp Tết Nguyên đán tại Điện Biên vừa qua đều nghiện ma tuý. Câu hỏi đặt ra là tại sao các đối tượng gây án lại đều bị nghiện? Công tác cai nghiện và quản lý người nghiện, người sau cai hiện nay như thế nào? Liệu có thêm những vụ án Cao Thị Mỹ Duyên nữa hay không khi những người nghiện hàng ngày vẫn thản nhiên sinh hoạt giữa cộng đồng.
5 nghi phạm xâm hại, sát hại nữ sinh giao gà tại Điện Biên đều nghiện ma tuý và có quá khứ bất hảo
Theo lãnh đạo Công an xã Thanh Nưa huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên - nơi có 3/5 đối tượng tham gia vào vụ hiếp, giết nữ sinh giao gà Cao Thị Mỹ Duyên, trên địa bàn xã hiện nay có 66 trường hợp nghiện, trong đó có 52 trường hợp đang uống Methadone.
Từ năm 2016 đến nay năm nào xã cũng tổ chức tuyên truyền theo Chuyên đề phòng chống ma túy và có danh sách cho các hộ cam kết nhưng gặp nhiều khó khăn như các đối tượng không hợp tác vì nhiều lý do khiến việc cai nghiện ở tỉnh mỗi năm có 5-6 trường hợp. Khi vận động người đi cai nghiện, cán bộ phải gặp gia đình để làm cam kết, sau đó gặp đối tượng nghiện để tuyên truyền nhưng xuống cơ sở có trường hợp đến nghe nhưng nhiều trường hợp không đến.
Ðiện Biên là 1 trong 13 tỉnh, thành phố trọng điểm của cả nước về tệ nạn ma túy. Toàn tỉnh có gần 9.200 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.
Số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, độ tuổi mắc nghiện thường từ 18 tuổi thì nay đã xuất hiện ở lứa tuổi thấp hơn. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh), số người nghiện ma túy trong lứa tuổi từ 16-30 chiếm khoảng 28%; số người nghiện trên 30 chiếm trên 72% và đại đa số người nghiện ma túy có việc làm không ổn định hoặc không có việc làm.
Trong số những người nghiện, số người sử dụng heroin chiếm hơn 71%; người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp chiếm trên 16%). Qua phân loại sử dụng ma túy của người nghiện cho thấy, sự thay đổi về loại ma túy sử dụng của người nghiện phản ánh khó khăn, phức tạp trong công tác điều trị nghiện, đặc biệt là ma túy tổng hợp, ma túy đá do hiện chưa có phác đồ điều trị hiệu quả cho nhóm nghiện này.
Số người cai nghiện thành công còn rất… khiêm tốn
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, năm 2018, tỉnh đã tiếp nhận mới 739 người nghiện ma túy theo các hình thức cai nghiện. toàn tỉnh đã phối hợp lập hồ sơ cai nghiện và tổ chức cai nghiện cho 739 người nghiện ma túy, trong đó có 557 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, 53 người cai nghiện tự nguyện và 129 người cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm.
Hàng năm số người được cai nghiện tương đối lớn, tuy nhiên, số người cai nghiện ma túy thành công còn rất… khiêm tốn. Theo tổng hợp của các huyện, thị xã, thành phố tính đến tháng 31/10/2018, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 53 người cai nghiện ma túy thành công, trong đó, 16 người có thời gian không tái sử dụng ma túy từ 1 - 2 năm; 37 người có thời gian không tái sử dụng ma túy từ 3 năm trở lên. Như vậy tỷ lệ cai nghiện thành công chỉ là 7% số người cai nghiện, còn lại đa số những người cai nghiện đều tái nghiện trở lại.
Bên cạnh đó, việc tổ chức điều trị nghiện ma túy bằng Methadone ở Điện Biên còn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2011, tỉnh Điện Biên bắt đầu triển khai xây dựng và mở rộng cơ sở cấp phát thuốc Methadone, song đến nay mới chỉ có 29/131 xã, phường, thị trấn có cơ sở cấp phát thuốc. Trong đó, huyện Nậm Pồ chưa có cơ sở điều trị, cấp phát Methadone; huyện Điện Biên Đông mới chỉ có một cơ sở. Huyện Tủa Chùa mới có một cơ sở điều trị chưa có cơ sở cấp phát. Một số huyện có chưa đến một nửa số xã có cơ sở cấp phát Methadone.
