Xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc trẻ vị thành niên nhiễm HIV

13/07/2022 12:47

(Chinhphu.vn) - Mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện trong điều trị và chăm sóc trẻ vị thành niên nhiễm HIV nhằm bảo đảm các dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật trong quản lý, điều trị và chăm sóc tốt cho trẻ vị thành niên nhiễm HIV, để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc trẻ vị thành niên nhiễm HIV - Ảnh 1.

Xét nghiệm HIV cho trẻ vị thành niên. Ảnh: Thùy Chi

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Mô hình cung cấp dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật trong quản lý, điều trị và chăm sóc trẻ vị thành niên nhiễm HIV.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam khu vực phía Nam, lãnh đạo Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Nhi đồng 1,2, Đại học Y Hà Nội và đại diện của 11 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở điều trị cho trẻ em tại Đà Nẵng, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Sơn La, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, TP. Huế và TP. Hồ Chí Minh cùng đại diện các tổ chức HAIVN, Dự án EPIC, Dự án Qũy Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.

Tại hội thảo, TS.BS. Đỗ Thị Nhàn, Trưởng Phòng Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong năm 2021, có gần 4.000 trẻ đang được điều trị ARV, trong đó, 52% trẻ trong độ tuổi 10-16 và tỷ lệ tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế ở trẻ em (91,2%) thấp hơn so với người lớn (97%). Số lượng trẻ được phát hiện nhiễm HIV là 16 trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn tỷ lệ trẻ nhiễm HIV chưa được phát hiện do các bà mẹ không được tham gia chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

TS.BS. Đỗ Thị Nhàn cho hay, các dịch vụ cần cung cấp, điều trị HIV cho trẻ nhiễm và các yêu cầu tăng cường năng lực hệ thống mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo khi xây dựng mô hình, bao gồm: Đủ nhân lực được đào tạo; có chính sách và hướng dẫn thống nhất; bảo đảm hệ thống cung ứng liên tục sinh phẩm và thuốc; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, thiết lập phòng khám thân thiện.

BS. Nguyễn Kim Bình, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, theo báo cáo của UNAIDS, trên thế giới, 20% trẻ nhiễm HIV không được chẩn đoán tình trạng nhiễm, trong đó, 40% trẻ từ 10-14 tuổi. Hiện nay phác đồ điều trị cho trẻ theo hướng dẫn điều trị mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới với Dolutegravir là thuốc được khuyến cáo điều trị cho trẻ em. Nhìn chung, trẻ em có tỷ lệ ức chế tải lượng virus thấp hơn ở người lớn và so với các nhóm khác.

BS. Kim Bình cũng đưa ra cảnh báo số ca nhiễm HIV mới trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM) trẻ tuổi (từ 15-19 tuổi) với các vấn đề liên quan như: bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng tránh thai, sức khỏe tâm thần, sử dụng chất trong quan hệ tình dục (chemsex), vấn đề tài chính, bộc lộ tình trạng nhiễm, kỳ thị và tự kỳ thị, tuân thủ điều trị và các vấn đề tiếp cận dịch vụ trong xét nghiệm, điều trị PrEP/ARV (yêu cầu người giám hộ khi sử dụng dịch vụ).

BS. Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ về tình hình điều trị trẻ nhiễm HIV tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 442 trẻ nhiễm HIV. Tỷ lệ trẻ có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện chiếm 93%. Những trẻ đang điều trị ARV tại Bệnh viện Nhi Trung ương đều được tư vấn điều trị, xét nghiệm (tải lượng virus, CD4), điều trị nhiễm trùng cơ hội và được tư vấn bộc lộ tình trạng nhiễm với trẻ. Thêm vào đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng hỗ trợ tích cực cho trẻ tuân thủ điều trị, luôn cố gắng cung ứng đủ thuốc theo đúng phác đồ điều trị.

BS. Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM chia sẻ tại về Chương trình chăm sóc điều trị HIV/AIDS ở trẻ vị thành niên và hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến tỉnh. Tại OPC BV Nhi đồng 1 đang điều trị cho 347 trẻ nhiễm HIV với mô hình: Chăm sóc và điều trị ARV liên tục; bộc lộ tình trạng và hỗ trợ tâm lý xã hội; sức khỏe sinh sản và phòng lây truyền HIV; chuyển tiếp sang chăm sóc điều trị người lớn.

"Tuy nhiên, việc sàng lọc tâm lý cho trẻ vẫn là vấn đề khó khăn trong việc điều trị HIV cho trẻ nhi. Ngoài ra còn có những khó khăn về tuân thủ điều trị ARV của trẻ như sợ tác dụng phụ, gia đình có người cha/mẹ/ người chăm sóc chính mất, không muốn người khác nhìn thấy...", BS. Khanh nêu các vấn đề tồn tại trong điều trị ARV cho trẻ nhiễm HIV tại tuyến tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định việc xây dựng mô hình chăm sóc điều trị HIV/AIDS cho trẻ vị thành niên là rất cần thiết. Mô hình cần được thiết kế thân thiện, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh cụ thể của trẻ nhằm tăng cường tiếp cận điều trị HIV của trẻ, hạn chế việc bỏ trị cũng như nâng cao chất lượng điều trị ARV, các dịch vụ chăm sóc điều trị cho trẻ không chỉ có điều trị ARV mà còn có chăm sóc sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản và an toàn tình dục; chuyển tiếp trẻ sang cơ sở điều trị người lớn…

Thùy Chi

}
Top