Lấy nạn nhân làm trung tâm trong mọi giải pháp về phòng, chống mua bán người

30/07/2022 08:09

(Chinhphu.vn) - Trong các vụ án mua bán người, lực lượng chức năng xác định luôn coi nạn nhân là trung tâm. Do đó, việc xác minh, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Lấy nạn nhân làm trung tâm trong mọi giải pháp về phòng, chống mua bán người - Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) - Ảnh: VGP/HG

Nhân Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7), Báo điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) về công tác hỗ trợ nạn nhân trong các vụ mua bán người.

Phối hợp chặt chẽ, tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp quyết liệt

Ông có thể cho biết tình hình nạn mua bán người hiện nay như thế nào? Theo ông, nguyên nhân cơ bản và gốc rễ của nạn mua bán người là gì?

Ông Trần Ngọc Túy: Trong những năm gần đây, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, tập trung chủ yếu ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, Cận Đông và châu Á - Thái Bình Dương.

Nạn nhân là những người dễ bị tổn thương, bao gồm người di cư, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi hoặc xuất thân trong các gia đình nghèo khổ, bất hòa; phần lớn bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động và một số bị ép buộc tham gia các nhóm vũ trang.

Tội phạm mua bán người thường hoạt động dưới băng đảng thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, được che đậy dưới vỏ bọc là những tình nguyện viên trong các trại tị nạn, cơ sở y tế tư nhân, công ty xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân hoặc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc nạn nhân lừa bán ra nước ngoài.

Tội phạm mua bán người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị của mỗi quốc gia và là trung tâm dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm khác như nhập cư bất hợp pháp, làm giả giấy tờ, kinh doanh mại dâm, buôn bán ma túy.

Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng nạn mua bán người, như: Tình trạng khủng hoảng di cư do phân hóa giàu nghèo, bất ổn kinh tế, chính trị, khủng bố, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; sự phát triển không gian mạng và các nền tảng kỹ thuật số đã đang tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người; chính sách mở cửa, hội nhập toàn cầu tạo cơ hội cho những kẻ mua bán người di chuyển và đưa dẫn nạn nhân qua biên giới một cách hợp pháp, an toàn dưới danh nghĩa hợp tác làm ăn, thăm thân, du lịch.

Gần đây, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài để mua bán.

Tuy phải chịu áp lực lớn về nạn mua bán người trên thế giới và khu vực, nhưng Việt Nam đã có rất nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng này. Cụ thể những nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác này như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Túy: Có thể nói, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai quyết liệt.

Bên cạnh việc thực thi các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người và các pháp luật khác có liên quan thì Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn các vấn đề về phòng, chống mua bán người, như: Quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138/CP); Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1957/QĐ-TTg ngày 30/11/2020 ban hành Kế hoạch triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em,…

Hằng năm, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP đều xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công lãnh đạo bộ, ngành tham gia Ban Chỉ đạo; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Chương trình Phòng, chống mua bán người tại các địa phương. 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người và các chương trình, kế hoạch chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/CP.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Công ước Liên Hợp Quốc, Công ước ASEAN, Nghị định thư và các Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước liên quan về phòng, chống mua bán người.

Đặc biệt, ngày 18/7 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Việc ban hành quy chế là rất cần thiết để thiết lập biện pháp tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các Bộ đối với công tác này, nâng cao hiệu quả, chất công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc trách nhiệm của các Bộ; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập của các Bộ trong thực tiễn; tăng hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân một cách chủ động và hiệu quả hơn.

Bên cạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người thì việc xác minh, giải cứu, hỗ trợ các nạn nhân là rất quan trọng. Theo ông, việc hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán người được thực hiện ra sao trong thời gian qua?

Ông Trần Ngọc Túy: Trong công tác phòng chống mua bán người, các cấp, các ngành luôn xác định lấy nạn nhân làm trung tâm trong mọi giải pháp về phòng, chống mua bán người.

Trong những năm qua, hệ thống văn bản quy định pháp luật đã từng bước được hoàn thiện, tạo khung pháp lý thuận lợi để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

Các cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách và các chương trình, đề án phòng, chống mua bán người, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giảm nghèo, giải quyết việc làm và tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sự phát sinh, phát triển của tội phạm mua bán người.

Công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, đoàn thể, nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, qua đó, giúp nạn nhân có điều kiện ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Không chỉ vậy, nhiều địa phương đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên tại cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, thông qua đó góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội ở địa phương.

Công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân ngoài cộng đồng cũng được đẩy mạnh, khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm.

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố, trong năm 2021, số người được tiếp nhận, xác minh là 151 người; xác định 110 người là nạn nhân bị mua bán. 100% người có nhu cầu được các tỉnh, thành phố hỗ trợ các chế độ, chính sách theo quy định. Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tiếp nhận 35 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người với 45 người có dấu hiệu là nạn nhân.

6 tháng đầu năm 2022, số người được tiếp nhận, xác minh là 51 người; xác định 42 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 72 nạn nhân (bao gồm cả những nạn nhân trở về từ những năm trước). 

