Việt Nam đang đi đúng hướng trong chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS
(Chinhphu.vn) - Ông Eric Dziuban, Giám đốc quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm Soát Bệnh Tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, cần tăng cường các hoạt động xét nghiệm HIV để phát hiện tình trạng bệnh của người nhiễm HIV, đồng thời bảo đảm nguồn cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị cho những người nhiễm HIV.
Để tìm ra những giải pháp giúp Việt Nam thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, và bảo đảm bền vững các kết quả phòng, chống HIV/AIDS, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông (Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm) có cuộc trao đổi với BS. Eric Dziuban, Giám đốc quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm Soát Bệnh Tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam xung quanh nội dung này.
PV: Xin ông cho biết, Việt Nam có đang đi đúng hướng để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030?
Ông Eric Dziuban: Việt Nam đang đi đúng hướng và làm rất tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hơn 20 năm qua, CDC Hoa Kỳ, Chương trình "Hỗ trợ khẩn cấp phòng chống AIDS của Tổng thống Mỹ (PEPFAR) tại Việt Nam đã đồng hành với Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; đặc biệt phối hợp với các cơ quan phòng, chống HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).
Thời gian qua Việt Nam đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và đã đạt được nhiều dấu mốc quan trọng. Một trong những dấu mốc này liên quan đến tải lượng virus HIV. So sánh với trước đây, hiện tại phần lớn những người nhiễm HIV đã được điều trị ngay và đạt được tải lượng virus tốt. Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn khoảng trống mà chúng ta cần lấp đầy. Điển hình là chúng ta cần tập trung nguồn lực, chú trọng các hoạt động để ngăn chặn lây nhiễm mới trong nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Hiện chúng tôi vẫn đang đồng hành, cùng với Việt Nam nỗ lực tìm những giải pháp để lấp đầy khoảng trống này, để có thể tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
PV: Theo ông Việt Nam cần phải thực hiện những giải pháp gì để đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong phòng, chống HIV/AIDS?
Ông Eric Dziuban: Hiện tại có rất nhiều biện pháp phòng, chống HIV/AIDS đang được triển khai rất hiệu quả tại Việt Nam. Một trong những biện pháp hiệu quả này là điều trị dự phòng lây nhiễm HIV, hay còn gọi là điều trị PrEP. Đây là loại thuốc dự phòng, khi uống vào có thể dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả.
Một điều rất đặc biệt khiến tôi ấn tượng về Việt Nam, đó là Việt Nam có số lượng người tham gia điều trị PrEP cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á.
Về mục tiêu ngắn hạn đối với chương trình điều trị PrEP, tôi nghĩ chúng ta cần phải thu hút nhiều đối tượng tham gia hơn nữa. Trong mục tiêu dài hạn, chúng ta cần triển khai đa dạng các hình thức điều trị mới. Hiện đang có rất nhiều hình thức điều trị PrEP mới, thay vì uống như trước đây hiện nay còn có cả loại PrEP tiêm 2 tháng/1 lần. Thậm chí, đã có loại PrEP tiêm 6 tháng/1 lần. Hy vọng với những hình thức mới này, chương trình điều trị dự phòng PrEP sẽ phát huy và hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
CDC Hoa Kỳ tại Việt nam hiện đang làm việc với Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS để đưa PrEP tiêm về Việt Nam. Để làm được việc này, CDC Hoa Kỳ và Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có cuộc thảo luận nhóm với nhiều nhóm dân số nguy cơ cao lây nhiễm HIV, nhóm người sống chung với HIV. Phần lớn những người trong thảo luận nhóm này đều đồng tình, đưa ra ý kiến là họ mong muốn được dùng PrEP tiêm hơn là PrEP uống.
Bên cạnh đó, chúng ta cần chú trọng đến phần tài chính của chương trình điều trị PrEP. Hiện tại, chương trình điều trị PrEP chủ yếu từ nguồn tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, trong tương lai gần thì chúng ta cần đưa ra phương án PrEP thương mại để mọi người có sự lựa chọn. Họ có thể tự chi trả điều trị PrEP, thay vì dựa vào nguồn tài trợ quốc tế.
Liên quan đến công tác điều trị thì Việt Nam là một trong những quốc gia đã đạt được thành tựu quan trọng trong việc đưa những trường hợp nhiễm HIV vào tham gia điều trị thuốc ARV, và đã đạt được được ức chế tải lượng virus.
