Bài học ứng phó đại dịch COVID-19 từ việc điều trị HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - GS đạt giải Nobel Y học Françoise Barré-Sinoussi, người đã tìm ra loại virus HIV từ năm 1983, cũng là người người bắt đầu nghiên cứu vaccine ngừa HIV tại Viện Pasteur Paris từ năm 1988 vừa có bài giảng về sự tương đồng giữa HIV/AIDS và SARS-CoV-2 cho các chuyên gia nghiên cứu, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Văn Lang.
Qua kết nối trực tuyến, nhà khoa học, GS. Françoise Barré-Sinoussi đã chia sẻ "Bài học từ HIV/AIDS - Điểm mạnh và điểm yếu trong ứng phó với đại dịch COVID-19" về vấn đề ứng phó đại dịch COVID-19 từ góc nhìn thú vị khi liên kết với bài học từ đại dịch HIV/AIDS.
Với hành trình nghiên cứu gắn bó mật thiết với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, tại buổi chia sẻ, GS. Françoise Barré-Sinoussi tổng kết quá trình khoa học thế giới phát hiện, định danh, giải trình tự và nghiên cứu chuyên sâu về HIV/AIDS với 4 cột mốc quan trọng trên con đường không ngừng thử nghiệm, không ngừng tìm kiếm giải pháp điều trị căn bệnh này.
Trong khuôn khổ bài giảng, GS. Françoise Barré-Sinoussi cũng trình bày những điểm tương đồng và khác nhau giữa HIV/AIDS và SARS-CoV-2 trong tiến trình phát triển. Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu về HIV/AIDS, GS đúc kết và gửi đến người tham dự 10 bài học hữu ích cho công tác dự phòng SARS-CoV-2, trên cơ sở kế thừa thành tựu khoa học cơ bản, đoàn kết quốc tế và không ngừng phát huy tri thức trên hành trình đi tìm lời giải đáp cho sức khỏe nhân loại.
Cụ thể, 10 bài học hữu ích như sau:
Thứ nhất, chậm trễ và thiếu linh hoạt trong việc thay đổi môi trường với những tác động nhanh chóng về nguồn tài nguyên và công cụ để ứng phó với đại dịch.
Thứ hai, tuy có những phát triển vượt bậc về phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa trị nhưng vẫn còn rất chậm và thiếu hụt trong việc tiếp cận và áp dụng.
Thứ ba, thiếu và yếu trong việc đẩy mạnh hệ thống chăm sóc y tế và nguồn nhân lực.
Thứ tư, chưa coi trọng việc tham gia và đóng góp, tư vấn của cộng đồng và toàn xã hội.
Thứ năm, không những không giải quyết được bất bình đẳng về mặt xã hội và kinh tế cũng như những vấn đề liên quan đến phân biệt đối xử mà còn làm nổi rõ hơn tình trạng này.
Thứ sáu, truyền thông không đúng cách và thiếu sự điều phối, quản lý trong công tác truyền thông.
Thứ bảy, chưa thực hiện tốt việc xây dựng các nghiên cứu mang tính đa thể chế và đa chuyên môn trên phương diện quốc gia.
Thứ tám, chưa coi trọng việc huy động các nguồn lực công và tư, các nhà nghiên cứu, các chuyên viên y tế và các cộng đồng.
Thứ chín, chưa thực hiện tốt các cải thiện và xúc tiến toàn cầu liên quan đến tài trợ thông qua các dự án phi lợi nhuận.
Cuối cùng, những quyết định mang tính chính trị, tính minh bạch và nhanh chóng trong việc đưa ra các quyết định vẫn chưa được thực hiện một cách toàn diện.
GS. Françoise Barré-Sinoussi nhận định: Sự liên kết, phối hợp giữa các tổ chức, các quốc gia trong công tác dự phòng dịch bệnh là hết sức quan trọng. Từ đại dịch COVID-19, chúng ta học được tinh thần đoàn kết toàn cầu, chia sẻ trách nhiệm cộng đồng và tinh thần nhân văn "Không ai bị bỏ lại phía sau".
Có thể thấy, những hợp tác quốc tế và các quỹ tài trợ liên quốc gia đã đạt được những thành tựu nhất định, nổi bật hơn cả là sáng kiến về CoVax, giúp cộng đồng thế giới tiếp cận với vaccine một cách nhanh chóng hơn. Tính đến năm 2022, độ phủ vaccine toàn thế giới đã đạt đến 70%. Bên cạnh đóng, GS cũng đưa ra những khía cạnh cần được quan tâm và thúc đẩy để hoàn thiện công tác dự phòng dịch COVID-19 hiện nay.
Bài giảng đại chúng với hàm lượng chuyên môn cao đã đem lại cảm hứng cho giảng viên và sinh viên khối ngành Sức khỏe của Trường Đại học Văn Lang cũng như các bác sĩ, nhà nghiên cứu khác tham dự sự kiện. Qua đó, người tham dự có cái nhìn toàn diện về những vấn đề y khoa lớn của thời đại như HIV/AIDS và cách ứng phó với COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh gần đây, khi các ca nhiễm biến chủng phụ của chủng Omicron và tái xuất hiện chủng Delta gây lây nhiễm COVID-19 ở Việt Nam.
Thùy Chi