Xây dựng một nghị định tổng thể nhằm bảo đảm tính đồng bộ về phòng, chống HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Bộ Y tế cho biết, sau khi Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được thông qua năm 2006, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành luật như Nghị định số 108/2007/NĐ-CP, 75/2016/NĐ-CP, 90/2016/NĐ-CP và một số điều của Nghị định số 155/2018/NĐ-CP.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc áp dụng các nghị định này cần có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của đời sống kinh tế- xã hội, đồng thời việc các điều, khoản trong các nghị định cần thống nhất lại. Việc ban hành một nghị định tổng thể sẽ tạo được sự đồng bộ, thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuận tiện trong quá trình áp dụng, tổ chức thực hiện.
Cụ thể, đối với Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007, do Nghị định ban hành từ năm 2007, nên việc quy định về các biện pháp và đối tượng áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV chưa đầy đủ, chưa đảm bảo việc mở rộng các giải pháp dự phòng lây nhiễm HIV và cụ thể hóa các nhóm đối tượng cần can thiệp nhằm thích ứng với sự thay đổi về tình hình dịch tễ HIV và các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV mới nổi theo như quy định của Điều 21 của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2020.
Hoạt động về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV giai đoạn trước chủ yếu do các chương trình và dự án triển khai, tuy nhiên giai đoạn mới trong bối cảnh tăng cường việc chủ động, suy giảm về nguồn lực viện trợ, không còn tồn tại chương trình mục tiêu, thay đổi cơ chế đảm bảo tài chính, nên các quy định về thẩm quyền phê duyệt các biện pháp và kinh phí cho hoạt động cần phải thay đổi để tương ứng với tình hình mới.
Thêm vào đó, việc quản lý, phân phối, sử dụng thuốc kháng HIV phát sinh nhiều điểm chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế cần phải thay đổi, đồng thời thực tiễn phát sinh 3 nhóm đối tượng được cấp thuốc ARV miễn phí gồm có: Người phơi nhiễm, nhiễm HIV do tham gia cứu nạn; trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; người nhiễm HIV trong các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở tạm giữ khác, điều này để đảm bảo được sự bao phủ các nhóm đối tượng được tiếp cận với thuốc ARV và tính ưu việt của xã hội và nhà nước và phù hợp với Điều 39 của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi, bổ sung năm 2020. Đồng thời việc triển khai chế độ chính sách cho các nhóm đối tượng trên cũng chưa được quy định cụ thể.
Một số quy định về chăm sóc người nhiễm HIV tại cơ sở bảo trợ xã hội nhà nước và ngoài công lập đã được quy định tại các văn bản khác như Nghị định số 63/2021/NĐ-CP.
Đối với Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 thì về việc áp dụng các quy định pháp luật đối với người nghiện ma túy đã có nhiều thay đổi được quy định trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Do đó một số quy định cũ đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện theo Nghị định số 90/2016/NĐ-CP sẽ cần phải cập nhật lại cho phù hợp với tình hình triển khai thực tế.
Về việc người bệnh đăng ký tham gia điều trị nghiện các các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế còn bất cập, dẫn tới rất ít đối tượng trong các cơ sở khép kín tự nguyện điều trị nghiện các các dạng thuốc phiện trong trại giam. Quy định về đối tượng đăng ký tham gia điều trị nghiện, hồ sơ đăng ký tham gia điều trị, quy trình tiếp nhận vẫn còn nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tế là một trong những khó khăn đối với người bệnh khi tự nguyện tham gia điều trị.
Về công bố cơ sở đủ điều kiện điều trị nghiện các các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong đó có một số thủ tục không phải là thủ tục hành chính cần phải được bãi bỏ, một số hình thức công bố lại không còn phù hợp với thực tiễn và không phát sinh thủ tục hành chính cần phải hiệu chỉnh.
Về điều kiện nhân sự của cơ sở điều trị nghiện các các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám chữa bệnh.
Về điều kiện đảm bảo cho công tác điều trị nghiện các các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, trong đó có quy định về định mức thu được ban hành từ năm 2015 đến nay đã không còn phù hợp và cần được cập nhật lại theo các quy định mới về cách tính giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Đồng thời, việc ưu đãi phụ cấp theo vị trí việc làm cơ cấu chưa hợp lý, chưa khuyến khích được người lao động.
Đối với Nghị định số 75/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Điều 16, 17 của Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 thì việc Bộ Y tế thông báo cơ sở tham chiếu xét nghiệm HIV đang được thực hiện theo cách thức Bộ Y tế chỉ định đơn vị trực thuộc là cơ sở tham chiếu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tiễn, có thể phát sinh việc không duy trì đảm bảo điều kiện, khó thực hiện thủ tục thay đổi khi có sự thay đổi về nhân sự, tên... cũng như thẩm quyền quyết định cơ sở tham chiếu. Vì vậy, cần bổ sung quy định về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở xét nghiệm chiếu HIV.
Bộ Y tế cho biết, một số quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự cần phù hợp với các văn bản quy định về khám chữa bệnh, an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục và liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia để đảm bảo việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia.
Việc ban hành sẽ phù hợp với Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi
Bộ Y tế cho biết, một số nội dung được quy định trong Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi, bổ sung năm 2020 chưa được quy định chi tiết trong các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
Cụ thể, Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi, bổ sung năm 2020 có quy định cho phép người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được được thực hiện các hoạt động sau đây: (1) Tuyên truyền và tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV theo quy định của Chính phủ; (2) Cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện tại chưa có văn bản quy định chi tiết cho việc thực hiện vì vậy cần phải bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ để quy định việc thực hiện và điều kiện được tham gia...
Theo Bộ Y tế, việc xây dựng một Nghị định tổng thể thay thế các Nghị định số 108/2007/NĐ-CP, 75/2016/NĐ-CP, 90/2016/NĐ-CP và một số điều của Nghị định số 155/2018/NĐ-CP cần sửa đổi bổ sung là cần thiết nhằm tạo được sự đồng bộ, thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuận tiện trong quá trình áp dụng, tổ chức thực hiện.
Vĩnh Hoàng