Mỗi quốc gia có một bối cảnh và tình hình dịch khác nhau, vì vậy Việt Nam cần nhìn lại xem tình hình dịch tễ của mình thế nào để xác định được đâu là những khoảng trống chúng ta cần lấp đầy, đặc biệt cần ưu tiên các nguồn lực nào để giúp chúng ta có thể đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Một trong những giải pháp đó là đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV, hay còn gọi là PHCR, để có thể kịp thời can thiệp với những chùm lây nhiễm trong cộng đồng.
Chúng ta cần phải triển khai đồng bộ các hoạt động để bảo đảm được chúng ta có thể ngăn chặn được lây nhiễm mới HIV và bảo đảm những bệnh nhân đang chung sống với virus HIV được sống khỏe mạnh. Đặc biệt, chúng ta cần tăng cường các hoạt động xét nghiệm để phát hiện tình trạng bệnh của người nhiễm HIV, đồng thời bảo đảm nguồn cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị cho những người nhiễm HIV.
PV: Nguồn hỗ trợ từ quốc tế đang ngày càng giảm mạnh trong khi dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Xin ông cho biết Việt Nam cần phải làm gì để huy động nguồn lực nhằm bảo đảm bền vững kết quả phòng, chống HIV/AIDS?
Ông Eric Dziuban: Trong 20 năm qua, nguồn tài trợ quốc tế đã cố gắng phân bổ hợp lý để đồng hành với Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và để đạt được các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả nhất. Chính phủ Hoa Kỳ thông qua PEPPFA đã dành nguồn lực rất lớn để hỗ trợ các quốc gia có thể kiểm soát được dịch HIV/AIDS.
Chúng ta cần phải nhìn vào thực tế rằng nguồn tài trợ này sẽ không tồn tại mãi mãi, và sẽ giảm dần theo từng năm. Tuy nhiên, tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đã có những động thái rất chủ động trong việc ứng phó với tình hình tài chính đang dần bị cắt giảm.
Bằng việc duy trì chương trình điều trị HIV hiệu quả và ức chế được tải lượng virus ở những người đang sống chung với HIV, chính điều này đã giảm đi các chi phí dành cho việc phòng, chống HIV/AIDS.
Trên thực tế tình hình dịch HIV tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam khác nhau. Có những tỉnh, thành phố đã nhận được nhiều sự tài trợ, đã tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trong khi đó, một số tỉnh, thành khác thì chưa nhận được sự hỗ trợ này, các chương trình phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng để điều phối hợp lý, lấp các khoảng trống để có thể hỗ trợ cho các địa phương đang cần được hỗ trợ.
Để bảo đảm cho tất cả những người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị, Việt Nam đã rất quyết liệt trong việc bảo dảm nguồn tài trợ cho thuốc điều trị ARV. Hiện bảo hiểm y tế đã bao phủ được nguồn thuốc này cho các bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế. Tôi tin tưởng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tìm ra những biện pháp để bảo đảm được nguồn tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của quốc gia.
PV: Khu vực tư nhân đã có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Xin ông cho biết, trong thời gian tới CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ tiếp tục có những hỗ trợ gì cho khu vực tư nhân nói riêng, và cho nhà nước Việt Nam nói chung?
Ông Eric Dziuban: Chúng ta cần phải hiểu tầm quan trọng của việc điều trị HIV. Hiện tại, đa phần các bệnh nhân đều đang nhận thuốc điều trị tại các cơ sở y tế công và tư. Đặc biệt, tại các cơ sở y tế công, vì họ có thể nhận được thuốc qua nguồn bảo hiểm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần phải nghĩ đến các phương án khác để đa dạng hình thức, giúp cho tất cả các bệnh nhân nhiễm HIV có thể tiếp cận điều trị thuốc ARV. Đặc biệt, khu vực tư nhân cũng đã có nhiều đóng góp trong việc giúp người nguy cơ cao nhiễm HIV tiếp cận thuốc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV và giúp những người nhiễm HIV tiếp cận điều trị.
Hiện tại, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đang có những hoạt động hỗ trợ cho các cơ sở y tế tư nhân để cung cấp điều trị thuốc HIV cho bệnh nhân. Tuy nhiên, lĩnh vực chính của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam là nâng cao năng lực hệ thống y tế, để bảo đảm tất cả những người nguy cơ cao nhiễm HIV có thể tiếp cận các dịch vụ về điều trị, dự phòng lây nhiễm HIV một cách dễ dàng nhất.
Chúng tôi có cùng quan điểm với các nhà hoạch động chính sách tại Việt Nam liên quan đến lĩnh vực y tế là tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội đều được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS bảo đảm chất lượng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành để giúp cho những người nguy cơ cao nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV có thể lựa chọn các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, để tất cả những người đang sống với virus HIV được sống khỏe và sẽ không ai bị bỏ lại phía sau.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thùy Chi (thực hiện)