Bảo đảm quyền lợi cho người lao động nhiễm HIV tại các doanh nghiệp

23/02/2023 17:27

(Chinhphu.vn) - Xin cho hỏi người lao động bị nhiễm HIV có quyền lợi và nghĩa vụ gì? Doanh nghiệp có quyền được chấm dứt hợp đồng lao động với người nhiễm HIV không?

Trả lời:

Theo khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.

Bảo đảm quyền lợi cho người lao động nhiễm HIV tại các doanh nghiệp - Ảnh 1.

Điều 4 Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV. Ảnh minh họa

Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động bị nhiễm HIV

Theo Điều 4 Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 quy định quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV cụ thể:

- Người nhiễm HIV có các quyền sau đây:

a) Sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội;

b) Được điều trị và chăm sóc sức khoẻ;

c) Học văn hoá, học nghề, làm việc;

d) Được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS;

đ) Từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối;

e) Các quyền khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Người nhiễm HIV có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác;

b) Thông báo kịp thời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn, người chung sống như vợ chồng với mình (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020).

c) Thực hiện các quy định về điều trị khi tham gia điều trị bằng thuốc kháng HIV (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020)

d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Doanh nghiệp không có quyền được chấm dứt hợp đồng lao động do người lao động nhiễm HIV

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 về các hành vi người sử dụng lao động không được thực hiện như sau:

a) Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;

b) Ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV;

c) Từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;

d) Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này.

Theo quy định trên, doanh nghiệp không được quyền chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nhiễm HIV.

Xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nhiễm HIV

Căn cứ điểm a khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 23 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV như sau:

Vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV...

Khoản 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV...

Khoản 4. Biện pháp khắc phục hậu quả...

b) Buộc tiếp nhận người nhiễm HIV đối với hành vi quy định tại các điểm b, c khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này...

Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân...

Theo đó, doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nhiễm HIV sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Đồng thời doanh nghiệp vi phạm còn bị buộc tiếp nhận người nhiễm HIV vào làm việc như bình thường.

Thùy Chi

Top