Bảo vệ học sinh trước tác hại của ma túy và thuốc lá điện tử
(Chinhphu.vn)- Thông qua những buổi tuyên truyền, cơ quan chức năng mong muốn các trường học nâng cao kiến thức, hiểu biết về tác hại của ma túy đối với học sinh. Về phía học sinh, cần phải “nói không với ma túy”, có hành không sử dụng thuốc lá điện tử trong môi trường học đường.
Trẻ em, học sinh bị dụ dỗ bởi loại ma túy "núp bóng" trong thực phẩm, đồ uống và thuốc lá
Trong thời gian qua, tại Hà Nội và một số địa phương đã xuất hiện một số trường hợp học sinh tại các trường phổ thông bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng trái phép chất ma túy, thuốc lá điện tử, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập rèn luyện của các em. Đây đã trở thành thực trạng đáng báo động trong cộng đồng.
Theo số liệu từ Bộ Công an, năm 2022, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, trong đó khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Cá biệt, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.
Tình trạng học sinh sử dụng chất cấm bị các lực lượng chức năng phát hiện không hiếm gặp. Ngoài việc sử dụng, không ít em còn tham gia tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp ngay trong trường học. Từ công tác xét xử những đối tượng cầm đầu đường dây mua bán ma túy cho thấy, học sinh đang là mục tiêu mà các băng nhóm buôn bán ma túy lợi dụng, khai thác phục vụ mục đích xấu bởi đây là nhóm nguy cơ cao dễ bị dụ dỗ, khống chế.
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều tháng gần đây trung tâm đã tiếp nhận, điều trị các trường hợp là học sinh sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử; bánh, kẹo, nước giải khát... có chứa ma túy. Mới đây nhất, Trung tâm điều trị cho một số học sinh đến từ tỉnh Yên Bái sau khi hút thuốc lá điện tử có hương vị lạ. Kết quả kiểm nghiệm của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho thấy, trong thuốc lá điện tử chứa chất ma túy mới chưa có tên trong danh mục chất gây nghiện. Hoạt chất này gây loạn thần, có thể dẫn tới ngộ độc, tử vong nhanh chóng đối với người sử dụng.
Cuối năm 2022, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã phát cảnh báo về thủ đoạn tinh vi mới của tội phạm ma túy, đó là chúng pha trộn, đóng gói ma túy lẫn trong thức ăn, đồ uống. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng "đánh mạnh" vào nhóm tội phạm này. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố cũng như hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, nên công tác đấu tranh còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đơn cử, mới đây nhất, ngày 4/7 Công an tỉnh Thanh Hóa, vừa có cảnh báo về tình trạng ma túy xâm nhập gần trường học, có trong thực phẩm chức năng, nước trái cây nhằm vào học sinh, sinh viên. Theo điều tra, xác minh của Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, trên địa bàn xuất hiện loại ma túy thường được đựng trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây có in dòng chữ dễ nhầm lẫn như: "Crispy fruit", "Crispy fruit grape", hoặc "nước dâu", "nước vui", cà phê "White coffe"…Đây là sản phẩm nhìn bề ngoài giống một loại nước giải khát, trong đó có dạng gói hương dâu, hương nho, hương xoài.
Theo kết quả giám định của cơ quan Công an, số ma túy trên là một loại ma túy mới xuất hiện, được pha trộn từ nhiều chất ma túy tổng hợp như: MDMA, ketamine, diazepam. Trên bao bì sản phẩm không ghi thông tin của nhà sản xuất, cũng như xuất xứ của sản phẩm, bên trong là chất bột có màu tím, màu hồng, màu vàng. Loại ma túy này hòa tan được vào nước như nước giải khát, khi uống sẽ gây ảo giác mạnh, loạn thần và có thể đe dọa tính mạng nếu sử dụng quá nhiều.
Một vụ việc xảy ra mới đây trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội), 3 học sinh đã bị bạn học cùng lớp nhỏ tinh dầu thuốc lá điện tử vào chai nước ngọt khiến các em bị ngất xỉu, phải đưa đi bệnh viện, và một học sinh lớp 11 cùng trường bị choáng, mệt và ngã ra sàn lớp học sau khi sử dụng Pod hút thuốc lá điện tử của bạn.
Theo khuyến cáo của Sở Y tế Hà Nội, thuốc lá điện tử có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Trong đó có rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa và các chất kích thích khác. Sử dụng nicotine ở tuổi thiếu niên gây hại cho các phần của não kiểm soát sự chú ý, học tập, tâm trạng. Sử dụng nicotine ở tuổi vị thành niên cũng có thể làm tăng nguy cơ nghiện các chất gây nghiện khác trong tương lai.
Giữ môi trường học đường an toàn, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm
Với lực lượng khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên hiện nay, đây đang là mục tiêu mà các đối tượng tội phạm ma túy tấn công, lôi kéo. Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ma tuý thẩm lậu vào trường học đã tạo ra nhiều nỗi đau cho các gia đình. Hiện nay, nguy cơ này đang quay trở lại với nhiều hình thức đa dạng, tinh vi. Trong khi đó, việc phát hiện sớm là rất khó đối với cả học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh…
Nhận thức được mặt trái của tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, hủy hoại thể xác tâm hồn và sự phát triển của con người, hầu hết các trường học trên toàn quốc đã xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch về tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục nhằm giúp các thầy cô giáo và các em học sinh có kiến thức cơ bản, nhận biết và đánh giá những tác hại nguy hiểm của các chất gây nghiện, ma túy, thuốc lá điện tử; từ đó xây dựng các biện pháp phòng chống và nâng cao nhận thức trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Trên cơ sở đó, Công an các quận/huyện đã phối hợp với nhiều trường học tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy học đường và tác hại của thuốc lá điện tử cho hàng triệu học sinh.
