Chuyện của những trẻ vị thành niên nhiễm HIV

07/10/2022 17:23

(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia y tế, tuân thủ điều trị HIV đối với bệnh nhân là người trưởng thành đã khó, đối với trẻ em lại càng cần nhiều sự chuẩn bị về mặt tâm lý để các em đối diện với bệnh tật và cả sự kỳ thị dù vô hình hay hữu hình…

Chuyện của những trẻ vị thành niên nhiễm HIV - Ảnh 1.

Nhiều đứa trẻ 'có H' chịu sự kỳ thị ở nhiều mức độ khác nhau. Ảnh minh họa

"Khi ấy em là trẻ con, dễ sốc khi bị kỳ thị"

Khi Đ.N (Hải Phòng) bước sang tuổi 16, em trải qua giai đoạn sốc tâm lý lớn khi chuyển từ việc điều trị HIV cho trẻ em tại phòng khám nhi sang cơ sở điều trị của người lớn.

"Em thấy không còn được quan tâm như trước. Cả quá trình khám, lấy thuốc chỉ mất đúng 5 phút. Trước đây khi đi khám ở phòng nhi, em được hỏi han và chỉ dẫn từng bước. Các bác sĩ còn cung cấp số điện thoại để mỗi khi gặp sự cố có thể trực tiếp gọi điện hỏi. Chuyển về cơ sở điều trị cho người lớn, em không biết hỏi ai. Em cũng muốn quan tâm đến sức khỏe của mình nhưng thực tế không cho phép", N. bày tỏ.

N. chia sẻ thêm, khi em đến bệnh viện khám cho người lớn, bác sĩ chỉ ghi đơn, phát thuốc, không một ai hỏi xem em uống thuốc có tác dụng phụ gì không? "Bình thường từ nhỏ tụi em đã thiếu sự quan tâm, đến khám lại bị hờ hững nên em cảm thấy rất tổn thương. Em mong các cơ sở y tế có thể thay đổi thái độ với bệnh nhân nhiễm HIV", N nói.

Thuở 4-5 tuổi, khi những đứa trẻ khác sống hồn nhiên trong sự yêu thương của gia đình và môi trường xung quanh thì N. đã nhận ra mình bị kỳ thị. "Lúc đó em biết mình bị kỳ thị không phải vì em nhiễm HIV mà vì bố mẹ em sử dụng ma túy nên người lớn cấm con họ không được chơi với em".

N. đã phải tự tạo vỏ bọc, để ngoài tai mọi chuyện. Bởi thế khi phát hiện có HIV, cô bé chỉ hơi sốc. Và rồi thiếu vắng sự quan tâm, N. đã lao vào thử hút theo sự rủ rê của bạn bè.

"Nếu em được hỗ trợ tuân thủ phác đồ điều trị tốt, lượng virus giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện và không còn khả năng lây nhiễm nữa thì sẽ không còn lý do gì bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Nhưng vì là trẻ con nên em khi ấy rất dễ bị sốc, trầm cảm khi bị kỳ thị", N giãi bày. Có thời gian N. bỏ uống thuốc điều trị HIV tới gần 6 tháng (trong khi theo phác đồ điều trị của người nhiễm HIV việc uống thuốc phải đều đặn mỗi ngày). Hậu quả là hiện tại mắt N. đã bị mờ, đi lại đôi khi rất khó khăn.

"Cơ sở y tế nằm chung với khu dân cư, mỗi lần đến khám em lại nghe thấy người ta xì xào "Con bé này trẻ thế, làm gì mà bị nhiễm HIV?"… Điều đó khiến em rất buồn. Nếu được, em mong bố mẹ nên làm bạn với con, quan tâm đến con nhiều hơn bởi đôi khi sự kỳ thị còn đến từ trong nhà, tác động đến tâm lý của đứa trẻ một cách khủng khiếp, chứ không phải chỉ từ xã hội", N. nói thêm.

N.T (SN 2000, huyện Đông Anh, Hà Nội) lần đầu tiên chia sẻ suy nghĩ và câu chuyện của mình về việc trẻ em nhiễm HIV: Nhiều trẻ không biết tình trạng của mình, không biết hàng ngày mình phải uống thuốc gì. Do bố mẹ cố tình giấu với suy nghĩ "để con có tuổi thơ tốt đẹp như bao bạn bè khác".

