Bữa cơm tại 'mái ấm' của người cai nghiện ma túy
(Chinhphu.vn) - Bữa cơm không chỉ biểu tượng cho giá trị về mặt vật chất mà nó còn thể hiện giá trị tinh thần mang truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Nó còn biểu tượng cho tình yêu thương gắn bó giữa các học viên cai nghiện thông qua việc trò chuyện khi cùng nhau dùng bữa.
Mâm cơm "ba cùng"
Bữa cơm của học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương theo chế độ quy định khoảng 40.000 đồng/học viên/ngày, trong đó, kinh phí Nhà nước hỗ trợ đối với học viên cai nghiện bắt buộc là 100%, đối với học viên cai nghiện tự nguyện là 70%; đó còn là tiền lao động sản xuất của học viên, là tiền gia đình gửi vào để họ ăn thêm.
Các món ăn được chế biến từ thực phẩm sạch tự cung tự cấp như: Thịt, cá, trứng cho đến rau, củ, hoa quả... với đầy đủ dinh dưỡng do chính cán bộ, học viên Cơ sở chăn nuôi, trồng trọt và từ những đôi tay của học viên chế biến, nấu nướng theo sở thích, khả năng của mình.
Từ những mâm cơm ấy, những học viên trở nên gần gũi nhau hơn, thương yêu nhau hơn. Trước khi vào cơ sở cai nghiện, họ có thể khác nhau về thế hệ, khác nhau về hoàn cảnh gia đình, về lối sống, cách sống nhưng khi họ được sinh hoạt cùng một lớp, cùng tham gia học tập, lao động, đặc biệt là khi ngồi chung mâm cơm thì họ đã cùng có chung với nhau một chí hướng, một mục tiêu là đoạn tuyệt ma túy, làm lại cuộc đời.
Bữa cơm còn thể hiện sự gắn kết, thống nhất, chia sẻ của Nhà nước, gia đình học viên và bản thân học viên với mong muốn quyết tâm đẩy lùi ma túy, từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời, xây dựng một xã hội tốt đẹp và tươi sáng. Nó là sợi dây vô hình gắn kết những con người đã từng lầm lỗi để rồi chính những con người đó lại động viên nhau, quan tâm, giúp đỡ, bao bọc lẫn nhau.
Mâm cơm của học viên ngoài những giá trị trên thì nó còn mang giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Đó là tính nhân văn trong đường lối, chính sách lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác cai nghiện ma túy; là sự cống hiến hết mình phục vụ người nghiện của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động đang làm việc tại Cơ sở.
Đồng thời cũng thể hiện sự chuyển mình tích cực trong nhận thức hành vi, hoàn thiện nhân cách của học viên về lối sống sinh hoạt, về nhận thức giá trị cuộc sống, giá trị lao động và giá trị bản thân; là sự trưởng thành và tính tự lập trong cuộc sống của mỗi học viên.
"Chúng ta là những người ở nhiều nơi khác nhau. Vì những hoàn cảnh khác nhau. Những nguyên nhân khác nhau mắc phải sai lầm. Rơi vào con đường nghiện ma túy. Chúng ta ở đây để cùng nhau học tập và rèn luyện. Giúp đỡ lẫn nhau khắc phục lỗi lầm. Quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ. Nếu chúng ta có niềm tin, nghị lực và đoàn kết. Yêu thương lẫn nhau cho đến ngày chúng ta thẳng bước. Vững tin trở về với gia đình, người thân, cộng đồng và xã hội. Một cuộc sống hạnh phúc, yên vui đang chờ chúng ta ở phía trước".
Bài triết lý giao ban buổi sáng của học viên đã thể hiện trọn vẹn những tình cảm mà các học viên dành cho nhau, thể hiện đầy đủ những mong muốn, nguyện vọng của học viên khi hoàn thành cai nghiện ma túy, trở về với gia đình và cộng đồng.
Tìm lại nẻo về
Có lần chúng tôi xuống dưới khu bếp ăn đúng lúc học viên đang nhận thực phẩm chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Nhìn không khí vui vẻ, phấn khởi của các học viên khi được nhận những khẩu phần thịt tươi rói, những mớ rau xanh non... lòng chúng tôi cũng bùi ngùi xúc động.
Nếu như vẫn những con người này nhưng không phải lúc này, không phải tại đây mà là những ngày họ ở "ngoài kia" đang chìm đắm trong ma túy, trong những cơn phê pha và rồi lại vật vã trong cơn đói thuốc thì họ có thể có được những niềm vui quá đỗi bình thường nhưng bình dị và sâu lắng này không?
Khi thấy chúng tôi tiến tới, một học viên nhoẻn miệng cười, thỏ thẻ: "Khi còn ở bên ngoài, chúng em thường không nghĩ tới việc hôm nay nhà mình sẽ mua gì, ăn gì, cũng chẳng quan tâm trong bữa ăn có ai vắng mặt hay không, chúng em chỉ ăn qua loa cho xong bữa, thậm chí cũng chẳng buồn ăn khi vẫn đang còn "no thuốc". Vào trong này, chúng em háo hức chờ thực phẩm và nghĩ xem mình sẽ chế biến món gì để cả lớp ăn được ngon miệng. Chúng em cảm thấy biết ơn lãnh đạo Cơ sở cũng như các thầy cô đã luôn giúp đỡ, chỉ bảo để chúng em sống tốt như ngày hôm nay".
Những chia sẻ trên của học viên làm chúng tôi càng thêm mong muốn nỗ lực đem lại những điều tốt đẹp nhất cho học viên của mình, đem lại những "bữa cơm" thấm đậm tình cảm và sự gắn kết để các em có thể cảm nhận được nơi đây không chỉ là cơ sở giáo dục - dạy nghề, là nơi chăm sóc, điều trị, chữa bệnh mà là gia đình của các em, là nơi các em nhận được sự chia sẻ, động viên và giúp đỡ. Và hơn thế, các học viên không chỉ coi cán bộ nơi đây là những thầy giáo, thầy thuốc mà còn là người cha, người anh, người chị sẵn sàng đồng hành cùng các em trên chặng đường tìm lại "nẻo về".
Như Ngọc