Trong các buổi tuyên truyền, nội dung chính được lực lượng chức năng (hầu hết là các chiến sĩ công an) thông tin về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy; Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản khác của Đảng, Nhà nước về công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy. Đồng thời, tuyên truyền viên cũng thông tin về các loại ma túy, tác hại của từng loại ma túy; cách phân biệt, nhận biết các chất ma túy; các đặc điểm của người sử dụng ma túy; các thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy và các biện pháp để phòng tránh cho bản thân và gia đình; vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong tham gia công tác cai nghiện ma túy và đấu tranh phòng, chống ma túy;… Giáo viên, nhân viên và học sinh đã được xem những hình ảnh, áp phích về tác hại của ma túy, sử dụng giáo cụ trực quan là các dụng cụ mà các đối tượng nghiện ma túy thường sử dụng như kim tiêm, bình hút ma túy đá.
Trong quá trình tuyên truyền, tuyên truyền viên sử dụng phương pháp "cùng tham gia" để giáo viên, nhân viên và học sinh được hỏi và trả lời những vấn đề liên quan; chương trình "Đố vui có thưởng" xung quanh những kiến thức đã truyền đạt, tạo không khí sôi nổi, lôi cuốn giáo viên, học sinh tham gia. Đồng thời tổ chức những phiên tòa giả định để nâng cao kiến thức phòng chống ma túy trong giới trẻ.
Đơn cử như ngày 25/6, Tòa án nhân dân quận, Viện Kiểm sát nhân dân quận Tân Bình (TPHCM), Đoàn Phường 1 và Đoàn Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tổ chức Phiên tòa giả định chuyên đề "Xét xử hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy". Phiên tòa giả định lần này được lấy nội dung từ một vụ án có thật xảy ra trên địa bàn quận về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự.
Theo anh Ngô Nam Việt, Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn Phường 1, khi tham dự phiên tòa giả định, các em học sinh, đoàn viên, thanh niên và người dân có cơ hội trải nghiệm được cả lý thuyết lẫn thực tế về cách tổ chức một phiên tòa. Việc tổ chức phiên tòa giả định không chỉ là hình thức tuyên truyền sinh động mang ý nghĩa giáo dục, phổ biến pháp luật cho giới trẻ về "cái chết trắng". Qua đó, giúp cho giới trẻ thấy được tác hại nghiêm trọng của ma túy, hiểu rõ quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến mua bán và lan tỏa thông điệp "Không được thử dù một lần, tuổi trẻ hãy nói không với ma túy".
Tại Hà Tĩnh, mới đây, chương trình tuyên truyền phòng chống ma tuý tại trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh thu hút gần 300 học sinh, sinh viên đến từ các trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh; trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh; Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh, trường THPT Chuyên Hà Tĩnh và Ban giám hiệu, Ban chấp hành Đoàn các nhà trường cùng tham gia. Với cách truyền tải trực quan sinh động của đồng chí báo cáo viên thuộc lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma tuý Công an tỉnh, học sinh, sinh viên và giáo viên có mặt tại buổi tuyên truyền được lĩnh hội những kiến thức cơ bản về tác hại của ma tuý, cách nhận biết, phân loại ma tuý, nghe báo cáo về tình hình, diễn biến, phương thức, thủ đoạn và hậu quả của các loại tội phạm ma tuý gây ra. Tại buổi tuyên truyền, học sinh, sinh viên tham gia chương trình hào hứng tương tác trực tiếp với cán bộ chuyên trách phòng chống ma tuý của Công an tỉnh để trao đổi những vấn đề liên quan đến tội phạm ma tuý.
Ngoài ra, tại buổi tuyên truyền, các em học sinh, sinh viên còn được truyền tải những kiến thức, tác hại, hậu quả, cũng như các quy định hiện hành của pháp luật về sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ hiện nay, qua đó giúp các em nâng cao ý thức phòng ngừa.
Về phía các nhà trường, đại diện Ban giám hiệu đều cho biết sẽ tích cực tuyên truyền, giáo dục để các em không bị rơi vào con đường sử dụng ma túy; đồng thời cho biết nếu phát hiện các trường hợp vi phạm thì sẽ kiên quyết xử lý, phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng để có biện pháp phục hồi, chữa trị cho học sinh, sinh viên.
Về phía cơ quan chức năng, theo Bộ Công an, bên cạnh việc phổ biến kiến thức pháp luật, cần tăng cường các kỹ năng phòng chống ma túy cho trẻ em và học sinh, đặc biệt là kỹ năng phòng tránh việc bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo; phát hiện người sử dụng chất ma tuý và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc xử lý… Ngoài ra, cũng cần tăng cường áp dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, ứng dụng CNTT vào công tác tuyên truyền để nâng cao hiệu quả công tác này như xây dựng phần mềm, app về phòng chống ma túy có thể cài đặt trên điện thoại.
Một số ý kiến hiện nay cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an cần sớm nghiên cứu bộ tài liệu chuẩn hoá về phòng chống ma túy; tăng cường mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền; hỗ trợ kinh phí, hậu cần; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác tuyên truyền phòng chống ma túy; có cơ chế khen thưởng, động viên các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Giang Oanh