T. cho biết, từ khi học mẫu giáo, tiểu học đã chịu sự tác động từ xã hội rất mạnh. T. thậm chí còn không hiểu vì sao mình bị cấm đi học. Lúc đó, T. "mang máng" nhận thức ra mình có bệnh gì đó. Theo T., "nếu được chuẩn bị tâm lý từ sớm, trẻ có thể dễ dàng chấp nhận sự thật và phối hợp điều trị tốt hơn. Sẽ không có tình trạng đau khổ vì cả "thế giới" biết mình "có H", chỉ mình là không. Để dẫn đến việc trẻ bỏ nhà và thử hút hít, nổi loạn, thậm chí tìm cách tự tử như nhiều trẻ vị thành niên đã làm khi biết mình nhiễm HIV".

Thậm chí khi đã chấp nhận tình trạng của mình và có tâm lý sẵn sàng thì trẻ nhiễm HIV cũng gặp không ít khó khăn để tuân thủ điều trị khi bước vào độ tuổi vị thành niên. "Khi chúng cháu đi học, đi ôn thi tại trung tâm mà đến giờ uống thuốc thì không thể tự nhiên giữa cả lớp mà bỏ thuốc ra uống được (vì sợ mọi người kỳ thị và tò mò), nên việc quên hoặc uống quá giờ là thường xuyên xảy ra. Rồi đến tuổi yêu đương, muốn có người yêu thì cũng rất dễ bỏ uống thuốc do tâm lý tuổi này đang thay đổi", chia sẻ của một nam thiếu niên tại Hà Nội.

Những rào cản từ… phụ huynh

Thực tế, theo các chuyên gia, có nhiều trẻ nhiễm HIV từ nhỏ không được biết tình trạng của mình mà chỉ uống thuốc theo sự yêu cầu của bố mẹ và cũng không được chuẩn bị tâm lý để đối diện với tình trạng bệnh. Khi lớn lên các em lớn lên sẽ rơi vào hai trường hợp phổ biến: Các em không có đủ nhận thức về tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị dẫn đến bỏ uống thuốc, hoặc uống không đúng chỉ dẫn -gây ra những biến chứng về sức khoẻ và nguy cơ kháng thuốc cao.

Trường hợp thứ hai, các em cảm thấy sốc khi phát hiện ra tình trạng nhiễm HIV khiến cho các em căm ghét bố mẹ và chính bản thân, dẫn đến thực hiện các hành vi tiêu cực như bỏ nhà đi, sử dụng chất kích thích - ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, và những hậu quả đáng tiếc như có con ngoài ý muốn… Đáng lo lắng hơn, đó là có những em đã bỏ thuốc ARV trong thời gian dài và những trường hợp này đều rất khó thuyết phục quay trở lại điều trị.

Bác sĩ Kiều Thị Mai Hương, Quản lý chương trình Sức khỏe, SCDI, chia sẻ, qua kinh nghiệm làm việc cùng các nhóm hỗ trợ cho các trẻ nhiễm HIV, chúng tôi thấy một thực trạng rất đáng buồn đó là có một tỷ lệ đáng lo ngại những trẻ mắc HIV bỏ điều trị khi bước sang độ tuổi vị thành niên".

Chị Hải Anh (nhóm Ban Mai, Hà Nội) cho rằng, cần có sự hỗ trợ ngay từ gia đình, giải quyết tâm lý cho bố mẹ có con nhiễm HIV. "Có mẹ bảo: "Em còn giấu được cho con ngày nào hay ngày đó!", chị kể và phân tích: "Suy nghĩ tưởng thương con, bảo vệ con khỏi sự phân biệt đối xử, kỳ thị nhưng thực ra sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ không tuân thủ điều trị, dễ kháng thuốc… Đây chính là rào cản lớn, tôi thấy rất thương các con khi không may có bố mẹ như vậy...".

