Chủ động hợp tác quốc tế sâu rộng để ngăn chặn nạn buôn bán ma túy xuyên quốc gia
(Chinhphu.vn) - Phòng chống ma túy không còn là vấn đề của từng quốc gia riêng lẻ. Việt Nam không chỉ hợp tác song phương với các nước có chung đường biên giới, mà còn hợp tác với các tổ chức quốc tế, trên cơ chế đa phương. Nhờ chia sẻ thông tin, nhiều vụ án ma túy lớn đã được triệt phá. Phương án phòng chống ma túy từ sớm, từ xa của Việt Nam được đánh giá cao.
Việt Nam chịu áp lực lớn về ma túy
Thời gian gần đây, tác động của suy thoái kinh tế, căng thẳng chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình tội phạm ma túy toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu của Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên Hợp Quốc, số người sử dụng ma túy tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trên toàn thế giới, từ 240 triệu người năm 2011 lên 296 triệu người năm 2023 (tương đương 5,8% dân số toàn cầu trong độ tuổi từ 15 – 64), trong khi đó công tác điều trị cho người nghiện và người sử dụng ma túy vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế, đặc biệt là điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp.
Hơn nữa, thị trường ma túy ngày càng đa dạng hóa và có sự liên kết ngày càng chặt chẽ khiến tình hình ma túy càng trở nên phức tạp. Các quốc gia ghi nhận đã có 1.127 các chất hướng thần mới (NPS) trên thế giới, trong đó chỉ có 302 chất hướng thần mới nằm trong danh mục kiểm soát quốc tế.
Hiện nay, các đối tượng đang mở rộng phạm vi hoạt động, ngoài việc sản xuất ma túy tổng hợp dạng methamphetamine, ketamine, các đối tượng này còn sản xuất các loại ma túy tổng hợp dạng Fentanyl – một trong những loại ma túy nguy hiểm bậc nhất ở Mỹ và Canada.
Tình hình trên đã tác động rất lớn đến Việt Nam, nhất là khi Việt Nam còn chịu áp lực lớn bởi nguồn cung ma túy từ khu vực "Tam giác vàng". Ma túy từ khu vực "Tam giác vàng" được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường hàng không, đường biển.
Ngoài ra, ma túy tổng hợp từ Châu Âu qua đường hàng không về các sân bay quốc tế ở Việt Nam, cocaine từ Nam Mỹ vận chuyển qua đường biển đến các cảng lớn của Việt Nam để tiếp tục đi nước thứ 3.
Các đối tượng nước ngoài cấu kết với các đối tượng trong nước hình thành các đường dây vận chuyển ma túy tinh vi, có tổ chức, sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Việc đấu tranh các loại tội phạm này hiện đang đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng chức năng.
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế với lực lượng hành pháp phòng, chống ma túy của các nước cả về chiều sâu, chiều rộng, nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Có thể kể đến như ngày 30/1/2023, khi đối tượng Autchara Pimpawa (sinh năm 1974, quốc tịch Thái Lan) đang làm thủ tục quá cảnh tại sân bay Nội Bài thì bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp cùng các lực lượng chức năng bắt quả tang về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Lực lượng chức năng thu giữ 2,36 kg cocain giấu trong 4 cuốn truyện để lẫn trong valy, cùng một số đồ vật, tài liệu khác có liên quan.
Ngay sau đó, ngày 10/2/2023, Trung tâm điều phối sông Mekong an toàn về kiểm soát ma túy (SMCC ) đã trao đổi, cung cấp thông tin liên quan để làm rõ đối tượng chủ mưu trong vụ án này là Rewadi Sacunni. Đây là đối tượng đã thuê Autchara Pimpawa vận chuyển ma túy từ Ethiopia về Việt Nam để đưa đi nước khác tiêu thụ.
Hay Chuyên án 568P ngày 4/9/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 12 đối tượng, thu giữ 44 kg ma túy tổng hợp các loại, 19 kg heroin tại Việt Nam; đồng thời cử tổ công tác sang Campuchia phối hợp với lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của nước bạn bắt giữ 8 đối tượng, trong đó có đối tượng chủ mưu, cầm đầu, khám xét 8 địa điểm tại nước ngoài, thu giữ thêm 11 kg ma tuý tổng hợp…
Mới đây là chuyên án phá đường dây ma túy quốc tế, thu giữ 1,3 tấn ketamin do đối tượng Liêu Chí Hoài (quốc tịch Trung Quốc) cầm đầu. Trước đó, đầu tháng 8/2023, qua kênh hợp tác quốc tế, cơ quan chức năng của Đài Loan (Trung Quốc) cung cấp nguồn tin có hai đối tượng người Đài Loan sang Việt Nam có ý định lợi dụng tàu đánh cá buôn lậu hàng hoá nghi là ma tuý vận chuyển từ Việt Nam đi nước ngoài tiêu thụ qua tuyến đường biển.
Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia bị Công an Việt Nam bắt giữ thông qua việc phối hợp chia sẻ thông tin với cộng đồng quốc tế.
Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết: "Những năm qua, chúng tôi phối hợp rất tốt với lực lượng chức năng các nước làng giềng, các tổ chức quốc tế và họ rất tin tưởng vào lực lượng chức năng phòng chống ma túy Việt Nam. Chính vì vậy, các thông tin chia sẻ có giá trị và tính xác thực cao và ngược lại, chúng tôi cũng xác minh các thông tin một cách triệt để và trả lời đầy đủ, đáp ứng yêu cầu".
Thiết lập đường dây nóng, phối hợp đấu tranh chuyên án chung mang tầm khu vực và quốc tế
Trong những năm qua, Lào, Campuchia và Trung Quốc được xác định là các đối tác chiến lược hàng đầu của Bộ Công an trong hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp Công an 10 tỉnh giáp nước bạn Lào xây dựng, ban hành sổ tay đường dây nóng 4 cấp của Việt Nam và 2 cấp của Lào (cấp Trung ương và cấp tỉnh) để phục vụ công tác trao đổi thông tin về tình hình ma túy giữa hai nước, đồng thời cử các tổ công tác sang Lào phối hợp điều tra những chuyên án lớn; triển khai cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của Trung Quốc và Công an các tỉnh giáp biên giới tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, xác minh đầu mối thông tin vụ án, phối hợp đấu tranh, truy bắt các đối tượng truy nã, khi cần thiết có thể tổ chức các cuộc họp giao ban giữa hai bên.
Nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ma túy qua biên giới, Việt Nam đã thành lập 23 Văn phòng liên lạc qua biên giới hoạt động tại 15 tỉnh, thành trên toàn quốc. Các văn phòng này đã phát huy hiệu quả trong trao đổi thông tin các vụ việc liên quan đến ma túy với lực lượng đối biên, đồng thời duy trì hoạt động giao ban định kỳ, luân phiên, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa các bên.
Hằng năm, Bộ Công an Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực cho lực lượng phòng chống ma túy Lào và Campuchia.
Đối với cơ chế đa phương, Bộ Công an đã thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ và tích cực hợp tác với nhiều nước trong các cơ chế đa phương nhằm gia tăng uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Trong khuôn khổ diễn đàn các nước ASEAN về phòng, chống ma túy, Việt Nam đã chủ trì, tham gia tích cực các khuôn khổ hợp tác về phòng, chống ma túy như: Mạng lưới giám sát ma túy ASEAN - NARCO, hợp tác ASEAN về phòng, chống ma túy qua đường hàng không (AAITF), hợp tác ASEAN về phòng, chống ma túy qua đường biển (ASIFT), Hội nghị quan chức cấp cao về phòng, chống ma túy, Hội nghị cấp Bộ trưởng về phòng chống ma túy.
Nổi bật năm 2023, Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức hoạt động Trung tâm Điều phối sông Mekong an toàn về kiểm soát ma túy (Trung tâm SMCC). Trong thời gian đại diện các nước làm việc tại trung tâm, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã cung cấp thông tin, lệnh bắt đối tượng truy nã tội phạm về ma túy nghi lẩn trốn tại các nước và đề nghị đầu mối Trung tâm SMCC liên hệ, tiến hành xác minh. Đại diện các nước đã cung cấp 10 thông tin các vụ việc về ma túy có liên quan đến Việt Nam.
Việt Nam cũng đã ký kết 32 hiệp định, bản ghi nhớ, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống ma túy, tạo cơ sở triển khai hoạt động hợp tác trong các cơ chế song phương và đa phương, góp phần tích cực trong việc thiết lập, mở rộng và thực chất các mối quan hệ song phương, đồng thời nâng cao vai trò của Việt Nam.
Đối với các đối tác có tiềm lực về phòng chống ma túy, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cũng tăng cường hợp tác có hiệu quả với Cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ (DEA), Cảnh sát liên bang Úc (AFP), Ủy ban Kiểm soát ma túy Thái Lan...
Các đối tác đã hỗ trợ Việt Nam về phương tiện, kỹ thuật, nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã thiết lập đường dây nóng, thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến tội phạm ma túy với các đối tác, tham gia phối hợp đấu tranh chuyên án chung mang tầm khu vực và quốc tế.
Mới đây nhất, tại Đà Nẵng, trong 2 ngày (26-27/3). Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ (DEA) tổ chức Hội nghị quốc tế phòng, chống ma túy khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Mini IDEC). Đây là lần thứ hai Việt Nam và Hoa Kỳ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế phòng, chống ma túy khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Điều này thể hiện vai trò và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong giải quyết vấn đề ma túy toàn cầu đối với khu vực nói chung và với Hoa Kỳ nói riêng trong hợp tác về phòng, chống ma túy ở khu vực và trên thế giới.
Dự báo thời gian tới, tình hình ma túy thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến động. Bên cạnh thời cơ cũng có những khó khăn, thách thức đòi hỏi lực lượng cảnh sát, thực thi pháp luật các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế cần sát cánh, chung tay phòng chống tội phạm ma túy.
Với quan điểm phòng ngừa và ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm, từ nơi xuất phát, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nước có chung đường biên giới, gắn kết hợp tác với các nước trong ASEAN, là thành viên tham gia tích cực các cơ chế trong Tiểu vùng sông MeKong, mở rộng mạng lưới trao đổi thông tin với một số nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, gắn kết hợp tác với các đối tác quan trọng, có kinh nghiệm và tiềm lực phòng, chống ma túy.
Hoàng Giang