'Cánh tay' nối dài phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở

05/09/2022 16:17

(Chinhphu.vn) - Đội công tác xã hội tình nguyện được ví như “cánh tay” nối dài của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở.

'Cánh tay' nối dài phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở - Ảnh 1.

Đội công tác xã hội tình nguyện phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) tư vấn, vận động, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Hiện nay 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô đều có đội công tác xã hội tình nguyện, với 4.000 tình nguyện viên.

Nhiệm vụ của Đội tình nguyện là tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng. Tham gia quản lý, tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng. Phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, mua bán người để báo cho các cơ quan chức năng xử lý và có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, với mong muốn làm giảm tệ nạn xã hội trên địa bàn, ông Hùng đã tham gia Đội công tác xã hội tình nguyện phường Bồ Đề từ năm 2004 và được giao nhiệm vụ Đội trưởng. Đến nay, Đội công tác xã hội tình nguyện phường Bồ Đề có 9 tình nguyện viên.

Nói về tính chất vất vả và phức tạp của công việc tư vấn, tham vấn, theo dõi, quản lý đối tượng nghiện ma túy, ông Hùng cho hay, những người mắc nghiện ma túy sau khi đi cai nghiện về thường mặc cảm vì xã hội kỳ thị, rất khó hòa nhập, khó kiếm việc làm ổn định dẫn đến nguy cơ tái nghiện cao. Do đó, đội công tác tình nguyện phải thường xuyên quan tâm, gặp gỡ, nhắc nhở, hỏi thăm người đã cai nghiện để lắng nghe và hiểu được họ cần gì, đang gặp vấn đề gì để giúp đỡ, tháo gỡ.

Hằng năm, đội công tác xã hội tình nguyện do ông Hùng làm đội trưởng đã giúp đỡ nhiều đối tượng, giới thiệu việc làm và giúp cho nhiều trường hợp tiếp cận nguồn vốn vay để làm ăn, mua bán nhỏ góp phần cải thiện cuộc sống khi tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp với lực lượng Công an và các ngành liên quan, ông Hùng đã chỉ đạo đội công tác xã hội tình nguyện phường Bồ Đề phường đã tham gia quản lý tốt địa bàn, điều tra rà soát đưa vào danh sách người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy.

Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, quận Long Biên triển khai thí điểm mô hình "Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy", đặt tại phường Bồ Đề. Khi mô hình này đi vào hoạt động, ông Nguyễn Văn Hùng được giao nhiệm vụ làm điều phối viên, giúp người nghiện ma túy tiếp cận với các dịch vụ từ khâu tư vấn, khám bệnh ban đầu cho đến cắt cơn, hòa nhập cộng đồng.

Thông qua sự động viên, giúp đỡ của ông Nguyễn Văn Hùng cùng các tình nguyện viên của Đội công tác xã hội tình nguyện phường Bồ Đề cũng như sự chỉ đạo, định hướng của chính quyền địa phương, những năm gần đây, việc đưa người nghiện đi cai nghiện ma túy ở phường Bồ Đề luôn vượt chỉ tiêu.

Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, các đội công tác xã hội tình nguyện đã tiếp cận tư vấn trực tiếp, gián tiếp cho 35.068 lượt người, vận động 549 người đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện; tiếp tục duy trì quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện và người có nguy cơ cao mắc nghiện tại địa phương được phân công năm 2021 và tiếp nhận quản lý giúp đỡ 883 người đi cai nghiện tại các cơ sở về trong 6 tháng. Đồng thời cung cấp 126 tin liên quan đến tệ nạn xã hội; tuần tra, rà soát địa bàn 5.567 lượt, buổi phòng ngừa phát sinh tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm.

Không chỉ tại Hà Nội, các đội công tác xã hội tình nguyện của tỉnh Hậu Giang cũng được người dân tin tưởng, đánh giá cao. Tính đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã thành lập 26 đội với tổng số 238 thành viên.

Giai đoạn 2012 - 2022, các tình nguyện viên đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã phát hiện, thu thập, cung cấp trên 1.130 thông tin liên quan đến tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.

Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia tích cực quản lý tốt địa bàn, điều tra, rà soát đưa vào danh sách quản lý người hoạt động mại dâm; người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy...; thường xuyên tư vấn, tổ chức, thuyết phục cảm hóa cho 294 người tham gia cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện; 3 trường hợp người bán dâm hoàn lương kết hợp thực hiện các biện pháp ngừa, giảm tác hại về phòng chống HIV/AIDS trong phòng, chống mại dâm; tiếp xúc, giúp đỡ cho 280 trường hợp là người sau cai nghiện ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng.

Với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tình nguyện viên, nhiều người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS của các xã, phường, thị trấn đã chủ động tìm đến với các tình nguyện viên của đội. Nhiều trường hợp cả người nghiện và gia đình họ từ chỗ xa lánh, bất hợp tác vì sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nhưng bằng sự kiên trì, bền bỉ, chân thành, kết hợp với các chương trình vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm…các tình nguyện viên đã dần cảm hóa, giúp đỡ họ tiến bộ.

Tiêu biểu như đội công tác xã hội tình nguyện xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp đã phối hợp với lực lượng Công an và các ngành liên quan, tham gia quản lý tốt địa bàn, điều tra rà soát đưa vào danh sách người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy. Qua đó, nắm bắt, quản lý trực tiếp 45 đối tượng sử dụng trái phép ma túy, 7 người sau cai cai nghiện trở về địa phương; phối hợp lập hồ sơ đưa 16 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, 1 trường hợp cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy.

Với sự tham mưu giúp việc hiệu quả của các thành viên đội công tác xã hội tình nguyện, UBND xã Tân Long nhiều năm liền được UBND tỉnh Hậu Giang công nhận, khen thưởng đơn vị dẫn đầu phong trào "Xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, mại dâm", tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được giữ vững.

Tạo điều kiện hơn nữa cho đội công tác xã hội tình nguyện

Có thể thấy, nơi nào đội tình nguyện hoạt động hiệu quả, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì nơi đó giảm nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. 

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hoạt động của các đội tình nguyện hiện cũng còn gặp không ít khó khăn do một số địa phương không cấp hoặc không cân đối được nguồn ngân sách kinh phí hoạt động, dẫn đến hoạt động của các Đội tình nguyện chưa cao và không đồng đều; thành viên của đội chưa được tập huấn chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, sự phối hợp với các lực lượng có liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến chưa phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các đội tình nguyện...

Ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hậu Giang cho rằng, để hoạt động của đội Công tác xã hội có chiều sâu và hiệu quả, các bộ ngành cần nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cho mô hình này để các địa phương triển khai, thay thế Thông tư liên tịch số 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC.

Còn theo ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH Hà Nội), thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các tình nguyện viên bổ sung kiến thức, thông tin và kỹ năng triển khai nhiệm vụ trong lĩnh vực công tác phòng chống tệ nạn xã hội lực lượng này. Tuy nhiên, đội công tác xã hội tình nguyện cũng cần được tiếp sức hơn nữa để hoạt động hiệu quả, không chỉ bằng sự quan tâm, đầu tư kinh phí, mà còn bằng sự động viên, khích lệ tinh thần từ chính quyền cấp cơ sở...

Hoàng Giang

}
Top