Ở những xã có cơ sở cấp phát thuốc Methadone, người nghiện ma túy cũng gặp không ít khó khăn. Tiêu biểu như ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, có nhiều bản cách xa điểm cấp phát thuốc Methadone ở Trạm Y tế xã Mường Pồn trên 20 km như: Huổi Chan, Huổi Un, Pá Trả. Vào mùa mưa, đường đi lầy lội khiến cho việc đi lại khó khăn, nhiều người khi đến nơi đã quá giờ uống thuốc lại phải quay về nhà hoặc ở lại chờ đến ngày mai.
Theo quy trình điều trị Methadone, những người tham gia uống Methadone có khoảng cách từ nhà đến cơ sở điều trị là từ 5 - 7 km đường bình thường. Tuy nhiên ở Điện Biên, nhiều xã vùng sâu vùng xa, hệ thống giao thông rất khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa nhiều người nghiện ma túy không thể xuống được nơi cấp phát thuốc do bị cô lập. Bên cạnh đó, Methadone chủ yếu điều trị cho các trường hợp nghiện các chất dạng thuốc phiện, nhưng hiện nay nhiều người nghiện sử dụng nhiều loại ma túy, không tuân thủ việc đi điều trị Methadone.
Việc xây dựng cơ sở để điều trị Methadone ở tỉnh Điện Biên rất khó khăn. Một số huyện được triển khai điều trị Methadone ngay từ những ngày đầu nhưng đến nay số người tham gia điều trị rất ít. Một vài trường hợp tham gia điều trị một thời gian lại bỏ, có trường hợp bỏ rồi lại quay trở lại điều trị, việc này khiến cho các cơ sở điều trị, cấp phát Methadone gặp khó khăn trong quản lý người bệnh và chủ động liều lượng thuốc khi cần. Bên cạnh đó, một số địa bàn có số người nghiện lên đến trên 100 người nhưng số người điều trị theo phương pháp này lại chỉ chưa đến 10 người.
Qua đó cho thấy công tác cai nghiện và quản lý sau cai vẫn còn tồn tại những hạn chế, hiệu quả thấp. Mặc dù được quan tâm chỉ đạo, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhận thức của người dân về việc điều trị thuốc Methadone vẫn chưa cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.
Nguyên nhân chủ yếu là quá trình điều trị cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cơ bản mới thực hiện được giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, sau đó bàn giao về gia đình và địa phương tiếp tục quản lý, chăm sóc, giáo dục và dạy nghề, tạo việc làm. Ðặc biệt, công tác quản lý sau cai nghiện chưa thực sự được quan tâm trong khi đây chính là yếu tố quan trọng để duy trì hiệu quả, tính bền vững của công tác cai nghiện. Ðiều quan trọng hơn nữa là sự nỗ lực, quyết tâm dứt bỏ ma túy của người nghiện.
Giúp người nghiện có khả năng cai nghiện và an toàn xã hội
Theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
Hiện nay, việc quản lý các đối tượng sử dụng ma túy với quan điểm tương đối mới, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Đó là nhìn họ với tư cách là người bệnh, người lạm dụng sử dụng chất, không coi là những người vi phạm pháp luật như trước đây.
Việc này đảm bảo được quyền con người. Tuy nhiên, quản lý các đối tượng này mang tính phòng ngừa, bởi vì có một số đối tượng khi đã sử dụng ma túy, hoặc khi đã nghiện, trong khi không có tiền mà lại để thỏa mãn cơn nghiện, họ có thể có nguy cơ cao vi phạm pháp luật.
Các trường hợp này rơi vào các loại tội về chiếm đoạt tài sản, hoặc trường hợp phê thuốc có những hành vi không kiểm soát được, có thể xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Do đó việc quản lý có 2 tác dụng, vừa đảm bảo cho họ có khả năng cai nghiện và an toàn cho xã hội.
Trong điều kiện hiện nay, theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện và cai nghiện, đó là cần tăng cường tuyên truyền một cách thực chất. Bên cạnh đó, có sự tư vấn tâm lý xã hội, không nên kỳ thị, xa lánh những người nghiện, người sau cai. Chính quyền địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí cho công tác cai nghiện tại cộng đồng để tổ chức các điểm tư vấn, điều trị cắt cơn. Các cơ sở cai nghiện bắt buộc đã xây dựng từ nhiều năm cũng cần được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo để đáp ứng yêu cầu. Đối với các trường hợp không thể áp dụng biện pháp tự nguyện, cần thiết phải đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.