Cần thiết sửa đổi Luật phòng, chống mua bán người
(Chinhphu.vn) - Sau gần 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập, như việc các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành đã lâu, nên nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
Theo Bộ Công an, tội phạm mua bán người là tội phạm chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm gặp nhiều khó khăn; kể cả đến khi đã có tố giác, tin báo về tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không thuận lợi, nhất là các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra đã lâu mới bị phát hiện, đối tượng, trong khi nạn nhân ở nước ngoài hoặc không thể xác minh, xác định; chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của bị hại hoặc người nhà nạn nhân...
Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống mua bán người. Qua đó, đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, năm 2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 nhà nước ta đã ban hành nhiều bộ luật, luật có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật trợ giúp pháp lý năm 2017,... trong khi đó các văn bản điều chỉnh công tác phòng, chống mua bán người đa số được ban hành trước thời điểm ban hành các văn bản này.
Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành đã lâu; do vậy, nhiều nội dung quy định trong các văn bản này không còn đồng bộ, thống nhất với quy định của Hiến pháp, bộ luật, luật nêu trên và không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
Nhiều quy định còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo
Bộ Công an cho biết, nhiều quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người và liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực hiện, điều này làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống mua bán người trên thực tế.
Đơn cử như việc xác định nạn nhân để họ hưởng các chế độ hỗ trợ chưa phù hợp với thực tiễn, vì có nhiều người bị hại bị mua bán xảy ra đã lâu, họ không thể nhớ chính xác sự việc nên không xác định được đối tượng chủ mưu, thực hiện hành vi mua bán, cơ quan có thẩm quyền không thể chứng minh họ là nạn nhân trong các vụ mua bán.
Trong khi đó các đối tượng trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân này cũng cần được hưởng đầy đủ các chế độ hỗ trợ như nạn nhân và thực tế các cơ quan chức năng đã phải tổ chức hỗ trợ như nạn nhân nhưng khi xác minh không đủ điều kiện xác định là nạn nhân dẫn đến khó khăn về chi trả kinh phí thực hiện tiếp nhận đã thực hiện. Bên cạnh đó, chưa có một quy trình chuẩn trong công tác xác minh, xác định và giải cứu nạn nhân để các ngành, các lực lượng và địa phương thực hiện thống nhất.
Ngoài ra, chế độ hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp với thực tiễn. Luật chỉ quy định nạn nhân được hỗ trợ về tâm lý trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, trong khi nhiều nạn nhân thường trở về với những sang chấn về mặt tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho Công an, Biên phòng hoặc khi trở về địa phương bị kỳ thị, xa lánh cũng rất cần được hỗ trợ tâm lý.
Theo Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, chỉ có nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được xem xét hỗ trợ văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu; mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp (1.000.000 đồng/người), chưa bảo đảm cuộc sống khi về địa phương hòa nhập cộng đồng, trong khi đó các quy định về trình tự, thủ tục nhận hỗ trợ chưa được quy định cụ thể trong Luật nên còn nhiều nơi áp dụng chưa thống nhất…
Việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân được quy đinh tại Luật Phòng, chống mua bán người và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người, tuy nhiên, ngày 12/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
Trong đó có nhiều quy định chưa phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống mua bán người về thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân, chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong tham gia công tác hỗ trợ nạn nhân.
Khái niệm "mua bán người" còn khác với quốc tế
Bên cạnh đó, Các quy định cụ thể của Luật Phòng, chống mua bán người chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết liên quan đến mua bán người.
Theo định nghĩa về "buôn bán người" theo quy định tại Điều 3 Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, thì chỉ cần một trong các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích bóc lột sẽ cấu thành tội buôn bán người.
Tuy nhiên, theo quy định tại các Điều 150, 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), để cấu thành tội "mua bán người", "mua bán người dưới 16 tuổi" cần phải có hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người; việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người chỉ cấu cấu thành tội "mua bán người", "mua bán người dưới 16 tuổi" nếu như nhằm thực hiện các hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người.
Như vậy, khái niệm "mua bán người" theo quy định của pháp luật Việt Nam và Nghị định thư nêu trên còn khác biệt dẫn đến khó khăn trong việc xác định nạn nhân trong các vụ án, nhiều trường hợp phía nước ngoài xem là nạn nhân bị mua bán (theo phán quyết của Tòa án) nhưng theo quy định của Việt Nam thì chưa đủ cơ sở xác định nạn nhân (ví dụ như các trường hợp ngư dân Việt Nam bị phía Thái Lan xem là nạn nhân bị mua bán trên tàu cá).
Do đó, việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và phù hợp pháp luật có liên quan; bảo đảm sự phù hợp với yêu cầu của thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người; khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống mua bán người; tiếp tục hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của công tác phòng, chống mua bán người.
Ánh Minh