5 bước truyền thông, can thiệp phòng chống HIV trong khu công nghiệp

05/12/2022 13:00

(Chinhphu.vn) - Trước tình hình nhóm công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp có dấu hiệu nhiễm HIV ngày càng gia tăng, mô hình sáng tạo “SAFE-ZONE” được triển khai như một giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn lây nhiễm mới trong khu công nghiệp.

5 bước truyền thông, can thiệp phòng chống HIV trong khu công nghiệp  - Ảnh 1.

Truyền thông tại khu nhà trọ cho công nhân. Ảnh: Thùy Chi

Từ năm 2008, Trung tâm LIFE đã triển khai chương trình nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân nhà máy, thực hiện quyền lao động, tạo nơi làm việc an toàn, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới, nâng cao kỹ năng quản lý tài chính và phát triển cá nhân. Sau 14 năm, hoạt động này đã được thực hiện ở 34 tỉnh/thành phố, hỗ trợ được 300.000 công nhân tại 150 nhà máy.

Điển hình, mô hình "SAFE-ZONE" nhằm cập nhật thông tin, kiến thức của công nhân về sức khỏe tình dục, dự phòng HIV và các bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt giới thiệu và kết nối họ đến các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoàn và điều trị tư nhân do các tổ chức cộng đồng cung cấp.

Đặc biệt mô hình "SAFE-ZONE" có 5 bước truyền thông, can thiệp phòng, chống HIV/AIDS đến công nhân nhà máy để các địa phương có điều kiện tương tự có thể áp dụng.

Bước 1: Tiếp xúc với nhà máy

Chủ động liên lạc để xin gặp/họp với đại diện lãnh đạo nhà máy trong mạng lưới làm việc, và các nhà máy trong địa bàn được cơ quan y tế nhận định là nơi đang có số ca nhiễm HIV gia tăng. Mục đích cuộc họp  là trình bày về tình hình HIV tại địa phương, xác định  nhu cầu và thống nhất phương thức hợp tác và xây dựng kế hoạch truyền thông về HIV, an toàn tình dục, sức khỏe sinh sản, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục cho công nhân trong nhà máy.

Bước 2: Khảo sát trong công nhân

Thực hiện khảo sát kiến thức, thái độ và thực hành (KAP) về HIV và bệnh lây qua đường tình dục khác của công nhân trong nhà máy để may đo và thiết kế các chương trình truyền thông phù hợp.  

Bước 3: Truyền thông 'thụ động'

Thực hiện truyền thông mang tính chất thụ động: dán áp phích nơi công nhân thường đi qua, cung cấp các tờ rơi kèm mã QR để công nhân tự tìm hiểu, đưa các bài viết lên trang thông tin của nhà máy, Zalo group, và làm các sản phẩm truyền thông gây sự chú ý của công nhân trên Youtube, Tiktok.

Bước 4: Truyền thông chủ động

Phối hợp với nhà máy thực hiện các chương trình truyền thông huy động sự tham gia trực tiếp của công nhân, nhân viên: sự kiện, nói chuyện chuyên đề, cuộc thi công nhân sáng tạo v.v. Các hoạt động này được thực hiện với phong cách năng động nhằm tạo sự thoải mái, kèm theo phát các vật phẩm như bao cao su, gel bôi trơn, sinh phẩm tự xét nghiệm. Công nhân sẽ được giới thiệu trang "CBO Around U" để kết nối với các tổ chức cộng đồng (CBO)  và ứng dụng D-Health để chủ động liên lạc với CBO gần nhất khi cần hỗ trợ.

Bước 5: Tư vấn, xét nghiệm và chuyển gửi

Cửa hàng dịch vụ tư vấn sức khỏe 1-cửa tại cộng đồng (DOME) hoặc CBO sẽ chủ động liên lạc hoặc nhận thông tin trực tiếp từ khách hàng thông qua trang web, điện thoại hay qua app ứng dụng D-Health để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc HIV và các bệnh liên quan, tư vấn kết nối khách hàng đến các cơ sở y tế phù hợp, theo yêu cầu.

Ths.Bs Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, mô hình "SAFE-ZONE" nhằm tăng cường khả năng tiếp cận chương trình dự phòng HIV, đặc biệt là sáng kiến về truyền thông trong nhà máy , khu công nghiệp cho người lao động. Đây là nhóm nguy cơ mới nổi trong những năm gần đây và cần đầu tư dài hơi, và Trung tâm Life đã mạnh dạn trong thí điểm các mô hình thí điểm mới. Về phía Cục Phòng, chống HIV/AIDS , Cục sẽ tiếp tục xem xét, hỗ trợ và có hướng dẫn (SOP) để có thể triển khai mở rộng, đồng bộ trên nhiều tỉnh thành, đóng góp chung vào chương trình mục tiêu quốc gia, chấm dứt dịch AIDS vào 2030…

Thùy Chi

}
Top