Châu Âu 'mạnh tay' với tội phạm ma tuý và đề xuất cho Việt Nam

19/03/2022 07:09

(Chinhphu.vn) - Trong các chiến dịch truy quét tội phạm ma tuý ở châu Âu, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ một số đối tượng người Việt Nam có liên quan. Gần đây một số đường dây đã vận chuyển trái phép ma tuý từ châu Âu về Việt Nam qua đường hàng không cũng đã bị lực lượng chức năng nước ta ngăn chặn kịp thời.

Bên trong cửa ngõ ma túy châu Âu

Châu Âu 'mạnh tay' với tội phạm ma tuý và đề xuất cho Việt Nam - Ảnh 1.

Cảnh sát Bỉ phong toả tàu hàng có container chứa ma tuý tại cảng Antwerp

Châu Âu đẩy mạnh chống tội phạm ma túy

Theo đánh giá của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), Trung tâm giám sát châu Âu về vấn đề ma tuý cho thấy tình hình tội phạm ma tuý ở châu Âu hiện nay tiếp tục diễn biến phức tạp, chiếm 40% số tội phạm bị bắt giữ trong khu vực. Các đường dây tội phạm ma tuý ở Nam Mỹ đã chuyển hướng sang châu Âu.

Lực lượng chức năng các nước châu Âu đã thu giữ số lượng lớn ma tuý có nguồn gốc từ Colombia, Peru, Bolivia tại các cảng biển Rotterdam (Hà Lan), Antwerp (Bỉ), Hamburg (Đức) - vốn là cửa ngõ đưa ma tuý vào châu lục này.

Đáng chú ý năm 2021, số lượng ma tuý thu giữ tại cảng Antwerp là 88 tấn gấp 4 lần so với năm 2015, chủ yếu có xuất xứ từ Nam Mỹ. Ireland đang trở thành điểm trung chuyển ma tuý trái phép từ Nam Mỹ đến châu Âu theo đường biển và đường hàng không. Do lợi nhuận có được từ buôn lậu ma tuý ở châu Âu cao hơn so với châu Mỹ, 1 kg cocain ở Hoa Kỳ có giá 28.000 USD, nhưng đưa sang châu Âu có giá bán lên tới từ 40.000 - 80.000 USD.

Năm 2020, hoạt động phạm tội về ma tuý ở châu Âu bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc siết chặt biện pháp giãn cách xã hội khiến nguồn cung ma tuý giảm, đẩy giá tăng cao.

Năm 2021 do nhiều nước tạm dừng việc giãn cách xã hội, hoạt động phạm tội về ma tuý lại được phục hồi với thủ đoạn tinh vi hơn. Các "ông trùm" thuê người chưa có giấy tờ cư trú hợp pháp tại địa bàn đi gửi hàng đến công ty vận tải, tên người gửi thường là tên giả, sử dụng sim rác để liên hệ, giao dịch bằng tiền điện tử hoặc qua thị trường chợ đen.

Tại châu Âu, xuất hiện các chất gây nghiện mới, nhất là chất hướng thần, gây ảo giác như: LSD, 2C-D, ketamine, heroin, benzondiazepine đang có xu hướng sử dụng tăng cao. Cần sa được sản xuất, sử dụng rộng rãi với hàm lượng chất kích thích thần kinh (THC) cao, một số loại cần sa mới với hàm lượng THC thấp cũng được sử dụng.

Cocain cũng được sử dụng rộng rãi và thường xuyên bị thu giữ với số lượng lớn. Amphetamine được sản xuất trong các xưởng điều chế bí mật ở Hà Lan, Ba Lan, Bỉ.

Châu Âu còn là nhà cung cấp "thuốc lắc" lớn ra thị trường quốc tế, trong đó Hà Lan trở thành trung tâm sản xuất ma tuý tổng hợp từ nhiều năm qua. Ngoài ra, tội phạm ma tuý còn điều chế ra các dạng cần sa tổng hợp, sử dụng chất kích thích thần kinh để thay đổi thành phần trong ma tuý tổng hợp tránh việc bị điều tra, truy tố.

Trước tình hình tội phạm ma tuý diễn biến phức tạp, Cảnh sát các nước châu Âu đã và đang xây dựng, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh, truy quét.

Trên phương diện pháp lý tháng 6/2021, Hội đồng châu Âu thông qua Chương trình hành động phòng, chống ma tuý giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ triệt phá đường dây tội phạm ma tuý; thu hẹp nhu cầu, thị trường tiêu thụ ma tuý bằng biện pháp phòng ngừa, điều trị, chăm sóc y tế; xác định và giải quyết hệ luỵ của ma tuý đối với an ninh xã hội; chú trọng nghiên cứu, dự báo tình hình; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước, khu vực, tổ chức nhằm nâng cao vai trò của Liên minh châu Âu trong công tác phòng, chống ma tuý ở phạm vi toàn cầu trên cơ sở đảm bảo quyền con người; tăng cường hợp tác nội khối đảm bảo việc triển khai thống nhất, hiệu quả các chiến lược, kế hoạch hành động đặt ra.

