Vốn vay giúp nhóm người yếu thế vươn lên trong cuộc sống

03/09/2022 07:36

(Chinhphu.vn) - Nhiều cá nhân, hộ gia đình được vay vốn vươn lên trong cuộc sống đã trở thành những tấm gương, là mục tiêu, động lực để những người yếu thế khác phấn đấu noi theo. Nhiều người cũng trở thành những tình nguyện viên trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS tại địa phương.

Vốn vay giúp nhóm người yếu thế vươn lên trong cuộc sống - Ảnh 1.

Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người dân - Ảnh minh họa

Tại Hậu Giang, hộ gia đình anh Nguyễn Đình Th. (người sau cai nghiện, sinh năm 1979, trú tại Khu vực Xẻo Vông A, Phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy), được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ vay số tiền là 30 triệu đồng. Gia đình anh đã cải tạo vườn trồng bưởi da xanh, đem lại thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Một hộ khác là hộ gia đình ông Lê Thanh T. (người nhiễm HIV, sinh năm 1982, trú tại ấp Xáng Mới A, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A) vay số tiền 30 triệu đồng để trồng 50 cây sầu riêng, nuôi ếch thịt và nuôi cá. Đến nay, thu nhập hàng tháng từ bán ếch thịt và nuôi cá của gia đình ông T. từ 4-7 triệu đồng.

Hay hộ gia đình chị Trương Thị T. A (người bán dâm hoàn lương, sinh năm 1970, trú tại khu vực 7, phường IV, thành phố Vị Thanh) được NHCSXH hỗ trợ vay số tiền là 30 triệu đồng, chị đã mở cửa hàng bán tạp hóa nhỏ tại gia đình, đem lại hu nhập hàng tháng từ 5-6 triệu đồng.

Đây chỉ là 3 trong hàng chục trường hợp thuộc nhóm yếu thế đã được vay vốn, phát triển sinh kế và hòa nhập cộng đồng bền vững tại Hậu Giang.

Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các dạng chất thuộc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương là một chính sách nhân văn của Nhà nước .

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Sở LĐTB&XH tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng LĐTB&XH, UBND cấp xã, các tổ chức đoàn thể có liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhóm đối tượng và gia đình họ về trình tự, thủ tục vay vốn theo quy định.

Đồng thời rà soát, nắm bắt nhu cầu, điều kiện của các đối tượng để thẩm định, đề xuất và xác nhận cho họ đủ điều kiện vay vốn tạo việc làm, sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế bền vững, cũng như giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh công khai chương trình tín dụng tại các điểm giao dịch xã; phổ biến tại các phiên hợp giao ban với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, lồng ghép vào các buổi tập huấn nghiệp vụ ủy thác của NHCSXH cho các đối tượng là Chủ tịch UBND cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội, trưởng ấp và Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.

5 năm qua, đã có 44 hộ gia đình và cá nhân được vay vốn với tổng số tiền là 1.140 triệu đồng. Trong đó, 7 cá nhân vay vốn với 130 triệu đồng; 32 hộ gia đình vay vốn với 1.010 triệu đồng.

Theo NHCSXH tỉnh Hậu Giang, đến thời điểm hiện tại, chương trình chưa phát sinh nợ quá hạn. Hầu hết các đối tượng vay vốn đều có hoàn cảnh khó khăn, sau khi được vay vốn có sự giám sát của gia đình và chính quyền cơ sở nên số vốn được vay sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, thực hiện tốt nghĩa vụ, số nợ quá hạn, nợ khoanh chưa phát sinh.

Tuy số tiền vốn vay không lớn, chỉ đủ để làm ăn nhỏ nhưng đã góp phần tăng thu nhập trong sinh hoạt, từng bước giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Sức khỏe, tinh thần, việc làm, thu nhập, cuộc sống của người vay vốn tương đối ổn định, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, giảm được tình trạng một số người đi lang thang và gây mất trật tự an toàn xã hội.

Người thân gia đình được vay vốn quan tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần hơn, cùng với cộng đồng luôn hỗ trợ, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi họ để làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Nhìn chung, trong nhóm người được vay vốn tỷ lệ tái nghiện, tái phạm chiếm 7,14 %. Trong khi đó, nhóm người không được vay vốn tỷ lệ này là trên 90%.

Tuy nhiên, tỷ lệ vay vốn mới chỉ đạt 32,7% kế hoạch. Nguồn vốn khó giải ngân do việc bình xét cho vay gặp khó khăn vì tâm lý e ngại của Tổ tiết kiệm và vay vốn; khả năng thực hiện phương án sản xuất kinh doanh chưa thực sự khả thi dẫn đến việc chấp hành quy định về trả gốc và lãi đối với khoản vay còn chậm, rủi ro khó thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, theo quy định, đối với người nhiễm HIV/AIDS, người bán dâm muốn được vay vốn phải có xác nhận không còn bán dâm hoặc cung cấp phiếu xét nghiệm HIV/AIDS, đã gây khó khăn, e ngại đối với họ do sợ kỳ thị của xã hội. Một số gia đình người nghiện không thực hiện việc bảo lãnh vì e ngại con em tiếp tục tái nghiện, sử dụng vốn không hiệu quả.

Hơn nữa, nhiều trường hợp hộ gia đình đang vay vốn ở một chương trình ưu đãi khác của NHCSXH sẽ không được vay ở chương trình này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vốn tồn đọng qua các năm.

Do đó, trong thời gian tới, ngành LĐTB&XH và NHCSXH cần tiếp tục tạo điều kiện tốt để cá nhân, hộ gia đình người sau nghiện, người điều trị thay thế, người nhiễm HIV, người bán dâm hoàn lương được vay vốn từ các gói tín dụng ưu đãi khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định.

Như Ngọc

}
Top