Mới đây, tại Đà Nẵng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Mô hình cung cấp dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật trong quản lý, điều trị và chăm sóc trẻ vị thành niên nhiễm HIV.

Thông tin từ hội thảo, vẫn còn tỷ lệ trẻ nhiễm HIV chưa được phát hiện do các bà mẹ không được tham gia chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Năm 2021, có gần 4.000 trẻ đang được điều trị ARV, trong đó, 52% trẻ trong độ tuổi 10-16 và tỷ lệ tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế ở trẻ em (91,2%) thấp hơn so với người lớn (97%). Nhìn chung, trẻ em có tỷ lệ ức chế tải lượng virus thấp hơn ở người lớn và so với các nhóm khác.

Theo báo cáo của UNAIDS, trên thế giới, 20% trẻ có HIV không được chẩn đoán tình trạng nhiễm, trong đó 40% trẻ từ 10-14 tuổi. BS. Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC) BV Nhi đồng 1 đang điều trị cho 347 trẻ nhiễm HIV. Tại Bệnh viện đang thực hiện mô hình: Chăm sóc và điều trị ARV liên tục; bộc lộ tình trạng và hỗ trợ tâm lý xã hội; sức khỏe sinh sản và phòng lây truyền HIV; chuyển tiếp sang chăm sóc điều trị người lớn.

Tuy nhiên, việc sàng lọc tâm lý cho trẻ vẫn là vấn đề khó khăn trong việc điều trị HIV cho trẻ nhi. Bên cạnh đó, những khó khăn của việc tuân thủ điều trị ARV của trẻ như lo đi làm, sợ tác dụng phụ, gia đình có người cha/mẹ/ người chăm sóc chính mất, không muốn người khác nhìn thấy... cũng là những vấn đề tồn tại trong điều trị ARV cho trẻ nhiễm HIV tại tuyến tỉnh.

Cùng với đó, số ca nhiễm HIV mới trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) trẻ tuổi (15-19 tuổi) còn liên quan tới các vấn đề như: Bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng tránh thai, sức khỏe tâm thần, sử dụng chất trong quan hệ tình dục, vấn đề tài chính, bộc lộ tình trạng nhiễm, kỳ thị và tự kỳ thị, tuân thủ điều trị và các vấn đề tiếp cận dịch vụ trong xét nghiệm, điều trị PrEP/ARV (yêu cầu người giám hộ khi sử dụng dịch vụ)…

Chỉ 52% trẻ em nhiễm HIV được điều trị

Liên minh toàn cầu mới về chấm dứt bệnh AIDS ở trẻ em vào năm 2030 đã được các nhân vật hàng đầu công bố tại Hội nghị AIDS quốc tế diễn ra ở Montreal, Canada mới đây.

Theo số liệu vừa được công bố trong báo cáo cập nhật về tình hình bệnh AIDS toàn cầu 2022 của UNAIDS cho thấy, trên toàn cầu, chỉ một nửa (52%) trẻ em nhiễm HIV được điều trị cứu sống, trong khi đó ở người lớn là 76%.

Để đảm bảo không trẻ em nào nhiễm HIV bị từ chối điều trị vào cuối thập kỷ này và để ngăn ngừa nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh mới, UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS), UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và các đối tác đã thành lập một liên minh toàn cầu mới, nhằm khắc phục tỷ lệ chênh lệch trong ứng phó với AIDS ngày càng lớn giữa trẻ em và người lớn và chấm dứt bệnh AIDS ở trẻ em vào năm 2030.

Liên minh xác định bốn nhóm hành động chính, bao gồm: Thu hẹp khoảng cách điều trị cho trẻ em gái vị thành niên mang thai và cho con bú, phụ nữ sống chung với HIV, tối ưu hóa việc điều trị thường xuyên; Phòng ngừa và phát hiện các ca nhiễm mới HIV ở trẻ em gái, trẻ vị thành niên đang mang thai và cho con bú; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét nghiệm, điều trị tối ưu và chăm sóc toàn diện cho trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên bị phơi nhiễm và sống chung với HIV; Giải quyết các quyền lợi, vấn đề bình đẳng giới, các rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ điều trị.

Trà My (theo Báo Pháp luật)

}
Top