Việt Nam nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy

23/07/2022 08:00

(Chinhphu.vn) - Nhiều quốc gia trên thế giới và ngay trong khu vực Đông Nam Á đã hoặc đang có xu hướng hợp pháp hóa cần sa. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm, trong đó Việt Nam luôn nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy.

Việt Nam nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy - Ảnh 1.

Công an tỉnh Hà Nam phát hiện, nhổ bỏ diện tích cây cần sa được trồng trái phép tại một hộ dân tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam

Xu hướng hợp pháp hóa cần sa

Những năm gần đây, rất nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Ecuador, Jamaica, Mexico, Canada, Tây Ban Nha, Hà Lan, Colombia, Đức, Israel... đã hợp pháp hóa việc trồng cây cần sa.

Một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang nghiêm túc nghiên cứu, xem xét việc hợp pháp hóa việc trồng cây cần sa, trong đó Chính phủ Thái Lan đã chính thức hợp pháp hóa vấn đề này.

Thái Lan vốn là quốc gia ban hành Đạo luật Cần sa rất sớm, từ năm 1934 và thông qua Luật Các chất ma túy, gây nghiện từ năm năm 1979; nghiêm cấm việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng cần sa dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước xu hướng hợp pháp hóa cây cần sa của một số nước trên thế giới và sự sa sút của ngành du lịch do đại dịch COVID-19 (một trong những ngành đem lại doanh thu rất lớn cho kinh tế Thái Lan), nhiều chuyên gia và chính trị gia Thái Lan đã đề xuất Chính phủ xem xét hợp pháp hóa trồng cần sa phục vụ mục đích y tế, công nghiệp, tạo động lực mới để phát triển kinh tế.

Ngày 16/12/2021, Thái Lan đã thông qua Luật Ma túy mới, trong đó bỏ 2 danh mục các chất thuộc nhóm cần sa (Marijuana) và nhóm gai dầu (Hemp) ra khỏi danh mục các chất ma túy bị cấm. Tiếp đó ngày 06/01/2022, Ủy ban kiểm soát ma túy Thái Lan (ONCB) và Bộ Y tế Thái Lan thông báo loại cần sa ra khỏi danh sách các chất ma túy, cho phép sử dụng, thương mại hóa hầu hết các bộ phận của cây cần sa, trừ chiết xuất canabidiol (CBD) với hàm lượng chất kích thích thần kinh (THC) trên 0,2%; bắt đầu cung cấp 1 triệu cây cần sa miễn phí cho các hộ gia đình trồng tại nhà (tối đa được trồng 6 cây cần sa) cho mục đích y tế, bắt đầu từ ngày 9/6/2022.

Mặc dù Chính phủ Thái Lan kỳ vọng việc thương mại hóa cây cần sa sẽ có đóng góp lớn cho nền kinh tế, tuy nhiên xung quanh vấn đề này có nhiều dư luận trái chiều. Cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan đánh giá ngành công nghiệp cần sa có tiềm năng kinh tế lớn, nhưng rất khó để bảo đảm không bị lợi dụng sản xuất, tiêu thụ bất hợp pháp. Các tổ chức dân sự phản đối gay gắt do lo ngại bị lợi dụng vào hoạt động buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy gây bất ổn cho xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân; cho rằng việc thiếu các quy định về kiểm soát chặt chẽ cần sa có thể khiến tỷ lệ thanh thiếu niên lạm dụng tăng cao.

Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ quan ngại và thông báo theo dõi sát động thái liên quan. Thậm chí cố vấn Ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) đề nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có chế tài xử lý nếu Thái Lan không có biện pháp khắc phục vi phạm Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961.

Việt Nam chủ động đối phó với tình hình

Là quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của tình hình tội phạm ma túy quốc tế và khu vực, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị nước ta tại Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về "Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy" đã nêu rõ: "Thực hiện nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy". Đây vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đối với vấn đề này.

Trước đó, Việt Nam đã khẳng định quyết tâm chính trị bằng việc cam kết và tham gia đầy đủ 3 Công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy gồm: Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961; Công ước về các chất hướng thần năm 1971 và Công ước chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và hướng thần năm 1988. 

Trên các diễn đàn quốc tế (cả song phương và đa phương) về hợp tác kiểm soát và phòng, chống ma túy, Chính phủ Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí vai trò của mình thông qua việc có những đóng góp và sáng kiến tích cực góp phần ngăn chặn hiểm họa ma túy. 

Trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, 10 năm gần đây, mỗi năm các cơ quan chức năng của Việt Nam đã đấu tranh, bắt giữ khoảng 20 nghìn vụ với hơn 30 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy, triệt phá nhiều đường dây tội phạm ma túy quốc tế nguy hiểm, hoạt động xuyên quốc gia; thu giữ lượng ma túy rất lớn, trong đó có hàng tấn cây cần sa tươi và cần sa khô được các đối tượng trồng hoặc buôn bán bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó rất chú trọng đến công tác cai nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy nhằm đối phó với tình trạng số người nghiện ở nước ta đang rất lớn (khoảng 190.000 người nghiện) và gần 60 nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là nguồn cầu ma túy rất lớn, là nguy cơ tiềm ẩn gây phức tạp về an ninh trật tự. Nghiêm trọng hơn, người sử dụng ma túy tổng hợp hoặc các chế phẩm từ cần sa và các loại ma túy khác có thể bị loạn thần, ảo giác gây ra các vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí làm chết nhiều người. Do đó, việc đấu tranh chặn đứng nguồn cung, giảm nguồn cầu, không hợp pháp hóa các chất ma túy là chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Nước ta có đường biên giới trên biển với Thái Lan, là địa bàn trọng điểm được các đối tượng tội phạm ma túy hướng tới đề triển khai các hoạt đọng  buôn bán ma túy trái phép. Việc Thái Lan có chính sách mới về vấn đề cây cần sa đã làm tăng nguồn cung cho các đối tượng tội phạm trong khu vực. 

Để ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, nhất là cần sa từ Thái Lan vào trong nước, các lực lượng chức năng của Việt Nam cần theo dõi sát tình hình để tham mưu Chính phủ có các giải pháp phù hợp; tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế để trao đổi thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; đẩy mạnh công tác tuần tra, giám sát khu vực  biên giới trên bộ và trên biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động buôn lậu cần sa vào Việt Nam.

Một vấn đề đáng chú ý là hiện nay, Thái Lan có hàng trăm sản phẩm thảo dược có sử dụng cần sa. Với việc hợp pháp hóa sẽ đưa sản phẩm từ cây cần sa vào phục vụ phổ biến trong ngành y tế Thái Lan và xuất khẩu ra nước ngoài. 

Vì vậy, các lực lượng chức năng Việt Nam cần tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát các sản phẩm tiêu dùng nhập khẩu từ Thái Lan, đặc biệt là thảo dược và thực phẩm chức năng nhằm kịp thời phát hiện hành vi xuất khẩu cần sa và chất gây nghiện vào Việt Nam; thực hiện nhất quán quan điểm "không hợp pháp hóa các chất ma túy" mà chúng ta đã lựa chọn.

Minh Anh

Top