Ngoài ra, Ngôi nhà Bình Yên, (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Tổ chức trẻ em Rồng Xanh,... đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ khẩn cấp cho 50 nạn nhân bị mua bán trở về. Các nạn nhân được các tổ chức xã hội đưa về địa phương và bàn giao cho gia đình chăm sóc, giúp đỡ. 

Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111) tiếp nhận 1.095 cuộc gọi, tăng 75 cuộc so với cùng kỳ năm 2021.

Lấy nạn nhân làm trung tâm trong mọi giải pháp về phòng, chống mua bán người - Ảnh 2.

Các nạn nhân mua bán người học nghề may tại Nhà Nhân ái tỉnh Lào Cai

Xây dựng quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân

Vậy theo ông, công tác hỗ trợ nạn nhân của mua, bán người hiện nay có gặp những khó khăn, bất cập nào?

Ông Trần Ngọc Túy: Tiêu chí xác định nạn nhân giữa Việt Nam và một số nước còn chưa thống nhất dẫn đến việc có trường hợp Việt Nam coi là nạn nhân nhưng phía nước ngoài không coi là nạn nhân và ngược lại. Do đó, chưa thống nhất trong việc hỗ trợ. 

Đa số nạn nhân bị mua bán trở về đều có hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng, vì vậy, gây khó khăn cho cán bộ thực hiện công tác tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề.

Một số nạn nhân khi trao trả hoặc tự trở về địa phương do sợ bị kỳ thị nên không hợp tác với cơ quan điều tra hoặc bỏ đi nơi khác, gây nhiều khó khăn cho công tác xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ làm rõ vụ việc.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn thiếu, chủ yếu làm kiêm nhiệm hoặc có sự thay đổi nhân sự liên tục nên việc nắm bắt thông tin và cập nhật số liệu về nạn nhân bị mua bán trở về và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ còn chưa kịp thời, việc hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân chưa thật sự bền vững.

Chế độ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, theo quy định còn thấp, có một số ít nạn nhân bị mua bán trở về thuộc hộ nghèo được thực hiện trợ cấp khó khăn ban đầu, có nhiều trường hợp nạn nhân có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo nên địa phương không thể hỗ trợ.

Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội một số tỉnh thành phố còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ nạn nhân còn thiếu; có địa phương nơi lưu trú tạm thời cho nạn nhân phải tận dụng, bố trí với khu nhà ở cùng với các đối tượng khác, gây ảnh hưởng, xáo trộn đến tổ chức, hoạt động, quản lý. Tại nhiều tỉnh, thành phố, nguồn kinh phí cho công tác hỗ trợ nạn nhân chưa được bố trí hoặc bố trí nhưng rất ít.

Các đơn vị Bộ đội Biên phòng hầu hết không được đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo quy định, nhất là những vụ việc lực lượng chức năng nước ngoài trao trả nạn nhân với số lượng lớn, rất khó khăn trong việc bố trí nơi ăn, ngủ và hỗ trợ ban đầu theo quy định, nhiều đơn vị thuộc vùng sâu, vùng xa, cách xa trung tâm huyện hoặc các cơ sở hỗ trợ nên công tác chuyển tuyến nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Đa số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em và có cả trường hợp trẻ sơ sinh, trong khi các đồn biên phòng lại không có cán bộ, nhân viên nữ nên gặp khó khăn trong việc chăm sóc, hỗ trợ ban đầu.

Để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân cũng như phòng ngừa nạn buôn người, đâu là giải pháp cần tập trung trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Túy: Để giải quyết những vướng mắc trên, trong thời gian tới, đối với việc sửa Luật Phòng, chống mua bán người cần nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách và đề xuất các nội dung về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Xây dựng quy trình chuẩn thực hiện hỗ trợ nạn nhân và quy trình hỗ trợ người nghi là nạn nhân bị mua bán trở về. Củng cố, phát triển hệ thống dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn bị mua bán trở về, đảm bảo tính sẵn có, dễ tiếp cận. Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, xây dựng tiêu chí đánh giá, cải thiện chất lượng dịch vụ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân.

Không chỉ vậy, để hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân, cần tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân các kiến thức, kỹ năng và phương pháp tiếp cận, hỗ trợ dựa trên quyền của nạn nhân, lấy nạn nhân là trung tâm và thực hiện việc hỗ trợ dựa trên sự hiểu biết về sang chấn tâm lý.

Trên cơ sở Quy chế phối hợp giữa Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân (Quy chế phối hợp số 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG ngày 18/7/2022), các địa phương chủ động xây dựng quy chế phối hợp liên ngành nhằm thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân kịp thời và có hiệu quả.

Đồng thời, tổ chức giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài, xử lý nghiêm các sai phạm, công khai các tổ chức, doanh nghiệp được phép đưa người đi lao động tại nước ngoài và các loại phí người lao động phải trả.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Giang (thực hiện)

Top