Bảo đảm tính khả thi của Chương trình MTQG phòng chống ma túy đến năm 2030
(Chinhphu.vn) - Các đại biểu Quốc hội khẳng định việc đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030 là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu cấp bách, khách quan của thực tiễn và thực hiện có hiệu quả hơn quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phòng chống ma túy.
Ngày 13/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước trong 6 năm, từ năm 2025 đến năm 2030 với tổng mức đầu tư là 22.450 tỷ đồng, gồm 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án do Bộ Công an quản lý chương trình và 8 bộ, ngành chủ trì thực hiện các dự án thành phần.
Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của chương trình được xây dựng theo 3 trụ cột về giảm cung, giảm cầu, giảm thiểu tác hại, tập trung giải quyết những vấn đề có tính chất cấp bách trong thực tiễn phòng, chống ma túy có trọng tâm, trọng điểm.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy thời gian qua đã đạt được rất nhiều thành tựu, đặc biệt là công tác hợp tác quốc tế về phòng chống ma túy luôn được quan tâm và đạt được nhiều thành tích. Có những đường dây ma túy xuyên biên giới đã bị phát hiện và triệt phá, trong đó có sự góp sức không nhỏ của lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của Việt Nam.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đó và ứng phó với tình hình tội phạm, tệ nạn về ma túy có diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay, việc ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy là vô cùng cần thiết. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, trật tự của quốc gia.
Bên cạnh đó, đối tượng sử dụng ma túy chủ yếu là tập trung trong độ tuổi lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng nguy hiểm hơn, ma túy hiện nay ngày càng len lỏi sâu vào môi trường của thế hệ trẻ và núp bóng, trá hình dưới rất nhiều hình thức. Trước thực trạng như vậy, việc quyết liệt đấu tranh phòng chống ma túy và xây dựng chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy là phù hợp.
Góp ý vào những nội dung cụ thể, như chỉ tiêu xác định tình trạng nghiện, dự thảo quy định trên 80% số trạm y tế cấp xã toàn quốc đủ điều kiện để xác định tình trạng nghiện. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đối với các trạm y tế cấp xã ở khu vực thành thị, khu vực kinh tế phát triển nên đặt chỉ tiêu này là 100% và đạt chỉ tiêu tỉ lệ phần trăm ít hơn tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, thiếu cán bộ y tế cơ sở.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm (Đoàn Trà Vinh) cũng bày tỏ nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
Tuy nhiên, đối với nhóm chỉ tiêu về giảm cung, dự thảo đặt rachỉ tiêu triệt phá các điểm, tụ điểm nguy cơ đối tượng bán lẻ ma tuý phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%. Nhóm chỉ tiêu về giảm cầu, kiềm chế tỷ lệ tăng người nghiện dưới 11%/năm và tỷ lệ gia tăng người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 1%/năm.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nguồn tài chính, nhân lực để thực hiện chương trình, vì hiện nay tội phạm về ma túy có chiều hướng tăng đột biến. Việc xây dựng chương trình, các dự án thành phần phù hợp, khả thi hơn, có số liệu tương ứng của các chỉ tiêu vào từng thời điểm xây dựng chương trình để làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện chương trình vào năm 2030.
Nêu ý kiến về việc ứng dụng KHCN trong phòng chống ma túy, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) cho rằng nội dung này rất phù hợp, kịp thời với xu hướng chuyển đổi số, hiện đại hóa trong việc quản lý nhà nước, đồng thời đáp ứng được tình hình tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi.
Cụ thể, như việc sử dụng công nghệ để khoanh vùng, tìm kiếm thông tin đối tượng theo thời gian, xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm sát các hoạt động hợp pháp liên quan đến kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, liên quan đến người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và dịch vụ nghi vấn liên quan đến hoạt động tội phạm và tệ nạn ma túy.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa ra yêu cầu xem xét ngoài việc đầu tư xây dựng phần cứng, phần mềm theo dự thảo cần phải có những giải pháp tăng cường việc ứng dụng công nghệ và triển khai có hiệu quả.
Cần đặc biệt làm tốt công tác tuyên truyền
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP. Hà Nội) cũng bày tỏ sự ủng hộ cao là phải có chương trình này. Tuy nhiên, theo đại biểu, chương trình cần tập trung nhiều hơn, sâu sắc hơn việc "phòng" so với "chống" ma túy.
Trong việc "phòng" thì đặc biệt hết sức lưu ý truyền thông giáo dục và chú ý truyền thông không chỉ ở trường phổ thông, ở trường lớp mà còn cả ở công đoàn cơ quan, công ty, đặc biệt là ở hội phụ nữ các cấp, hội người cao tuổi.
Bên cạnh đó là phải ngăn chặn việc bán ma túy trên các trang mạng xã hội, cũng như cần chú ý hơn đến việc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ là phương tiện để sử dụng ma túy.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Đoàn Nghệ An) cũng thể hiện sự đồng tình cao với cơ quan soạn thảo khi đề xuất về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, vì áp lực từ tình hình ma túy trên thế giới, khu vực các nước láng giềng, từ áp lực của tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở trong nước, số người nghiện gia tăng, địa bàn mở rộng, ma túy ngày càng khó nhận diện và len lỏi trong từng ngõ ngách của cuộc sống, trong nhà trường, trong khu công nghiệp.
Theo đại biểu, một trong những giải pháp nhằm giảm cầu ma túy từ bên trong là làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống ma túy cho người dân. Trong chương trình thiết kế đối tượng chủ yếu tập trung vào đối tượng là cán bộ, cán bộ ở địa phương, cán bộ công đoàn và giáo viên thực hiện công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy.
Đối tượng đích chúng ta cần nhắm tới đó chính là người dân cần phải được quan tâm nhưng trong chương trình chưa đưa ra chỉ tiêu đối với đối tượng này. Một khoảng trống nữa cần phải quan tâm đó là người lao động ở khu vực lao động phi chính thức, người lao động tại bến xe, bến tàu, chợ, người làm nghề tự do, tuy nhiên đối tượng này trong chương trình chưa hề được đề cập đến, đây là đối tượng thực sự rất khó để tập hợp, tuyên truyền.
Vì vậy, cần có sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội với chức năng của lực lượng đó là tập hợp, tuyên truyền đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tuy nhiên, trong chương trình, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội lại chưa rõ.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá các ý kiến phát biểu sôi nổi, thẳng thắn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm rất cao của các đại biểu đã nêu thêm nhiều góc nhìn sâu sắc từ thực tiễn, góp phần hoàn thiện các nội dung cụ thể của chương trình và dự thảo nghị quyết, trong đó tập trung vào một số nội dung, đó là rà soát mục tiêu, chỉ tiêu và bổ sung các giải pháp mạnh mẽ hơn để đảm bảo tính khả thi của các chỉ tiêu, trong đó có các chỉ tiêu rất cao. Quan tâm đầu tư nguồn lực tương xứng để việc thực hiện chương trình mang lại hiệu quả đột phá và có tính bền vững, khắc phục được những bất cập, hạn chế. Lưu ý về bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương còn khó khăn về ngân sách, ưu tiên nguồn lực cho địa bàn phức tạp, trọng điểm về ma túy, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa...
Ngay sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua trong đợt 2 của kỳ họp thứ 8 này.
Hoàng Giang