SAFE-ZONE: Mô hình can thiệp phòng, chống HIV hiệu quả cho công nhân
(Chinhphu.vn) - Ngày 1/12, tại TPHCM, Trung tâm LIFE tổ chức hội thảo Giới thiệu mô hình can thiệp phòng chống HIV cho công nhân nhà máy hướng đến chấm dứt dịch AIDS (SAFE-ZONE).
SAFE-ZONE là mô hình truyền thông can thiệp trong nhà máy, khu công nghiệp hướng tới nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe tình dục, phòng chống HIV/AIDS và tiếp cận các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS cho công nhân.
Bà Nguyễn Nguyên Như Trang, Giám đốc Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (Trung tâm LIFE) cho biết, mô hình SAFE-ZONE đã tổ chức các hoạt động như đưa dịch vụ dự phòng PrEP và xét nghiệm HIV vào khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân; truyền thông trực tiếp nhóm lớn vào khu công nghiệp, truyền thông nhóm nhỏ tại khu nhà trọ, quán cà phê, dán các tấm pano, áp phích về phòng chống HIV/AIDS trong khu công nghiệp, truyền thông qua các app và mạng xã hội.
Tại hội thảo, TS. BS Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, ước tính số nhiễm HIV toàn quốc khoảng 242.000 người. Tỉ lệ mới phát hiện ở nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ, hầu hết ở nhóm tuổi từ 20-29. Đặc biệt nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) tỉ lệ mắc mới tăng mạnh.
Đáng lưu ý, nhóm công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp có dấu hiệu nhiễm HIV ngày càng tăng, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn. Tỉ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm và quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính.
Theo một khảo sát, từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022, tại tỉnh Bình Dương, thực hiện xét nghiệm HIV cho 5.311 người, trong đó nhóm công nhân là 2.312 người. Trong số 636 người nhiễm có đến 470 người là thanh niên làm việc trong khu công nghiệp (chiếm 74%). Cùng mốc thời gian trên, xét nghiệm tại Trung tâm y tế thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho 720 người, trong đó nhóm công nhân là 546 người. Trong số 44 người nhiễm HIV có đến 25 người là thanh niên trong nhà máy (chiếm 57%).
TS. BS Nguyễn Thị Minh Tâm nhận định, tại các khu công nghiệp có nhóm công nhân nam trẻ tuổi là nhóm cần tăng cường cung cấp các kiến thức, hoạt động và dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Chính vì vậy, mô hình SAFE-ZONE là rất cần thiết.
"Chỉ mới thí điểm mô hình ở bốn nhà máy mà chúng tôi đã tiếp cận với hơn 1.500 công nhân, cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho 350 người, kết nối dự phòng PrEP cho hơn 60 trường hợp và chuyển gửi 11 ca vào chương trình điều trị ARV qua BHYT", TS. BS Tâm cho biết.
Cũng theo TS. BS Tâm, đây là những con số rất khả quan cho thấy tính hiệu quả và khả năng nhân rộng của mô hình này. Các bước triển khai rất rõ ràng, dễ đo lường và dễ áp dụng. Vì thế bất cứ địa phương nào tập trung nhiều khu công nghiệp, nhà máy với mạng lưới các tổ chức cộng đồng cung cấp dịch vụ HIV/AIDS sẵn có đều có thể cân nhắc điều chỉnh, áp dụng và triển khai mô hình. Bên cạnh đó, các tổ chức dựa vào cộng đồng, tổ chức phi chính phủ cũng cần chung tay với ngành y tế để cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS trong khu công nghiệp.
Thùy Chi