Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, giảm hại, giúp người bán dâm ổn định cuộc sống
(Chinhphu.vn) - Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình thí điểm có hiệu quả của giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng hỗ trợ trao quyền, tăng cường sự tham gia của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan.
Hiệu quả bước đầu của các mô hình hỗ trợ người bán dâm
Giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã xây dựng và tổ chức triển khai được 113 điểm mô hình tại 21 tỉnh thành phố trên toàn quốc với 4.463 người bán dâm được hỗ trợ. Trong đó có 556 lượt người được vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 457 triệu đồng; 779 lượt người được học nghề, tạo việc làm. Tính đến nay, có 16 tỉnh, thành phố triển khai mô hình tại 91 địa bàn.
Một số tỉnh, thành phố duy trì một số mô hình từ giai đoạn 2016 - 2020 như tỉnh Quảng Ninh có 8 xã, phường triển khai mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng chống mại dâm; tỉnh Ninh Bình tiếp tục duy trì các mô hình "Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới", "Tổ phụ nữ không có tệ nạn xã hội"; tỉnh Kiên Giang có 3 địa bàn thực hiện mô hình phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp với các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng, chống HIV trong PCMD tại các xã, phường, thị trấn; tỉnh Hậu Giang có 6 Câu lạc bộ hỗ trợ người bán dâm, phòng ngừa HIV/AIDS.
Bên cạnh những kết quả tích cực, tại một số địa phương, hiệu quả thực hiện hoạt động can thiệp giảm hại, xây dựng các mô hình thí điểm, cung cấp, chuyển gửi các dịch vụ hỗ trợ hoà nhập cộng đồng, đặc biệt các hỗ trợ về giáo dục, vay vốn, dạy nghề, tìm việc làm cho người bán dâm ở nhiều địa phương còn hạn chế; chưa thúc đẩy sự tham gia tích cực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm.
Một trong những nguyên nhân là do người bán dâm thường hoạt động kín đáo, tinh vi, thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động, còn mặc cảm, tự ti về bản thân, e ngại khi tiếp xúc, liên hệ các dịch vụ hỗ trợ xã hội, y tế, đồng thời các cơ quan, tổ chức cũng gặp nhiều hạn chế trong việc xác định nhu cầu, tiếp cận và cung cấp dịch vụ hỗ trợ phù hợpvới họ.
Xây dựng "cơ chế tái hòa nhập trọn gói"
Để làm tốt công tác phòng chống mại dâm nói chung và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm nói riêng cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Với vai trò là cơ quan tham mưu, thường trực của UBQG phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, thời gian tới, Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội tiếp tục tham mưu cho Bộ LĐTB&XH, trình Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng chống mại dâm với một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2021-2025, trong đó, chú trọng việc xây dựng các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Trước mắt là tiếp tục thực hiện thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm theo hai nhóm chính sách: (1) chính sách, dịch vụ can thiệp giảm hại và phòng, chống bạo lực trong phòng, chống mại dâm; (2) chính sách, dịch vụ hỗ trợ hoà nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Thí điểm các chính sách trên dựa trên phương pháp tiếp cận toàn diện về thời điểm hỗ trợ (người bán dâm đang tham gia hoạt động mại dâm có nhu cầu; người bán dâm có ý định từ bỏ hoặc giảm bớt tần suất bán dâm) và về gói dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, toàn diện trong hỗ trợ người bán dâm có tính đến nhu cầu và khả năng đáp ứng thực tế.
Bên cạnh đó, nnghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật phòng, chống mại dâm, trong đó cần nhận diện phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng, chống mại dâm cho phù hợp với tình hình mới, tập trung nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ người bán dâm hoà nhập cộng đồng theo hướng cung cấp các dịch vụ xã hội, tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi để họ chủ động tìm kiếm công việc phù hợp, ổn định cuộc sống.
Mặt khác, xây dựng "cơ chế tái hòa nhập trọn gói", bao gồm những loại dịch vụ như: Hỗ trợ y tế, tham vấn/hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý.
Đồng thời xây dựng, ban hành các quy định, chính sách về hỗ trợ đối với người bán dâm theo nguyên tắc: Bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội; không phân biệt đối xử và đáp ứng cơ bản các nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng hỗ trợ, đặc biệt là đối với trẻ em bị ép buộc bán dâm.
Ngoài ra, bảo đảm quá trình tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững, có sự theo dõi, giám sát và hỗ trợ thường xuyên từ phía các cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng, gia đình. Quá trình hỗ trợ được thự hiện liên tục, không bị "bỏ lửng" hoặc "đứt đoạn".
Như Ngọc