Cần nhiều hỗ trợ điều trị cho trẻ vị thành niên nhiễm HIV

02/11/2022 17:39

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh công tác dự phòng, điều trị, trẻ vị thành niên nhiễm HIV cần được hỗ trợ nhiều dịch vụ khác như tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, bệnh lây truyền qua đường tình dục, tư vấn tâm lý…

Cần nhiều hỗ trợ điều trị cho trẻ vị thành niên nhiễm HIV - Ảnh 1.

Trẻ nhiễm HIV trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: Thùy Chi

TS.BS. Đỗ Thị Nhàn, Trưởng Phòng Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong năm 2021, có gần 4.000 trẻ đang được điều trị ARV, trong đó, 52% trẻ trong độ tuổi 10-16 và tỷ lệ tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế ở trẻ em (91,2%) thấp hơn so với người lớn (97%). Số lượng trẻ được phát hiện nhiễm HIV là 16 trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn tỷ lệ trẻ nhiễm HIV chưa được phát hiện do các bà mẹ không được tham gia chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. 

Trẻ vị thành niên có độ tuổi từ 10-19 tuổi. So với điều trị HIV cho người lớn, việc điều trị HIV cho trẻ vị thành niên gặp khó khăn hơn do nhiều yếu tố như: Hạn chế kiến thức về HIV, kỳ thị và phân biệt đối xử, lịch học trùng với lịch khám, quên thuốc, ngại uống thuốc, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị...

Theo báo cáo của UNAIDS (Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS), trên thế giới, 20% trẻ nhiễm HIV không được chẩn đoán tình trạng nhiễm, trong đó 40% trẻ từ 10-14 tuổi.

Ngoài nguyên nhân chính là trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ vị thành niên nhiễm HIV là quan hệ tình dục sớm và không an toàn.

Theo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 (số liệu được Bộ Y tế công bố tháng 4-2022), tỉ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỉ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% năm 2013 tăng lên 3,51% vào năm 2019. Các chuyên gia y tế đã cảnh báo nguy cơ gia tăng số ca nhiễm HIV mới trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trẻ tuổi (15-19 tuổi).

So với người lớn, công tác dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV cho trẻ vị thành niên gặp nhiều khó khăn hơn. Một số yếu tố liên quan đến việc tuân thủ điều trị không tốt ở nhóm trẻ vị thành niên như: hạn chế kiến thức về HIV, kỳ thị và phân biệt đối xử, các vấn đề liên quan đến trường học như lịch học trùng với lịch khám, nhận thức về tình trạng nhiễm HIV của bản thân, các vấn đề liên quan đến uống thuốc (quên thuốc, ngại uống thuốc..), trẻ chưa được chuẩn bị tốt cho việc bộc lộ tình trạng nhiễm HIV… Bên cạnh đó, tỉ lệ ức chế tải lượng virus thấp hơn ở người lớn (trẻ em 91,2%; người lớn 97%).

Để bảo đảm công tác điều trị cho người nhiễm HIV, cuối năm 2021, Bộ Y tế đã ra Quyết định số 5968/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Chương 6 của quyết định này quy định rõ về dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ trẻ vị thành niên.

Theo đó, công tác dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ điều trị HIV cho trẻ gồm nhiều hoạt động như: tư vấn bộc lộ tình trạng nhiễm HIV, chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, chuyển tiếp trẻ vị thành niên sang giai đoạn trưởng thành và sang dịch vụ chăm sóc sức khỏe người lớn, hỗ trợ tuân thủ và duy trì điều trị ARV cho trẻ vị thành niên nhiễm HIV.

Trong đó, mục tiêu của hoạt động tư vấn bộc lộ tình trạng nhiễm HIV giúp trẻ hiểu đúng về tình trạng nhiễm HIV một cách tích cực; trang bị kiến thức, kỹ năng để trẻ tự bộc lộ tình trạng nhiễm HIV với người khác; giáo dục trẻ tự chăm sóc, tuân thủ điều trị ARV, không làm lây truyền HIV cho người khác.

Mục tiêu của hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là giúp trẻ nhận biết tình cảm của bản thân và biết cách tự kiểm soát, xử trí; giúp trẻ có quyết định đúng đắn về hành vi quan hệ tình dục, đưa ra các quyết định tích cực liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục và dự phòng nhiễm HIV.

Để công tác điều trị HIV cho trẻ vị thành niên đạt hiệu quả, mô hình chăm sóc điều trị HIV/AIDS cho trẻ vị thành niên cần được thiết kế thân thiện, riêng tư, bảo đảm tính bí mật cho trẻ, đồng thời phải dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh cụ thể của trẻ.

Đặc biệt, cần có sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội. Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức cho người dân về công tác chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ trẻ vị thành niên nhiễm HIV/AIDS; cung cấp thông tin, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho các cấp, các ngành, các cơ sở dịch vụ trợ giúp trẻ em, các cơ sở điều trị cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS, các tổ chức xã hội liên quan, cha mẹ và người chăm sóc trẻ; hỗ trợ trẻ HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các cơ sở, dịch vụ y tế và các trường học, tạo điều kiện cho các cơ sở này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị, bảo đảm quyền được học tập của trẻ HIV/AIDS.

Thùy Chi

}
Top