Cần khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy

29/04/2023 08:24

(Chinhphu.vn) - Để thực hiện tốt công tác phòng chống ma túy, nhất là các giải pháp để “giảm cầu”, Hà Nội đề xuất bổ sung một số loại hình kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ phát sinh vấn đề phức tạp về ma túy vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy.

Cần khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy - Ảnh 1.

Các học viên rèn luyện thể thao tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tính đến 14/12/2022, toàn TP. Hà Nội có 17.631 người nghiện, người sử dụng ma túy, chiếm 9,2% tổng số toàn quốc (giảm 391 người so với cùng kỳ năm 2021 do rà soát quản lý theo tiêu chí mới của Luật Phòng chống ma túy).

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức khi hàng năm, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy có mặt tại cộng đồng lớn (chiếm trên 60%) dẫn đến nguy cơ phức tạp về trật tự xã hội và tạo ra áp lực lớn lên công tác cai nghiện của TP.

Hơn nữa, xu hướng sử dụng các loại ma túy tổng hợp trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng nhưng chưa được rà soát, đánh giá, thống kê. Tình trạng người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá" gây ra các hành vi nguy hiểm cho xã hội, khó kiểm soát gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Hiện nay, Công an TP. Hà Nội đang lập hồ sơ quản lý 7 đối tượng có biểu hiện "ngáo đá" và 193 đối tượng nguy cơ "ngáo đá".

Về hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy và công tác cai nghiện ma túy, trên địa bàn TP hiện có 7 cơ sở cai nghiện ma túy công lập với quy mô thiết kế tiếp nhận 7.950 học viên, hiện đang duy trì quản lý trên 2.500 học viên và 18 cơ sở điều trị Methadone, 3 cơ sở cai nghiện tự nguyện. Trong năm 2022, toàn TP đã đưa 1.101 người vào cai nghiện bắt buộc và đưa 1.267 người vào cai nghiện ma túy tự nguyện.

Với vị trí Thủ đô, Hà Nội có Cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài là điều kiện thuận lợi để tội phạm ma túy lợi dụng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài về Việt Nam qua địa bàn Hà Nội trung chuyển đi các tỉnh, thành phố và thậm chí quốc gia khác. Hơn nữa, số người nghiện, sử dụng ma túy trên địa bàn TP cao, chiếm 9,2% cả nước.

Trong kho đó, số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh vi phạm liên quan đến "bóng cười", ma túy là lớn trong khi chế tài xử lý chưa hiệu quả, thậm chí một số lĩnh vực chưa có chế tài. Công tác rà soát, thống kê người nghiện, người sử dụng ma túy, công tác trao đổi thông tin với các tỉnh trọng điểm về ma túy có đối tượng sinh sống tại Hà Nội hạn chế do sự biến động thường xuyên về cư trú của các đối tượng

"Công tác cai nghiện và quản lý sau cai cũng khó khăn do quá tải các cơ sở cai nghiện công lập, thiếu hụt nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho các đối tượng sau cai gặp khó. Công tác xã hội hóa hoạt động cai nghiện, cung cấp dịch vụ cai nghiện còn hạn chế về chính sách, thể chế, pháp luật", ông Lê Hồng Sơn cho hay.

Từ thực tế của địa phương, TP. Hà Nội đề xuất Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay như bổ sung một số loại hình kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ phát sinh vấn đề phức tạp về ANTT nhất là ma túy (kinh doanh quán bar, vũ trường, kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống có sử dụng nhạc mạnh) vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan ban hành Thông tư quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy để phù hợp với Luật Phòng chống ma túy năm 2021 và Nghị định 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống ma túy); sửa đổi bổ sung Nghị định 90/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, quy định việc xác định tình trạng nghiện đối với người tham gia điều trị Methadone và công tác quản lý người đang tham gia điều trị.

Các bộ ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật bảo đảm hiệu quả, có chiều sâu, tập trung vào từng loại đối tượng, từng chuyên đề, lĩnh vực đang nổi cộm… nhất là nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên, học sinh sinh viên trong công tác phòng chống ma túy.

Theo ông Lê Hồng Sơn, cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy. Đối với các doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận tiếp nhận cai nghiện, phục hồi chức năng, tạo việc làm ổn định, lâu dài; các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện, cần một số chính sách ưu đãi như: Miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đầu tư; ưu đãi vay vốn; tiền ủng hộ, tài trợ, khen thưởng được trừ vào thu nhập trước thuế.

Đối với doanh nghiệp tiếp nhận lao động là người đã hoàn thành chương trình cai nghiện cần có chính sách khuyến khích để các tổ chức, cá nhân tạo công ăn việc làm cho người sau cai nghiện ma túy. Ngoài ra, thêm các chính sách hỗ trợ công tác cai nghiện tại giai đình và cộng đồng như hỗ trợ cho tình nguyện viên; người bị quản lý sau cai nghiện,

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND. TP Hà Nội, để công tác phòng chống ma túy có hiệu quả phải quy định trách nhiệm đối với Ban Chỉ đạo các cấp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu nếu có tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm về ma túy xảy ra trên địa bàn mà không có biện pháp, giải pháp hữu hiệu giải quyết, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Đồng thời có cơ chế chính sách ưu đãi, quan tâm, hỗ trợ lực lượng cán bộ chuyên trách phòng chống ma túy nhất là lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng chống ma túy.

Hoàng Giang

}
Top