Châu Phi cam kết chấm dứt AIDS ở trẻ em vào năm 2030
(Chinhphu.vn) - 12 nước châu Phi vừa đưa ra kế hoạch chấm dứt AIDS ở trẻ em vào năm 2030 thông qua một loạt các chương trình xét nghiệm, điều trị và phòng ngừa HIV.
Các cơ quan của Liên Hiệp Quốc đã hoan nghênh cam kết chấm dứt bệnh AIDS ở trẻ em vào năm 2030 của 12 quốc gia châu Phi, tại cuộc họp ở Dar Es Salaam, Tanzania vào đầu tháng 2.
12 quốc gia châu Phi tham gia liên minh này gồm: Angola, Cameroon, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Mozambique, Nigeria, Nam Phi, Tanzania, Uganda, Zambia và Zimbabwe.
Cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của Liên minh Toàn cầu nhằm chấm dứt bệnh AIDS ở trẻ em đã đánh dấu một bước tiến trong hành động nhằm bảo đảm trẻ nhiễm HIV có thể tiếp cận với phương pháp điều trị có thể cứu được mạng sống. Đồng thời, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Các bộ trưởng và đại diện châu Phi đã vạch ra nhiều kế hoạch bao gồm: cung cấp thêm nhiều xét nghiệm hơn cho các phụ nữ mang thai và kết nối họ với các dịch vụ chăm sóc, cũng như tìm kiếm và chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ em nhiễm HIV.
Theo dữ liệu, cứ 5 phút lại có một trẻ em trên thế giới chết vì các nguyên nhân liên quan đến AIDS. Dữ liệu cũng cho thấy trong khi 76% bệnh nhân HIV là người trưởng thành đang được điều trị bằng thuốc kháng virus, thì chỉ hơn một nửa số trẻ em nhiễm HIV (52%) đang được điều trị để duy trì mạng sống. Đây là "một trong những sự chênh lệch rõ ràng nhất về phản ứng với AIDS", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định.
Hơn nữa, mặc dù trẻ em chỉ chiếm 4% số người sống chung với HIV nhưng lại chiếm 15% tổng số ca tử vong liên quan đến AIDS.
Không để trẻ em bị bỏ lại phía sau
Trước đó, Liên minh toàn cầu về chấm dứt bệnh AIDS ở trẻ em (GAEAC) đã được công bố thành lập tại Hội nghị AIDS quốc tế ở Montréal, Canada vào tháng 7/2022.
Sau cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên, Tuyên bố Hành động Dar-es-Salaam nhằm chấm dứt AIDS ở trẻ em đã được nhất trí thông qua. Đây được xem là một kết quả tích cực, nhận được sự hoan nghênh của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và cam kết sẽ hỗ trợ hết mình của cơ quan này.
Phó Giám đốc UNICEF Anurita Bains cho rằng, mọi trẻ em đều có quyền có một tương lai khỏe mạnh và đầy hy vọng, đồng thời nhấn mạnh "không thể để trẻ em tiếp tục bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực toàn cầu chống lại HIV/AIDS".
Theo GAEAC, các nỗ lực sẽ tập trung vào bốn trụ cột chính, bao gồm xét nghiệm sớm và điều trị tối ưu cho trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên; cũng như thu hẹp khoảng cách trong việc điều trị cho phụ nữ mang thai và cho con bú dương tính với HIV, để loại bỏ sự lây truyền từ mẹ sang con.
Bên cạnh đó, các quốc gia cũng sẽ tập trung vào việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV mới ở trẻ em gái và nữ vị thành niên đang mang thai và đang cho con bú, bên cạnh việc giải quyết các quyền, bình đẳng giới và các rào cản cơ cấu cản trở việc tiếp cận các dịch vụ.
Chương trình phối hợp phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) tin rằng, có thể đạt được các tiến bộ vì 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được chứng nhận về việc hạn chế lây truyền HIV và/hoặc giang mai từ mẹ sang con.
Mặc dù HIV và các bệnh nhiễm trùng khác có thể lây truyền khi mang thai hoặc cho con bú, nhưng việc điều trị kịp thời hoặc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho những bà mẹ có nguy cơ cao có thể giúp ngăn chặn quá trình lây truyền virus này.
Năm ngoái, Botswana đã trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên có tỷ lệ nhiễm HIV cao được xác nhận là đang trên đà loại bỏ lây truyền HIV theo chiều dọc, nghĩa là quốc gia này có ít hơn 500 ca nhiễm HIV mới ở trẻ sơ sinh trên 100.000 ca sinh. Tỷ lệ lây truyền dọc ở Botswana hiện là 2%, so với 10% cách đây một thập kỷ.
Thùy Chi
Theo United Nations News