Trên thực địa, các nước tăng cường triển khai các đợt truy quét, bắt giữ đường dây tội phạm ma tuý có tổ chức, xuyên quốc gia nhằm xoá bỏ sự liên kết giữa các tổ chức tội phạm. Tăng cường giám sát khu vực cảng biển, cửa khẩu, biên giới, tuyến đường sắt, đường hàng không nhằm ngăn chặn hành vi vận chuyển ma tuý trái phép từ bên ngoài vào châu Âu và ngược lại. Chủ động phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển ma tuý qua đường dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh và mua bán ma tuý trực tuyến. Các nước giải quyết triệt để vấn nạn trồng cần sa, sản xuất trái phép các dạng ma tuý, tiền chất ma tuý hoặc chuyển hướng buôn bán các dạng chất gây nghiện thay thế.

Tháng 7/2021, Cảnh sát các nước Albania, Italia, Tây Ban Nha, Montenegro phối hợp triệt phá đường dây buôn lậu ma tuý từ Albania vào châu Âu, bắt giữ 38 đối tượng. Ước tính nhóm đối tượng này đã tuồn trót lọt 6 tấn cần sa, heroin, cocain có giá trị lên tới hàng triệu Euro.

Tháng 10/2021, Bồ Đào Nha đã tịch thu 5,2 tấn cocain trên tàu hàng đăng ký tại Tây Ban Nha, bắt giữ 2 đối tượng người Tây Ban Nha, 1 đối tượng người Peru. Tháng 12/2021, Cảnh sát Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ triệt phá đường dây buôn lậu nhựa cần sa và cocain từ Maroc đến châu Âu, bắt giữ 17 đối tượng.

Châu Âu 'mạnh tay' với tội phạm ma tuý và đề xuất cho Việt Nam - Ảnh 2.

Vật chứng thu giữ trong đường dây vận chuyển ma tuý từ Hà Lan, Đức về Việt Nam tiêu thụ, tháng 4/2021

Nhiều đường dây vận chuyển ma tuý từ châu Âu về Việt Nam

Trong các chiến dịch truy quét tội phạm ma tuý ở châu Âu, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ một số đối tượng người Việt Nam có liên quan. Tháng 4/2021, Cảnh sát Đức mở chiến dịch truy quét đường dây tội phạm ma tuý ở Thủ đô Berlin liên quan đến người Việt, làm rõ các đối tượng đã vận chuyển trót lọt 500 kg ma tuý tổng hợp, cần sa từ Hà Lan vào Đức.

Ngoài ra, một số đường dây đã vận chuyển trái phép ma tuý từ Hà Lan, Đức về Việt Nam qua đường hàng không đã bị lực lượng chức năng trong nước ngăn chặn kịp thời.

Điển hình như tháng 4/2021, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma tuý phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội khám phá vụ vận chuyển trái phép chất ma tuý từ Hà Lan, Đức về Việt Nam, C04 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 16 đối tượng, thu giữ hơn 127 kg ma túy các loại và nhiều vật chứng liên quan.

Đối với nước ta, thực trạng tội phạm ma tuý ở châu Âu nói chung, tội phạm ma tuý liên quan đến người Việt ở châu lục này nói riêng thời gian qua đã ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của đất nước cũng như cộng đồng kiều bào nơi đây. Số lao động người Việt bất hợp pháp hoặc đã hết hạn visa, một số thanh niên đang sinh sống, học tập ở các nước có nguy cơ trở thành mục tiêu để các tổ chức tội phạm tiếp cận, mua chuộc, lôi kéo tham gia vận chuyển thuê ma tuý.

Mặt khác, việc sử dụng cần sa, "thuốc lắc" khá phổ biến ở khu vực sinh sống khiến một số thanh thiếu niên người Việt có điều kiện tiếp cận, sử dụng dẫn đến mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật nước sở tại.

Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tìm hiểu về chủ trương, chính sách và kinh nghiệm phòng, chống tội phạm ma tuý của các nước châu Âu, nhất là trong bối cảnh một số nước đang xoá bỏ biện pháp giãn cách xã hội, tái mở cửa nền kinh tế-du lịch giai đoạn hậu COVID-19.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam và châu Âu cần xây dựng cơ chế trao đổi thông tin phối hợp trong phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động phạm tội về ma tuý có tổ chức, xuyên quốc gia, nhất là số vụ có liên quan đến người Việt Nam. Đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp ước dẫn độ tội phạm tạo cơ sở pháp lý cho công tác phối hợp điều tra, truy bắt, dẫn giải người phạm tội giữa Việt Nam và các nước. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ cảng hàng không quốc tế, cảng biển ở trong nước, các loại hàng hoá chuyển phát nhanh, hàng ký gửi, quà biếu phi mậu dịch từ châu Âu về nước và ngược lại.

Cơ quan đại điện ngoại giao của Việt Nam phối hợp với chính quyền nước bạn, Hội đồng hương người Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình, phương thức hoạt động cũng như thủ đoạn lôi léo, mua chuộc tham gia đường dây buôn lậu ma tuý của đối tượng qua đó phát huy vai trò của cộng đồng kiều bào trong công tác phòng, chống ma tuý, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập ở nước sở tại.

Kim Long

Top