Các địa phương hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS

01/12/2023 08:29

(Chinhphu.vn) - Nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11-12/11) và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), nhiều địa phương trên cả nước đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động và mít tinh phòng, chống HIV/AIDS.

Các địa phương hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia  và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS- Ảnh 1.

Mít tinh, diễu hành phòng, chống HIV/AIDS tại Hải Phòng do Bộ Y tế và UBND TP. Hải Phòng phối hợp tổ chức ngày 25/11. Ảnh: Thùy Chi

Tại TPHCM, trong ngày 1/12, ngành y tế thành phố phối hợp tổ chức mít tinh cấp thành phố hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS, với chủ đề "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".

Trong Tháng hành động, TPHCM tổ chức sinh hoạt truyền thông cho học sinh, sinh viên trên địa bàn; tổ chức hội nghị hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế tại thành phố năm 2024; Hội nghị tổng kết hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) tại TPHCM, giai đoạn 2022-2023.

Đối với các sở, ngành, quận, huyện và thành phố sẽ tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị và tùy từng đối tượng cụ thể sẽ lựa chọn các nội dung, hình thức truyền thông khác nhau. Phối hợp đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư"…

Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS; bảo đảm việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV; cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao; Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Đồng thời, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan virus, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân.

Tại Nghệ An, Ban Chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Đô Lương tổ chức Lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng "Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS" năm 2023 cấp tỉnh.

Hiện nay, Nghệ An đang là tỉnh có số người nhiễm HIV cao thứ 6 của cả nước và là một trong các tỉnh trọng điểm về ma túy. Tình hình dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ gia tăng các trường hợp nhiễm mới còn rất lớn.

Tại buổi lễ, Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An đã phát lời kêu gọi và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội... quan tâm chỉ đạo phổ biến, quán triệt sâu rộng về mục tiêu, quan điểm, các giải pháp để nhằm kết thúc AIDS trước năm 2030 tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả.

Các sở, ban, ngành và các địa phương phối hợp với ngành Y tế trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong cơ quan, đơn vị với các hình thức phong phú góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các cấp, các ngành.

Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV; tăng cường chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV; tăng cường chất lượng điều trị bằng thuốc Methadone; đẩy mạnh giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá và nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tại Ninh Bình, Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 và Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức đợt truyền thông lưu động tại 8 huyện, thành phố trong tỉnh.

việc tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động được tổ chức tập trung tại tuyến tỉnh, các trung tâm huyện, thành phố. Các cuộc mít tinh và diễu hành quần chúng được tổ chức vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia.

Ngoài lễ mít tinh, các địa phương có thể tổ chức các sự kiện phối hợp như: diễu hành hoặc quần chúng đi bộ, đạp xe, chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch, truyền thông và chiếu phim lưu động hoặc tổ chức các sự kiện tặng quà cho người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...

Ban chỉ đạo PCTP, TNXH & XDPT toàn dân bảo vệ ANTQ khuyến khích các địa phương, đơn vị tổ chức các cuộc mít tinh hoặc các sự kiện thích hợp tại các huyện, xã, phường, trường học, khu công nghiệp và cộng đồng dân cư để huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng người dân tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.

Với chủ đề "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030", Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 diễn ra nhằm thực hiện được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Thông qua hoạt động truyền thông, nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, tác hại của ma túy, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ cần có sự góp sức của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tại Bắc Giang, trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến về các nội dung như tình hình dịch HIV/AIDS ở địa phương, đơn vị: Dịch tập trung trong các nhóm quần thể nguy cơ cao, cảnh báo nguy cơ gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), đặc biệt nhóm MSM tuổi vị thành niên; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS.

Các đơn vị tư vấn và xét nghiệm HIV; duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP); giúp cho người bệnh thấy rõ lợi ích của điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị.

Ban chỉ đạo tỉnh khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương đa dạng hóa các hình thức tổ chức truyền thông, vận động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Đó là việc tổ chức lễ mít tinh, tổ chức các hoạt động truyền thông vận động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12.

Cùng với đó, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác cũng được Ban chỉ đạo tỉnh triển khai thực hiện như: Giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV, nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm; dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS dễ dàng sử dụng.

Truyền thông vận động chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nhất là với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ) tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong đồng bào vùng dân tộc và miền núi.

Tại Nam Định, nằm trong khuôn khổ các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, từ ngày 20/11 đến ngày 08/12/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định tổ chức truyền thông lưu động tại 10 huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh.

Xe truyền thông lưu động đi qua các tuyến đường chính của các xã, thị trấn thuộc 9 huyện và các tuyến phố chính của thành phố Nam Định huy động cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo đúng chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023: "Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".

Đợt truyền thông còn truyền tải các kiến thức về HIV/AIDS nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là nhóm người có hành vi nguy cơ cao về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đồng thời quảng bá rộng rãi các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV để những người có nguy cơ cao, người nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận dịch vụ.

Việc triển khai Truyền thông lưu động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và để đông đảo người dân biết đến các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS, bên cạnh đó huy động cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lũy tích từ ca bệnh đầu tiên đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có trên 5.900 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có trên 3.900 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.793 người đã tử vong. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, phát hiện 30 người nhiễm HIV.

Xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, thời gian qua, tỉnh Nam Định luôn nỗ lực triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS trước năm 2030.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến tháng 9, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Việt Nam đang giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn có nguy cơ cao sẽ quay trở lại. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12,1%; đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,95% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 12,5% năm 2022). Số MSM chiếm khoảng 42,3% trong số người nhiễm HIV được hát hiện 8 tháng đầu năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16-29 tuổi chiếm 41,7%, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.

Đứng trước tình hình dịch HIV/AIDS còn nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã lựa chọn chủ đề: "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030" làm chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 với mục tiêu kêu gọi sự tham gia của các Bộ ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, các khu công nghiệp, các tổ chức cộng đồng, các cộng đồng đích: công nhân lao động, học sinh sinh viên, đặc biệt là các nhóm có hành vi nguy dễ lây nhiễm HIV vào công tác phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2023.

Thùy Chi

Top