Tiếp tục kiểm soát thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy
(Chinhphu.vn) - Ngày 18/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức phiên họp cho ý kiến Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy.
Thường xuyên nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, bắt giữ tội phạm ma túy
Tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, do chịu tác động của tình hình ma túy trên thế giới và khu vực, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi, manh động, sẵn sàng trang bị các loại vũ khí quân dụng, chống trả, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.
Trong quá trình triển khai các mặt công tác phòng, chống tội phạm ma túy, Công an các đơn vị, địa phương luôn chú trọng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển (theo Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2022 của Chính phủ) và các đơn vị chức năng của Bộ Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, bắt giữ tội phạm ma túy. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong điều tra xử lý tội phạm ma túy, không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm và đưa ra xét xử lưu động, công khai các vụ án ma túy điểm tại các địa bàn phức tạp về ma túy. Đồng thời, thường xuyên rà soát các quy chế, kế hoạch phối hợp, tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện.
Các Bộ, ngành, địa phương triển khai đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy; tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp; các đối tượng có nguy cơ cao như thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân lao động...
Trong đó, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt nam, Thông tấn xã Việt Nam, Trang tin điện tử của Ủy ban Quốc gia (Tiếng Chuông)… xây dựng hàng trăm chương trình, phóng sự, tọa đàm, phim tài liệu, bài viết tuyên truyền về hiểm họa ma túy, những tấm gương điển hình, mô hình phòng, chống ma túy; đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử và trên các nền tảng số; qua đó cung cấp cho khán, thính giả, độc giả thông tin toàn diện, phong phú về hậu quả, tác hại của ma túy, chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy, kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng.
Tiếp tục kiểm soát thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy
Sau khi nghe công tác phòng, chống ma túy, các đại biểu cho biết, hiện nay hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất của các doanh nghiệp tăng khoảng 5 - 10 % mỗi năm. Việc kiểm soát tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất còn nhiều khó khăn như: Việc bán các loại hàng hóa trong lĩnh vực trên mạng rồi gửi qua hệ thống chuyển phát nhanh, giao hàng tận tay người mua gây khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý.
Một số doanh nghiệp không khai báo đầy đủ thông tin hàng hóa khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hoặc sau khi nhập khẩu chưa chủ động báo cáo về tình hình mua bán, sản xuất, phân phối, sử dụng, tồn trữ... đã gây khó khăn trong công tác theo dõi, kiểm soát và quản lý; nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ như hộ gia đình, phân bố trên địa bàn rộng nên không nắm được chính xác về số lượng; các doanh nghiệp chưa báo cáo đầy đủ hoặc không báo cáo cho đơn vị quản lý số lượng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất, đặc biệt là tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp...
Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, thực tế đang thiếu công cụ để kiểm soát chặt chẽ tiền chất ma túy sử dụng trong công nghiệp. Vì thế, Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ công an làm rõ giải pháp, trong đó cần quản lý đường đi của tiền chất công nghiệp đến người sử dụng.
Theo đại diện Bộ Công an, Cơ sở dữ liệu (thuộc Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030) được thực hiện năm 2026, sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề trong hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đảm bảo kiểm soát từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp. Hiện Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cho các cơ quan chức năng, kiểm soát của 63 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp.
Còn khó khăn trong xác định tình trạng nghiện ma túy tổng hợp
Bên cạnh đó, một trong các khó khăn, vướng mắc của việc xác định tình trạng nghiện được Bộ Công an nêu lên tại phiên họp là: Một số quy định trong Nghị định 90/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đến nay không còn phù hợp. Theo Thường trực Ủy ban Xã hội, đây là nội dung đã được Bộ Công an nêu tại nhiều phiên làm việc nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, qua theo dõi tỉ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp chiếm phần lớn với trên 60%; việc xác định tình trạng nghiện đối với đối tượng này rất khó khăn.
Giải pháp cho vấn đề này, Bộ Công an cho biết, đã chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục đưa vào danh sách theo dõi, quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy dựa theo các tiêu chí quy định tại Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi). Thời gian tới, Bộ sẽ ban hành kế hoạch tổng rà soát lại số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy để có kế hoạch đánh giá tổng thể công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.
Giang Oanh