Ứng phó trước tình hình ma túy thế giới phức tạp

04/09/2022 07:37

(Chinhphu.vn) - Thực trạng tội phạm và tệ nạn ma túy đang trở thành vấn đề nghiêm trọng và cần được giải quyết trên cả thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ứng phó trước tình hình ma túy thế giới phức tạp - Ảnh 1.

Cảnh sát Anh khám phá trang trại trồng cần sa trái phép

Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), hiện nay, tình hình ma tuý thế giới nổi lên nhiều vấn đề đáng quan tâm. Trong số các chất ma túy phổ biến, cần sa là chất được sử dụng nhiều nhất, ước tính khoảng 209 triệu người, chiếm 4% dân số thế giới.

Số người sử dụng cần sa tăng 23% trong 10 năm qua. Tỷ lệ sử dụng cao nhất là tại Bắc Mỹ chiếm 16,6% dân số. Tỷ lệ phụ nữ sử dụng cần sa dao động từ 9% ở châu Á cho đến 42% ở Bắc Mỹ. Giãn cách xã hội trong giai đoạn phòng, chống COVID-19 làm gia tăng sử dụng cần sa. Khoảng 40% các nước báo cáo về việc cần sa có liên quan đến các rối loạn ở người sử dụng, 33% liên quan đến người đang điều trị nghiện ma tuý.

Các chỉ số này cho thấy tác động trên diện rộng của việc hợp pháp hoá cần sa ở Bắc Mỹ về sức khoẻ cộng đồng, an toàn công cộng, lợi ích thương mại và hoạt động tư pháp.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận toàn thế giới có khoảng 61 triệu người sử dụng ma tuý gốc thuốc phiện, chiếm 1,2% dân số, trong đó có khoảng 50% người sử dụng ở Nam Á và Tây Nam Á. Trong số này có khoảng 31 triệu người sử dụng heroin. Mức độ sử dụng chất này ổn định trong năm 2022 và tăng 200% sau 10 năm. Khoảng 40% người điều trị ma tuý liên quan đến sử dụng ma tuý gốc thuốc phiện. Đây là nhóm có tỷ lệ tử vong cao nhất, chiếm 2/3 số ca tử vong chủ yếu là sốc phản vệ do sử dụng quá liều.

Ngoài ra, 34 triệu người lạm dụng chất hướng thần loại amphetamine (ATS), chiếm 0,7% dân số thế giới. Số người sử dụng ATS được ghi nhận nhiều nhất ở khu vực Đông và Đông Nam Á. Ước tính có khoảng 20 triệu người sử dụng ecstasy (thuốc lắc). Thị trường "captagon - ma dược" ở Trung Đông tiếp tục phát triển mạnh với số vụ bắt giữ ở mức cao kỷ lục.

Các vụ bắt giữ cho thấy sự chuyển dịch trong sản xuất methamphetamine (meth) chuyển từ sử dụng ephedrine và pseudoephedrine sang tiền chất của P-2-P. Việc sản xuất và sử dụng meth tiếp tục lan rộng từ khu vực Đông và Đông Nam Á, Bắc Mỹ sang Trung Đông, Nam Mỹ và Tây Âu. Việc sản xuất meth ở Afghanistan làm tăng nguồn cung cho thị trường Trung Đông.

Mức độ sử dụng các chất hướng thần mới (NPS) thấp hơn so với các chất ma tuý được kiểm soát quốc tế. NPS được sử dụng tại hầu hết các nước, được sử dụng thường xuyên nhất là chất tổng hợp từ gốc cần sa và ketamin. Tình trạng sử dụng NPS giảm ở Bắc Mỹ, châu Âu song có xu hướng tăng ở châu Phi, châu Á. Các vụ bắt giữ NPS có nguồn gốc thực vật, chủ yếu là kratom và lá khát đã giảm so với năm 2019. 57 quốc gia có thông báo về việc bắt giữ NPS trong năm 2019 - 2021.

Số lượng NPS trên thị trường tương đối ổn định, 548 chất NPS được ghi nhận và báo cáo, trong đó 77 chất được xác định lần đầu. Số lượng NPS được phân loại là "benzodiazepine" đang là mối lo của nhiều nước.

Các hệ thống kiểm soát đã thành công trong việc ngăn chặn sự phát triển của NPS ở những nước phát triển nhưng ở Đông Âu, Trung Á, NPS đang trở thành vấn nạn. NPS có nguồn gốc thuốc phiện bao gồm các chất tương tự như fentanyl tiếp tục xuất hiện ở cấp độ toàn cầu và tạo thành nhóm có hại nhất.

Ứng phó trước tình hình ma túy thế giới phức tạp - Ảnh 2.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý triệt phá cơ sở sản xuất ma tuý “đá” tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, ngày 06/8/2019 do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu

Trước những xu hướng của tình hình ma tuý thế giới hiện nay cho thấy, các cơ quan chức năng nước ta cần điều chỉnh chiến lược giảm cung ma tuý tổng thể bao gồm phát triển mô hình chuyển đổi sản xuất, tạo sinh kế cho người dân tại những vùng trồng cây thuốc phiện để nâng cao mức sống cho người dân.

Các lực lượng tập trung đấu tranh ngăn chặn các vụ vận chuyển ma tuý qua các tuyến biên giới, đường biển, đường hàng không, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xác lập và triệt phá các đường dây ma tuý có tổ chức xuyên quốc gia và hoạt động rửa tiền liên quan. Các ban ngành cần đầu tư cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của ma tuý.

Ngành y tế cần đầu tư cho công tác xác định tình trạng nghiện, lập phác đồ điều trị, nhất là đối với các chất ma tuý mới bị lạm dụng hiện nay. Đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc giảm đau, an thần an toàn, ít tác dụng phụ phục vụ điều trị, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Đối với thuốc gây nghiện, hướng thần cần được quản lý chặt, việc mua bán phải có đơn kê của bác sỹ điều trị. Kiên định quan điểm không hợp pháp hoá cần sa vì mục đích y tế, giải trí để ngăn chặn giới trẻ lạm dụng cần sa từ đó gây ra hệ luỵ về sức khoẻ, an ninh trật tự. Đẩy mạnh hoạt động kiểm soát ma tuý hợp pháp không để đối tượng lợi dụng thu gom tiền chất vào mục đích sản xuất trái phép chất ma tuý.

Phát triển hệ thống phòng, chống ma tuý quốc gia tiếp cận trẻ em càng sớm càng tốt, tập trung xây dựng khả năng phục hồi phù hợp giúp trẻ phát triển khoẻ mạnh trong tương lai. Đối với trẻ em lang thang, cơ nhỡ có nguy cơ mắc nghiện cao, các ngành chức năng cần có chính sách đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội giúp các em được học văn hoá, học nghề giúp để ổn định cuộc sống sau này.

Kim Long

}
Top