Yên Bái: Đẩy mạnh biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV bền vững

19/12/2023 10:45

(Chinhphu.vn) - Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Yên Bái nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, can thiệp toàn diện các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, coi điều trị HIV/AIDS là một trong những biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV mang tính bền vững, hiệu quả.

Yên Bái: Đẩy mạnh biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV bền vững- Ảnh 1.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Trong những năm gần đây, Yên Bái đã kiểm soát tốt số người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, tình hình nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp về đường lây, đối tượng nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, đa dạng các thành phần xã hội...

Kể từ khi Yên Bái phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1997, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, nhiều hoạt động đã triển khai để khống chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Theo đó, tỉnh đã kiểm soát HIV trên cả 3 tiêu chí: giảm số người nhiễm mới, giảm số người tử vong do AIDS, giảm số người chuyển giai đoạn AIDS. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thời gian qua tỉnh đã triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp. Chú trọng công tác truyền thông can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, truyền thông HIV/AIDS trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông tại cộng đồng, cơ sở y tế... từ đó giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV tiếp cận được các dịch vụ y tế, hòa nhập cộng đồng".

Công tác chăm sóc điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Hiện, Yên Bái có 13 điểm điều trị ARV, điều trị cho 1.691/1.814 người, đạt 93,2% số người nhiễm HIV được điều trị ARV. Trong đó, 99% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế và thanh toán thuốc ARV qua bảo hiểm y tế, đây là kết quả mang tính đột phá khi chuyển từ cấp thuốc ARV từ dự án quốc tế sang cung ứng thuốc qua bảo hiểm y tế để bảo đảm tính bền vững trong công tác điều trị cho bệnh nhân. Trong đó, 96% bệnh nhân điều trị ARV có kết quả tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng ức chế, từ đó giảm nguy cơ lây truyền HIV ra cộng đồng: "Không phát hiện = Không lây nhiễm".

Trong giai đoạn 2021-2023, xét nghiệm tải lượng HIV được chi trả qua nguồn bảo hiểm y tế và kỹ thuật xét nghiệm đã được triển khai tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật góp phần tích cực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Trong xét nghiệm HIV, số mẫu dương tính được phát hiện/tổng số mẫu xét nghiệm liên tục giảm. Trong những năm đầu, phát hiện trung bình 350 trường hợp dương tính/1 năm, song những năm gần đây đã giảm dần từ 200 xuống 150. Trong 11 tháng năm 2023 chỉ còn phát hiện 52 ca mới.

Công tác giám sát HIV/AIDS được triển khai số hóa từ Trung ương đến tận xã, phường. Để tiếp tục động viên, khích lệ tinh thần người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV tham gia tích cực điều trị và các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương, hàng quý, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Dự án AHF tặng quà cho 35 trẻ bị nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV trong tuổi đi học và đang điều trị ARV tại Văn Chấn, Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái. Hỗ trợ bao gồm kinh phí học tập, kinh phí đến lấy thuốc ARV và các thực phẩm thiết thực trong cuộc sống hàng ngày, từ đó nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần của người nhiễm HIV.

Để đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn, trong thời gian tới Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường xét nghiệm HIV trong cộng đồng, bảo đảm mục tiêu 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm; giám sát, rà soát ca bệnh, tăng cường công tác điều trị ARV cho tuyến huyện, hướng tới mục tiêu đưa 95% người nhiễm HIV được điều trị ARV…

Cùng với đó, ưu tiên cho các giải pháp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử; tăng cường biện pháp điều trị nghiện chất trong can thiệp giảm hại. Tăng cường các loại hình xét nghiệm HIV, xét nghiệm tại các cơ sở y tế, chú trọng xét nghiệm tư vấn lưu động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa và đẩy mạnh thực hiện xét nghiệm không chuyên, tự xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ cao; mở rộng điều trị cho người nhiễm HIV tại trại tạm giam, trại giam…

Để bảo đảm nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS địa phương sẽ tiếp tục chú trọng tăng kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, kinh phí từ nguồn bảo hiểm y tế giữ vai trò đặc biệt quan trọng để bảo đảm các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, hiệu quả, mang tính bền vững.

Đặc biệt, ngành y tế địa phương cũng chú trọng công tác chăm sóc điều trị HIV/AIDS, đảm bảo người nhiễm HIV được duy trì điều trị thuốc ARV liên tục trong bối cảnh khó khăn trong việc mua sắm thuốc ARV…

Thùy Chi

hiv
}
Top