Cần nhanh chóng giúp tái hòa nhập cộng đồng đối với người xong án phạt tù

10/03/2024 14:41

(Chinhphu.vn) - Công an TPHCM sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương một số giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, giúp đỡ và cảm hóa người vi phạm pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng.

Cần nhanh chóng giúp tái hòa nhập cộng đồng đối với người xong án phạt tù- Ảnh 1.

Khuyến khích đào tạo nghề, nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc tại các doanh nghiệp

TPHCM đang quản lý hơn 10.000 người chấp hành xong án phạt tù

Thượng tá Trần Phúc Hội - Phó trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an TPHCM cho biết, theo thống kê, số người thi hành xong án phạt tù nhưng chưa xóa án tích cư trú trên địa bàn TPHCM là khoảng 10.400 người.

Để giúp người chấp hành xong án phạt tù được nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, Công an Thành phố sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương một số giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, giúp đỡ và cảm hóa người vi phạm pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng.

Trong đó, tham mưu triển khai đồng bộ các hoạt động phòng ngừa để hạn chế tối đa tình trạng người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội; có biện pháp quản lý, giúp đỡ phù hợp hơn đối với từng người; tiếp tục tổ chức và nhân rộng các mô hình về quản lý, giúp đỡ và cảm hóa người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng.

Cơ quan công an mong muốn các sở ngành, các tổ chức cùng thân nhân đề nghị người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian 7 ngày kể từ khi được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù phải đến trình diện tại UBND cấp xã, phường, thị trấn để chịu sự quản lý, giám sát cũng như được hướng dẫn các nội dung về tái hòa nhập cộng đồng.

Nhân rộng những mô hình giúp đỡ

Để giúp đỡ, cảm hóa người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ: cấp căn cước công dân, cho vay vốn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề...

Trên địa bàn thành phố cũng xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả như "Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư" - gọi tắt là "Mô hình 5+1" tại 24 quận, huyện; mô hình "Địa chỉ đáng tin cậy ở cộng đồng" tại 643 điểm ở 303 phường, xã, thị trấn do Hội Phụ nữ quản lý; mô hình "Xe bánh mì cộng đồng" do Quỹ Hòa nhập và Phát triển cộng đồng phối hợp với Báo Công an TPHCM và các doanh nghiệp thực hiện; mô hình "Tổ dân phố nghĩa tình" tại quận Tân Phú...

Ngoài ra còn có các mô hình"CLB gia đình phòng chống tệ nạn xã hội", "CLB đồng cảm", "CLB Sức sống mới", "Tổ dân phố nghĩa tình"…

Để công tác tuyên truyền và công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn Thành phố đạt hiệu quả cao, UBND Thành phố cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ; thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn; tiếp tục nhân rộng những mô hình giúp đỡ, hỗ trợ, đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù tại thành phố cũng như công tác quản lý, giáo dục và giúp đỡ người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và công tác đặc xá.

Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tư vấn tâm lý, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cần thiết và định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân chuấn bị chấp hành xong hình phạt tù và người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng (bao gồm người chấp xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện) về cư trú trên địa bàn.

Yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan liên quan tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo nghề nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, cho vay vốn học nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú tại địa phương.

UBND Thành phố cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhàm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù; kịp thời tuyên truyền, biểu dương, khích lệ, nhân rộng những mô hình hiệu quả, cá nhân điển hình trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù có thành tích trong lao động, cuộc sống.

Giang Oanh

}
Top