UNODC: Nạn trồng cây thuốc phiện ở Myanmar tăng vọt

27/01/2023 14:26

(Chinhphu.vn) - Khảo sát về cây thuốc phiện tại Myanmar của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cho thấy việc trồng cây thuốc phiện đã tăng lên đáng kể, đảo ngược xu hướng giảm trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020.

UNODC: Nạn trồng cây thuốc phiện ở Myanmar tăng vọt - Ảnh 1.

Một vườn trồng cây thuốc phiện tại Myanmar

Báo cáo được công bố ngày 26/1 có tựa đề "Khảo sát về thuốc phiện tại Myanmar năm 2022: Trồng trọt, Sản xuất và Hệ lụy", dựa trên những dữ liệu hình ảnh vệ tinh và các nghiên cứu thực địa.

Theo đó, năm 2022, diện tích trồng cây thuốc phiện ở Myanmar ước tính là 40.100 ha, tăng 33% so với năm 2021 và năng suất tiềm năng đã tăng 88% lên đến 790 tấn. Điều này đã đánh dấu sự đổi chiều sau 6 năm giảm liên tiếp cho đến năm 2020. Kết quả trên cũng cho thấy "nền kinh tế thuốc phiện" của Myanmar đang được mở rộng đáng kể.

Ông Jeremy Douglas, Trưởng Đại diện UNODC tại khu vực Đông Nam Á- Thái Bình Dương cho biết: "Những đứt gãy kinh tế, an ninh và quản trị sau khi quân đội tiếp quản chính quyền vào tháng 2/2021 đã đồng thời diễn ra và nông dân ở những vùng xa xôi, nơi thường xuyên xảy ra xung đột ở phía bắc bang Shan và các bang biên giới không có nhiều lựa chọn, ngoài việc quay trở lại trồng thuốc phiện".

Mức tăng đáng kể nhất được ghi nhận ở bang Shan, nơi diện tích canh tác tăng 39%, tiếp theo là bang Chin và Kayah tăng 14% và 11%, trong khi diện tích canh tác ở Kachin tăng nhẹ 3%.

Năng suất thuốc phiện trung bình ước tính cũng tăng 41% lên đến 19,8 kg/ha – năng suất cao nhất kể từ khi UNODC bắt đầu khảo sát vào năm 2002 - cho thấy các biện pháp canh tác ngày càng phát triển và phân bón ngày càng sẵn.

Vào năm 2022, ngay cả khi sản lượng tăng mạnh, giá thuốc phiện trả cho nông dân cũng tăng 69% lên đến khoảng 280 USD/kg. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của cây thuốc phiện với tư cách là một loại cây trồng, một loại hàng hóa và nhu cầu đối với mặt hàng này tăng mạnh khi hoạt động buôn bán thuốc phiện và heroin ở khu vực Tam giác vàng có vẻ như đã tái kết nối với thị trường toàn cầu.

Đi đôi với sản lượng cao hơn, nông dân kiếm được nhiều hơn gấp đôi từ thuốc phiện so với năm trước. Mặc dù vậy, thu nhập tăng vọt không có nghĩa sức mua cũng tăng như vậy vì nước này đã trải qua tình trạng lạm phát tăng vọt, đồng tiền mất giá và chi phí phân bón, nhiên liệu tăng cao.

Việc trồng cây thuốc phiện gia tăng diễn ra đồng thời với việc sản xuất ma túy tổng hợp tiếp tục mở rộng và các hoạt động liên quan đến ma túy tại nước này cũng như vực xung quanh đã tạo ra lợi nhuận đáng kể. Giá trị thị trường của thuốc phiện ở Myanmar lên tới 2 tỷ USD, bên cạnh đó, giá trị thị trường heroine trong khu vực là gần 10 tỷ USD.

Tác động sâu sắc đối với khu vực 

Ông Douglas cho biết: "Sự tăng trưởng mà chúng ta đang chứng kiến trong 'ngành' thuốc phiện có liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng mà đất nước Myanmar đang phải đối mặt. Nó có tác động sâu sắc đối với khu vực và các nước láng giềng của Myanmar cần thẳng thắn đánh giá, giải quyết tình hình, đồng thời họ sẽ cần cân nhắc và đưa ra một số lựa chọn khó khăn".

Các giải pháp sẽ cần phải tính đến những thách thức và tình trạng dễ bị tổn thương mà những người sinh sống trong các khu vực trồng thuốc phiện truyền thống phải đối mặt, bao gồm trình trạng bị cô lập và xung đột. UNODC hoạt động dựa trên những thực tế này và chúng tôi đang hỗ trợ các cộng đồng và nông dân củng cố sinh kế địa phương để có thể cạnh tranh, thay thế cho các hoạt động kinh tế từ thuốc phiện.

Ông Benedikt Hofmann, Giám đốc Quốc gia của UNODC tại Myanmar cho rẳng, việc trồng thuốc phiện thực sự là một vấn đề kinh tế và nó không thể được giải quyết bằng cách phá hủy diện tích trồng thuốc phiện, bởi điều này chỉ làm gia tăng các tổn thương.

"Nếu không có các giải pháp thay thế và nhắm tới mục tiêu ổn định nền kinh tế thì khả năng việc trồng và sản xuất thuốc phiện vẫn sẽ tiếp tục được mở rộng", ông Benedikt Hofmann cho biết thêm.

Hoàng Giang

Top