Hạn chế thấp nhất điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán người

02/08/2022 11:05

(Chinhphu.vn) - Cần thêm các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế ở khu vực biên giới để hạn chế thấp nhất điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán người.

Hạn chế thấp nhất điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán người - Ảnh 1.

Cục Phòng, phòng ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) phối hợp với BĐBP tỉnh Lào Cai, Hà Giang triệt phá thành công đường dây mua bán người, bắt 3 đối tượng vào ngày 21/12/2021. Ảnh: BĐBP cung cấp

Tội phạm mua bán người lợi dụng tình trạng khó khăn

Sơn La là tỉnh miền núi gặp nhiều những khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội nên các loại tội phạm luôn tìm cách lợi dụng để dụ dỗ, lôi kéo nhân dân khu vực biên giới hoặc trực tiếp thực hiện các hành vi phạm tội, trong đó có hoạt động tội phạm mua bán người.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân, hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Sơn La tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các trường hợp vắng mặt ở địa bàn, các trường hợp được phối hợp giải cứu có chiều hướng gia tăng, với nhiều lứa tuổi từ 15-30 tuổi ở các xã bản vùng sâu, vùng cao, biên giới của tỉnh Sơn La (có trường hợp đang là học sinh, sinh viên).

Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài…

Ngoài ra, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới để hạn chế lây lan dịch bệnh. Chính vì thế, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Vì vậy các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân lên sát biên giới, để bán ra nước ngoài với mục đích bóc lột sức lao động, mại dâm...

Không chỉ Sơn La, trong những năm qua, Hà Giang luôn là một trong những địa bàn mà hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp nhất trên tuyến biên giới phía Bắc.

Đại tá Hoàng Anh Đức, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Hà Giang cho biết, các đối tượng ở hai bên biên giới câu kết với nhau hình thành các đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Chúng lợi dụng mạng xã hội (như Zalo, Facebook, WeChat…) hoặc thông qua các mối quan hệ xã hội để tiếp cận, làm quen, hứa hẹn đưa nạn nhân sang bên kia biên giới làm thuê với thu nhập cao hoặc lấy chồng giàu có… nhưng thực chất là lừa các nạn nhân để bán.

Hầu hết các nạn nhân của vụ án mua bán người sau khi bị các đối tượng đưa ra nước ngoài mới biết mình bị lừa bán; nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ các dân tộc thiểu số (dân tộc Mông); độ tuổi từ 16 - 30 tuổi, có trình độ nhận thức còn hạn chế dễ bị các đối tượng lừa gạt, dụ dỗ.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới, BĐBP tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm kịp thời đấu tranh với hoạt động của tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán.

Từ năm 2021 đến nay, BĐBP tỉnh Hà Giang đã phát hiện, ghi nhận 10 vụ việc liên quan đến hoạt động của tội mua bán người; xác lập và đấu tranh thành công 6 chuyên án, bắt giữ 11 đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu 7 phụ nữ; tiếp nhận lực lượng chức năng nước bạn giải cứu 3 phụ nữ.

Nhận định về nguyên nhân làm nảy sinh tội phạm mua bán người, Đại tá Hoàng Anh Đức cho rằng có nhiều yếu tố, trong đó điều kiện kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới tỉnh Hà Giang còn chậm phát triển, thiếu đất canh tác, nhu cầu việc làm cao; trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm mua bán người của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế; phong tục tập quán lạc hậu (như tục bắt vợ…), nhẹ dạ, cả tin nên dễ bị bọn tội phạm mua bán người dụ dỗ, lừa gạt.

Quá trình đấu tranh với hoạt động của tội phạm mua bán người, BĐBP tỉnh Hà Giang cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã gặp nhiều khó khăn; ngay cả đến khi đã có tố giác, tin báo về tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ ràng, bởi đa số các vụ án, vụ việc xảy ra ở nước ngoài, xảy ra đã lâu mới bị phát hiện, đối tượng và nạn nhân ở nước ngoài hoặc không thể xác minh, xác định, chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của bị hại hoặc người nhà nạn nhân.

Bên cạnh đó, công tác điều tra tội phạm mua bán người chủ yếu là tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bắt quả tang. Một số vụ việc, hành vi được các đối tượng thực hiện ở nước ngoài hoặc sử dụng sim rác, lợi dụng các trang mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân do đó việc thu thập thông tin, tài liệu rất khó khăn. Một số vụ án mua bán người đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội nhưng chưa giải cứu được nạn nhân thì cũng chưa đủ căn cứ để khởi tố điều tra theo quy định.

Đa số các vụ án mua bán người trên địa bàn tỉnh Hà Giang nạn nhân là phụ nữ dân tộc thiểu số, nhận thức, học vấn còn hạn chế, một số trường hợp không nói được tiếng phổ thông nên rất khó khăn cho việc phỏng vấn, khai thác thông tin; có trường hợp mặc cảm, tự ti không hợp tác với lực lượng chức năng, không tố giác tội phạm nên đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Cần hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, tạo việc làm

Theo Đại tá Hoàng Anh Đức, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trong thời gian tới, BĐBP tỉnh Hà Giang sẽ tham mưu cho các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với công tác phòng, chống mua bán người; cần phải xác định rõ công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng, chống mua bán người.

Đặc biệt tham mưu cho chính quyền địa phương có chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, hạn chế thấp nhất điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán người.

Đồng thời đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, nhất là với lực lượng chức năng của nước có chung đường biên giới, kịp thời trao đổi thông tin và phối hợp đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm mua bán người hoạt động xuyên biên giới; làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, giải cứu nạn nhân bị mua bán.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những quy định pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tệ nạn mua bán người, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền pháp luật, các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người đến từng gia đình và toàn xã hội. 

Nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, đề phòng và kịp thời phát hiện tố giác hoạt động của bọn tội phạm với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Giúp đỡ, tạo điều kiện để đưa những người bị mua bán, lừa gạt về đoàn tụ với gia đình, hoà nhập với cộng đồng, tạo điều kiện về công ăn việc làm để họ ổn định cuộc sống...

Hoàng Giang

}
Top