WHO kêu gọi châu Âu chống kỳ thị liên quan đến xét nghiệm HIV

29/11/2023 15:53

(Chinhphu.vn) - Hơn một nửa số ca mắc HIV tại châu Âu đều phát hiện khi đã quá muộn, phần lớn là do các rào cản liên quan đến kỳ thị, khiến người dân không tìm đến dịch vụ xét nghiệm và chăm sóc kịp thời.

Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước châu Âu "tăng cường xét nghiệm và chấm dứt thái độ kỳ thị lâu nay" để chống lại dịch bệnh HIV/AIDS đang diễn biến đáng lo ngại.

WHO kêu gọi châu Âu chống kỳ thị liên quan đến xét nghiệm HIV- Ảnh 1.

Xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử kỳ thì sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn tới mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030. Ảnh minh họa

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Văn phòng khu vực châu Âu của WHO và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cùng công bố báo cáo cho biết trong năm 2022, có 110.486 ca chẩn đoán nhiễm HIV ở khu vực này, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 2,4 triệu ca, tăng 4,2%.

Theo báo cáo, số ca chẩn đoán nhiễm bệnh gia tăng trong năm 2022 là do một số yếu tố như nối lại các dịch vụ xét nghiệm sau giai đoạn phong tỏa chống dịch COVID-19, mở rộng các dịch vụ xét nghiệm HIV và việc áp dụng các chiến lược xét nghiệm mới.

Tuy nhiên, hơn một nửa số ca này đều phát hiện khi đã quá muộn, phần lớn là do các rào cản liên quan đến kỳ thị, khiến người dân không tìm đến dịch vụ xét nghiệm và chăm sóc kịp thời.

Giám đốc ECDC Andrea Ammon cho biết số ca chẩn đoán nhiễm bệnh gia tăng là bằng chứng cho thấy các nước đang đi đúng hướng trong việc tăng cường dịch vụ xét nghiệm, điều trị và hỗ trợ những người có nguy cơ lây nhiễm cao.

Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua sự kỳ thị liên quan để đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp cận được dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cần thiết.

Tại Việt Nam, tình trạng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và kỳ thị người đi xét nghiệm HIV vẫn xảy ra. TS. Khuất Thu Hồng, chuyên gia nghiên cứu về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS cho biết, nguyên nhân xảy ra tình trạng phân biệt đối xử sự kỳ thị là sự thiếu hiểu biết. Có rất nhiều hiểu biết sai lầm về con đường lây truyền của HIV.

Sự phân biệt đã cản trở nhiều công tác phòng chống HIV cho rằng sự kỳ thị là dịch bệnh thứ 2. Vì thế để giảm thiểu kì thị và phân biệt đối xử với HIV trong cộng đồng, TS Hồng cho rằng, cần động viên hỗ trợ người HIV vượt lên chính mình bằng cách động viên họ, khích lệ họ, khuyến khích và đồng hành cùng họ. Có thể tổ chức thành nhóm, câu lạc bộ, mạng lưới người có H, mạng lưới người làm nghề mại dâm, người nghiện họ kết nối chia sẻ với nhau.

Tiếp đến là truyền thông cộng đồng để người dân hiểu rõ về HIV là gì? lây truyền như thế nào và không lây như nào. Khi hiểu thì người dân không xa lánh người nhiễm HIV.

Ngoài ra, cần truyền thông cụ thể hơn, truyền thông đến tận các cơ quan đơn vị để họ hiểu nếu nơi mình làm mà có người nhiễm HIV thì qua tiếp xúc hàng ngày cũng không thể lây bệnh được mà quan trọng nhất là hành vi của chúng ta. Nếu chúng ta có hành vi tốt như quan hệ tình dục an toàn… thì chúng ta không thể bị lây nhiễm HIV được.

Việc kỳ thị và phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người nhiễm HIV hoặc những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, mà còn tiếp tay cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng.

"Vì vậy, tất cả chúng ta hãy chung tay hỗ trợ người nhiễm HIV và những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, cùng mở lòng, chia sẻ, đồng cảm với những nhóm người dễ bị tổn thương nhất để kỳ thị và phân biệt đối xử chỉ còn là quá khứ. Đồng lòng, chúng ta sẽ xóa bỏ được kỳ thị và phân biệt đối xử. Đồng lòng, chúng ta sẽ kết thúc được dịch AIDS", bà Hồng nói.

Thùy Chi

hiv
}
Top