20 năm triển khai Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm

11/01/2024 17:31

(Chinhphu.vn) - Sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 2 ban hành ngày 17/3/2003, công tác này đã đạt được những kết quả nhất định.

20 năm triển khai Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm làm việc tại tỉnh Phú Yên - ẢNh: VGP/NN

Theo báo cáo của các địa phương, tính hết năm, cả nước ước tính có 7.504 người bán dâm, trong đó số người bán dâm được các cơ quan chức năng thống kê (qua xử lý vi phạm hành chính, hỗ trợ xã hội, y tế…) là 2.116 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều do tính di biến động, phức tạp, trá hình của hoạt động mại dâm.

Hoạt động mại dâm có biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Mại dâm tại nơi công cộng có xu hướng giảm mạnh thay vào đó, các nhóm tội phạm thực hiện với nhiều phương thức hoạt động kín đáo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ; mại dâm nam, mại dâm đồng tính, biến tướng theo "hợp đồng", tour du lịch, nhận "con nuôi", "bố nuôi".

Hoạt động mại dâm có xu hướng sử dụng mạng internet, ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua các trang mạng xã hội, diễn đàn, nhóm kín; ra nước ngoài để hoạt động mại dâm diễn biến khó kiểm soát...

Sau khi Pháp lệnh Phòng chống mại dâm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã ban hành 10 Nghị định, 6 Quyết định, 3 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 29 Thông tư, Thông tư liên tịch và Quyết định của Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành liên quan để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Phòng chống mại dâm.

Ở địa phương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành hơn 10.000 văn bản về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống mại dâm; chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hằng năm.

Số lượng văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực phòng chống mại dâm ban hành từ 2003 đến nay tuy không nhiều nhưng nội dung cơ bản phù hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về phòng chống mại dâm, tạo công cụ quản lý nhà nước và điều chỉnh các quan hệ xã hội về mại dâm ở từng địa phương và toàn quốc trong từng giai đoạn. 

Tại Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBQG phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm đã có những chỉ đạo cụ thể về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và chương trình công tác hằng năm về phòng chống mại dâm đối với các bộ, ngành, địa phương nhằm tăng cường hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này.

Bộ LĐTB&XH đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ hòa nhập cộng đồng như: Các dịch vụ hỗ trợ xã hội như hỗ trợ y tế, phòng chống HIV; hỗ trợ học nghề, tạo sinh kế; trợ giúp pháp lý, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới,… ; thực hiện lồng ghép với hệ thống chính sách có liên quan được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 và lồng ghép thực hiện một số chính sách phúc lợi xã hội thông qua các chương trình kinh tế - xã hội, chương trình phòng, chống HIV, chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn… tại địa bàn cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm hoặc các đối tượng có nguy cơ cao.

Đồng thời hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai các mô hình thí điểm hỗ trợ can thiệp giảm hại, hòa nhập cộng đồng với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội, hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính thông qua việc xây dựng các mô hình thí điểm tại cộng đồng, gồm: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội; mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới (trong Chương trình Phòng chống mại dâm qua các giai đoạn 5 năm, từ năm 2016 đến nay).

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH còn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, triển khai kế hoạch liên ngành về phòng chống mại dâm; ban hành kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình phòng chống mại dâm theo từng giai đoạn làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương thống nhất tổ chức thực hiện công tác phòng chống mại dâm theo lộ trình từng năm.

Ban hành Bộ chỉ số giám sát, quy trình kiểm tra, đánh giá thực hiện chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương thống nhất nhiệm vụ, các tiêu chí đánh giá, quy trình, trách nhiệm thực hiện giúp các bộ, ngành có liên quan và địa phương tổ chức thực hiện.

Tổ chức gần 300 đoàn công tác do lãnh đạo cấp Bộ và thủ trưởng các cơ quan chuyên trách làm trưởng đoàn, kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành và giám sát việc thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố, qua đó phát hiện các mô hình hiệu quả cần nhân rộng, kịp thời tháo gỡ những tồn tại, tiếp tục yêu cầu địa phương khắc phục, giải quyết và đề nghị các bộ ngành có liên quan xem xét thực hiện các kiến nghị hoặc trình cấp có thẩm quyền.

Các bộ, ngành, cơ quan trung ương của các đoàn thể theo chức năng nhiệm vụ được giao đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo ngành dọc, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm.

Đặc biệt, hoạt động can thiệp giảm hại phòng, chống HIV (do Bộ Y tế chủ trì) tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người bán dâm thông qua mô hình phân phát bao cao su từ nhân viên tiếp cận cộng đồng; mô hình hộp cung cấp bao cao su cố định; mô hình cung cấp bao cao su tại các nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở dịch vụ giải trí, phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện hoặc lồng ghép tại câu lạc bộ, điểm giáo dục sức khỏe...

Các hoạt động can thiệp giảm hại nhìn chung đã có những kết quả nhất định thể hiện ở các tỉ lệ nhiễm HIV, mắc STIs trong nhóm người mại dâm trong thời gian qua có xu hướng giảm dần.

Tại địa phương, từ năm 2003 đến nay, Sở LĐTB&XH với vai trò là cơ quan thường trực về phòng chống mại dâm đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch năm với các nhiệm vụ trọng tâm theo định hướng của Bộ.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống mại dâm

Ông Lê Đức Quang, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, mại dâm là hiện tượng xã hội do đó công tác phòng chống mại dâm là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Chính vì vậy, biện pháp đồng bộ, tổng thể sẽ tạo sức mạnh chung.

Trong thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống mại dâm; chú trọng đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng sinh động để thu hút giới trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng Internet và mạng xã hội; các hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, có tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, trường học…; vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm về tệ nạn mại dâm.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở; thiết lập cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong các chương trình về dạy nghề, tìm việc làm, hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo, người dân tộc thiểu số… để giảm đối tượng có nguy cơ cao; hỗ trợ người bán dâm tiếp cận các dịch vụ từ các chương trình trên nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xã hội đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; phòng chống mại dâm trên không gian mạng; giải quyết hiệu quả tình trạng người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm; mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm…

Xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng chống mại dâm; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm để hòa nhập cộng đồng.

Hình thành mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ giảm hại; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm có sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, chuyên gia, cá nhân trong và ngoài nước và một số nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm.

Tiếp tục đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống mại dâm.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm, mại dâm trẻ em và giải quyết vấn đề người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.

Như Ngọc

Top