PrEP Mobile - Mô hình hiệu quả từ truyền thông đến dịch vụ xét nghiệm và dự phòng

01/12/2022 09:18

(Chinhphu.vn) - Với đặc thù công việc của người lao động tại các khu công nghiệp, chương trình PrEP mobile được thực hiện nhằm mang quy trình xét nghiệm HIV và điều trị PrEP đến ngay tại chỗ, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận tới dịch vụ PrEP ngay tại cộng đồng.

PrEP Mobile – Mô hình hiệu quả từ truyền thông đến cung cấp dịch vụ xét nghiệm và dự phòng - Ảnh 1.

Nhóm Kết Nối trẻ truyền thông cho cộng đồng về PrEP. Ảnh: Thùy Chi

Mở rộng mô hình chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS

Được coi là một chiến lược hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tại nhiều địa phương đang nỗ lực mở rộng chương trình điều trị dự phòng HIV bằng thuốc PrEP bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, PrEP Mobile là một mô hình hiệu quả từ truyền thông đến cung cấp dịch vụ xét nghiệm và dự phòng.

Để đẩy mạnh chương trình dự phòng HIV bằng thuốc PrEP, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trong đó chỉ tiêu tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị PrEP đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng PrEP làm giảm đến 97% nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn, giảm 74% nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tiêm chích ma túy. Ngay khi WHO khuyến cáo về hiệu quả PrEP, Việt Nam đã nghiên cứu áp dụng triển khai trong bối cảnh tình hình dịch có sự thay đổi, lây truyền HIV qua quan hệ tình dục là đường lây chính trong những năm gần đây và tỉ lệ nhiễm HIV tăng lên trong nhóm MSM.

Năm 2017, Việt Nam đã triển khai cung cấp dịch vụ PrEP thí điểm tại Hà Nội và TPHCM. Từ năm 2019 đến nay, với sự hỗ trợ từ dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét, Bộ Y tế đã mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành phố với 210 cơ sở điều trị (49 cơ sở PrEP tư nhân) và nhiều mô hình cung cấp dịch vụ PrEP đa dạng được triển khai phối hợp như: PrEP qua cơ sở y tế công lập - cơ sở y tế tư nhân do cộng đồng làm chủ, PrEP tại nhà thuốc, PrEP lưu động, Tele PrEP, PrEP và mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng.

Việc triển khai chương trình dự phòng trước phơi nhiễm PrEP đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến quý III năm 2022, 60.258 khách hàng sử dụng PrEP tích lũy và 31.165 khách hàng đang sử dụng PrEP. Trong đó, PrEP hàng ngày chiếm 94,5% số khách hàng sử dụng.

Bên cạnh các cơ sở y tế công lập còn có sự tham gia mạnh mẽ của các cơ sở y tế tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ PrEP với quy trình cung cấp dịch vụ được Bộ Y tế thống nhất trên toàn quốc. Đây cũng là bằng chứng cho thấy vai trò của y tế tư nhân trong việc triển khai các can thiệp giảm nhiễm HIV mới tại Việt Nam. Khi một người có hành vi nguy cơ cao bị nhiễm HIV như quan hệ tình dục không an toàn hoặc tiêm chích không an toàn, hãy đến cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP để được tư vấn, hướng dẫn và xác định khách hàng có nguy cơ cao bị nhiễm HIV hay không. Tất cả thông tin cá nhân của khách hàng đều được bảo mật.

Đẩy mạnh chương trình PrEP Mobile tại các khu công nghiệp

PrEP Mobile là hoạt động được sự hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ từ tổ chức HAIVN, USCDC. Chương trình được thực hiện tại các dãy nhà trọ khu công nghiệp tại Bình Dương, với mục tiêu cung cấp thông tin cần thiết về HIV/AIDS và cách tiếp cận phòng chống với thuốc PrEP cho cộng đồng.

Bình Dương được biết đến là trung tâm lớn các khu công nghiệp/cụm khu công nghiệp. Theo số liệu thống kê, Bình Dương hiện có 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, Bình Dương có 30 khu công nghiệp với trên 2.000 doanh nghiệp, gần 500.000 lao động Việt Nam và 14.900 lao động nước ngoài; 12 cụm công nghiệp với 40.000 lao động.

Đa phần những người lao động trong các khu công nghiệp ở Bình Dương đều là các thanh thiếu niên trẻ tuổi. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại các khu công nghiệp là việc làm rất cần thiết.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương, tích lũy số người nhiễm Hiv là 8.581 người, trong đó người Bình Dương 3.866 người. Số người nhiễm HIV tích lũy cao nhất có hộ khẩu tại TP Thủ Dầu Một (804 người), thấp nhất ở huyện Bắc Tân Uyên (122 người).

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương phát hiện được 594 người nhiễm HIV, trong đó có 131 người (22%) là người có hộ khẩu tại tỉnh. Số nhiễm HIV/AIDS tử vong trong 9 tháng 2022 là 28, số tích lũy tử vong trên người nhiễm HIV là 1.144 người, cao nhất ở Dĩ An (199 người). Số người nhiễm HIV còn sống quản lý được là 5.600 người, số trẻ em dưới 16 tuổi còn sống quản lý được là 72 trẻ.

Phân tích trong số người nhiễm HIV phát hiện những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho thấy số nhiễm HIV có độ tuổi trẻ, có quan hệ tình dục đồng giới nam và tập trung ở nhóm công nhân lao động, học sinh, sinh viên. Do đặc thù công việc của người lao động tại các khu công nghiệp tại Bình Dương, chương trình PrEP mobile được thực hiện nhằm mang quy trình xét nghiệm HIV và điều trị PrEP đến ngay tại chỗ, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận tới dịch vụ PrEP ngay tại cộng đồng.

Xác định được quần thể đích tại tỉnh, các hoạt động tiếp cận truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đã có những sáng kiến mới để phù hợp với điều kiện thực tế của nhóm khách hàng này. Việc cung cấp dịch vụ cho nhóm khách hàng này chủ yếu dựa vào các tổ chức tiếp cận cộng đồng (CBO) như: Kết Nối Trẻ, Nhà Mình, Hạt Giống, Ánh Sáng, Khởi Đầu Mới, Trăng Khuyết...

Anh Tống Văn Nam, trưởng nhóm Kết Nối trẻ, một trong những nhóm CBO  tiêu biểu hoạt động tại Bình Dương cho biết, với hình thức PrEP Mobile trong năm 2022, nhóm Kết Nối trẻ đã tiếp cận 1.350 nam quan hệ tình dục đồng giới, lao động tình dục và người nghiện chích ma túy. Các can thiệp chủ yếu bao gồm: Truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp tài liệu và vật phẩm y tế, xét nghiệm HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bên cạnh đó, chuyển gửi các dịch vụ điều trị HIV, bệnh tình dục, Methadone và PrEP.

BS. Vương Thế Linh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương cho biết, chỉ trong 8 buổi truyền thông chương trình đã tiếp cận được 350 người, sau đó có 109 (31%) khách hàng tiếp cận điều trị PrEP, trong đó nam chiếm 77%, nữ 33%, độ tuổi tham gia PrEP từ 18 - 45 tuổi. Tỉ lệ duy trì PrEP sau 1 tháng là 100%. Hoạt động này được cộng đồng rất quan tâm và đón nhận nhiệt tình, thông qua sự chia sẻ và thảo luận rất nhiều câu hỏi liên quan đến HIV/AIDS.

Thùy Chi

}
Top