Cần chế tài đủ mạnh ngăn chặn việc kinh doanh, mua bán 'bóng cười' trái phép
(Chinhphu.vn) - Mặc dù lực lượng chức năng các địa phương đã mạnh tay hơn với nạn “bóng cười” nhưng thực tế diễn ra cho thấy, rất khó ngăn chặn triệt để việc kinh doanh, mua bán bóng cười trái phép tại các cơ sở vui chơi, giải trí trên địa bàn nếu chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm như hiện nay.
Hà Nội là một trong những địa phương quyết liệt trong xử lý "bóng cười, shisha". Sau một thời gian ra quân, kiểm tra, xử lý vi phạm về "bóng cười" tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn thì tình trạng sử dụng "bóng cười" giảm rõ rệt. Song, một số quán bar từng bị xử lý vẫn bất chấp, tiếp tục kinh doanh "bóng cười".
Mới đây, tối ngày Valentine 14/2, lực lượng Công an quận Hoàn Kiếm kiểm tra quán bar Hey Club tại số 57 Cửa Nam, phường Cửa Nam đã phát hiện, thu giữ 3 bình khí cười.
Ngày 12/2, kiểm tra tại quán café Moth, lực lượng làm nhiệm vụ đã thu giữ 1 bình khí cười, thu 4 bình tại quán One Lounge 61 Mã Mây, phường Hàng Buồm.
Trước đó, ngày 11/2, kiểm tra quán bar Roman-9 HBG 12/14 Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, tổ công tác thu giữ 14 bình khí cười. Tại cơ sở kinh doanh tại số 61 Lương Ngọc Quyến sau khi được bàn giao cho chủ mới, người này đã phát hiện và tự giao nộp 7 bình khí cười. Ngày 10/2, kiểm tra quán bar Play Boy ở số 8 Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, lực lượng Công an đã thu giữ 12 bình khí cười.
Mạnh tay nhưng vẫn khó triệt để
Thống kê từ UBND quận Hoàn Kiếm cho thấy, năm 2022, các lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã tiến hành tổ chức kiểm tra 510 lượt cơ sở kinh doanh, trong đó phát hiện 99 tổ chức, cá nhân vi phạm kinh doanh trái phép khí N20; đã lập hồ sơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 62 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền hơn 2 tỷ đồng; thu giữ 265 bình khí N20; 18.500 vỏ bóng cao su.
Cùng với đó, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 14-CT/QU của Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm "Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy" trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (tháng 6-12/2022), các lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện 69 tổ chức, cá nhân vi phạm kinh doanh trái phép khí N20, đã lập hồ sơ ra quyết định xử phạt hành chính 32 tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 1 tỷ đồng, thu giữ 178 bình khí N20 và 11.250 vỏ bóng cao su…
Trung tá Đặng Văn Chiêu, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, thời gian qua, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện rất nhiều cuộc kiểm tra, phát hiện các cơ sở quán bar, karaoke, café… có hành vi kinh doanh trái phép bóng cười. Tất cả các cơ sở vi phạm này sau đó đều bị lập biên bản xử phạt về những hành vi vi phạm liên quan.
Dù liên tục lập tổ công tác truy quét, kiểm tra hàng đêm nhưng nghịch lý là theo quy định hiện nay, hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh khí N2O (hay còn còn gọi là bóng cười) chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tối đa lên đến 50 triệu đồng/vụ.
Một quả bóng cười tại các quán bar đang được bán cho khách với mức giá 200.000 đồng. Theo sổ ghi chép, với số lượng bóng cười tiêu thụ là hàng trăm, hàng nghìn quả, chỉ sau một đêm, chủ cơ sở đã thu về hàng trăm triệu đồng.
Bóng cười là một món hàng siêu lợi nhuận nên để ngăn chặn triệt để vấn nạn kinh doanh sử dụng trái phép bóng cười, chỉ sự vào cuộc truy quét của cơ quan công an sẽ là không đủ nếu chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm như hiện nay.
Tại Hội nghị đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/QU ngày 17/6/2022 của Quận uỷ Hoàn Kiếm về "tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trên địa bàn quận Hoàn Kiếm", đại diện Công an quận Hoàn Kiếm cũng thẳng thắn bày tỏ: Việc phối hợp giữa cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm, nhất là kinh doanh "bóng cười" còn chưa được thường xuyên do khung giờ làm việc, kiểm tra thường xuyên diễn ra sau 0h.
Việc cấp phép hoạt động của các loại hình kinh doanh quán bar, câu lạc bộ nhà hàng ăn uống có sử dụng nhạc mạnh… chưa có quy định cụ thể và cấp phép hoạt động còn thiếu điều kiện đảm bảo về an ninh trật tự trong khi đây là loại hình kinh doanh thường có nhiều vi phạm và tiềm ẩn mất an ninh trật tự.
Để việc xử phạt được nghiêm minh, ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát, cần thiết phải bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện và nhạy cảm về an ninh trật tự.
Ngoài ra, hiện khí N20 vẫn chưa được xếp vào danh mục hoá chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng, do vậy đề nghị chỉnh sửa Thông tư 47/2017/TT-BYT của Bộ Y tế để bổ sung N20 vào danh mục chất cấm. Đồng thời, bổ sung quy định cấm người sử dụng khí N2O, trừ trường hợp sử dụng theo chỉ định của bác sỹ, cơ quan y tế hoặc sử dụng đúng mục đích đã được cấp giấy phép kinh doanh nhằm kiểm soát phần "cầu" để hạn chế phần "cung".
Bên cạnh đó, bổ sung quy định, chế tại xử lý đối với các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép kinh doanh khí N2O nhưng sử dụng sai mục đích và trao đổi mua bán đối với các tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh khí N2O. Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sản xuất que test nhanh về "bóng cười" để làm căn cứ phát hiện người sử dụng bóng cười.
Ngoài ra nên bổ sung quy định thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần (quá 3 lần) hoặc không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh “trá hình” dưới dạng quán bar, pub, lounge, câu lạc bộ, nhà hàng có sử dụng nhạc mạnh… nhưng có quy mô, tính chất hoạt động như vũ trường với sức chứa lên đến hàng trăm người. Do không thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nên việc cấp phép hoạt động của loại hình này không phải chấp hành các quy định đảm bảo về an ninh trật tự theo Nghị định số 96/2016/CP và các quy định về mở vũ trường theo Nghị định số 54/2019/NĐ-CP.
Đây là loại hình tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự, trong đó có tội phạm và tệ nạn ma tuý, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “bóng cười”. Thời gian qua, lực lượng Công an đã liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ việc có đông đối tượng sử dụng trái phép chất ma tuý, “bóng cười” tại các cơ sở kinh doanh loại hình này.
Trong thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội rà soát, đánh giá các loại hình kinh doanh nhạy cảm có điều kiện, yếu tố tiềm ẩn phức tạp về ma túy, "bóng cười" để đề xuất bổ sung vào danh mục các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP để quản lý, đặc biệt là loại hình như quán bar, câu lạc bộ, nhà hàng ăn uống sử dụng nhạc mạnh, có quy mô và tính chất hoạt động như vũ trường.
Các sở, ban, ngành chức năng cần phối hợp với chặt chẽ với lực lượng Công an siết chặt công tác quản lý nhà nước, nhất là trong thẩm định, cấp mới, cấp lại giấy phép hoạt động, tăng cường phối hợp kiểm tra đối với các loại hình kinh doanh dễ phát sinh và thường xuyên diễn ra hoạt động của tội phạm, tệ nạn ma túy, "bóng cười"...
Hoàng Giang