Tránh thất thoát tiền chất công nghiệp vào sản xuất ma túy

09/05/2023 13:24

(Chinhphu.vn) - Công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ tiền chất có nguy cơ cao để sản xuất ma tuý cần phải được tăng cường, có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương mà đặc biệt cần bịt những lỗ hổng khu vực biên giới, con đường chủ đạo để nhập lậu các tiền chất vào Việt Nam.

Tránh thất thoát tiền chất công nghiệp vào sản xuất ma túy  - Ảnh 1.

Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của Tổ công tác liên ngành Trung ương về công tác kiểm soát các họat động hợp pháp liên quan đến ma túy - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Hiện nay có 60 chất, 39 tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp do Bộ Công Thương quản lý, 8 tiền chất sử dụng trong ngành y tế do Bộ Y tế quản lý và 13 tiền chất do Bộ Công an quản lý.

Tiền chất công nghiệp được xếp vào loại hóa chất lưỡng dụng. Tính lưỡng dụng của các loại tiền chất đang đặt ra những khó khăn nhất định cho các cơ quan quản lý. Đơn cử như "piperonal" là một tiền chất được sử dụng trong sản xuất nước hoa, hương liệu, các sản phẩm chống muỗi, tuy nhiên nó cũng có thể được sử dụng trong việc sản xuất trái phép ma túy tổng hợp như thuốc lắc và methamphetamine. Anhydride acetic hóa chất được sử dụng trong các ngành công nghiệp để biến tính tinh bột và dược phẩm, nhưng nó cũng được sử dụng như là tác nhân trong việc sản xuất heroin.

Trong những năm qua, Bộ Công thương đã đặt nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động hợp pháp về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất sản xuất, bảo quản, tàng trữ mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nhằm kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, ngăn chặn không để tội phạm lợi dụng tiền chất công nghiệp để sản xuất bất hợp pháp các loại ma túy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho biết, yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý, kiểm soát tiền chất hiện nay là theo dõi được đường đi của tiền chất và quản lý đến người sử dụng cuối cùng nhằm bảo đảm tiền chất được sử dụng đúng mục đích.

Hằng năm, Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu tiền chất công nghiệp và tiến hành, kiểm tra phát hiện những sai phạm đặc biệt là đã xử phạt các đơn vị vi phạm về sản xuất, kinh doanh tồn trữ bảo quản tiền chất không đúng quy định. Năm 2021, đã xử phạt hơn 1 tỷ đồng, năm 2022 xử phạt 1,3 tỷ đồng.

Sở Công Thương 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành hơn 300 cuộc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất công nghiệp trên địa bàn, phát hiện xử lý sai phạm và tiến hành xử phạt các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các quy định về kiểm soát tiền chất.

Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cũng phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Công an các tỉnh tổ chức Đoàn liên ngành kiểm tra các hoạt động hợp pháp đến ma túy (hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, lưu thông, tồn trữ tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp) của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng tiền chất công nghiệp nhằm phát hiện những sai sót, những kẽ hở trong quản lý và chấn chỉnh những hoạt động có nguy cơ gây thất thoát tiền chất.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành nhìn chung các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp đã thực hiện khá tốt chế độ bảo quản, thống kê, chế độ xuất, nhập kho và quản lý hồ sơ chứng từ mua bán tránh thất thoát các loại tiền chất, các doanh nghiệp chấp hành việc thanh tra, kiểm tra hợp cung cấp hồ sơ tài liệu phục vụ đoàn kiểm tra và làm rõ các vấn đề về hồ sơ sổ sách chứng từ trong việc kinh doanh, sử dụng tiền chất.

Việc kiểm soát đến khâu cuối cùng còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, với con số hằng năm có tới 850 đơn vị nhập khẩu kinh doanh, bảo quản, tồn trữ với số lượng khoảng hơn 01 triệu tấn nên việc quản lý, kiểm soát tiền chất luôn đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý tiền chất nhất là khâu lưu thông trên thị trường.

Công tác theo dõi chống thất thoát tiền chất ở các khâu xuất nhập khẩu, lưu thông, sử dụng và tồn trữ tiền chất còn nhiều bất cập do các đơn vị nhập khẩu tiền chất về để kinh doanh không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác. Các đơn vị này lại bán cho các đối tượng khác tạo thành một khâu trung chuyển phức tạp, do đó việc kiểm soát đến khâu cuối cùng còn nhiều khó khăn.

Hơn nữa, một số doanh nghiệp thường xuyên xin cấp phép nhập khẩu tiền chất với số lượng lớn, do cơ chế thị trường giá cả thay đổi nên số lượng nhập khẩu thường xuyên bị thay đổi dẫn đến việc thống kê báo cáo không sát với thực tế, việc kiểm soát của cơ quan quản lý còn khó khăn. Một số doanh nghiệp kinh doanh tiền chất chưa nắm được mục đích sử dụng của người mua hàng và có thể đây là kẽ hở để tội phạm lợi dụng sản xuất ma tuý bất hợp pháp.

Thời gian tới, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an rà soát hệ thống văn bản pháp luật quản lý tiền chất để sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm quản lý chặt chẽ các loại tiền chất, tránh thất thoát vào sản xuất ma túy tổng hợp.

Về các hoạt động triển khai, Bộ Công Thương thường xuyên thanh tra, kiểm tra giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, tăng cường kiểm tra sự tuân thủ các yêu cầu về quản lý, kiểm soát tiền chất của các doanh nghiệp. Trường hợp tổ chức, cá nhân làm thất thoát tiền chất có thể bị xem xét ngừng cấp phép khi xuất, nhập khẩu.

Cục Hóa chất phối hợp Sở Công Thương các tỉnh rà soát các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu tiền chất công nghiệp nhằm chấn chỉnh việc kinh doanh bảo quản tiền chất, không để thất thoát tiền chất để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy.

Đồng thời phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tổ chức Đoàn Kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, lưu thông, tồn trữ tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu tiền chất.

Lực lượng quản lý thị trường quản lý chặt chẽ các loại tiền chất lưu thông trên thị trường, đảm bảo tiền chất được mua bán có hóa đơn chứng từ, có nguồn gốc xuất xứ và phối hợp tốt với lực lượng công an để phát hiện những hành vi tiếp tay cho tội phạm sản xuất trái phép ma túy tổng hợp.

Thực hiện chế độ báo cáo công tác quản lý hóa chất, chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn thực hiện báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tồn trữ tiền chất công nghiệp trên hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia tại địa chỉ http://chemicaldata.gov.vn/cms.xc.

Theo đại diện Cục Hóa chất, công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ tiền chất có nguy cơ cao để sản xuất ma tuý cần phải được tăng cường, có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương mà đặc biệt cần bịt những lỗ hổng khu vực biên giới, con đường chủ đạo để nhập lậu các tiền chất vào Việt Nam.

Ngày 19/4, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của Tổ công tác liên ngành Trung ương về công tác kiểm soát các họat động hợp pháp liên quan đến ma túy (Tổ công tác liên ngành Trung ương).

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các đơn vị quán triệt và thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại Quyết định số 1002 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cấp Trung ương; chủ động nắm chắc tình hình để xây dựng phương án phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý việc lợi dụng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vào mục đích sản xuất trái phép chất ma túy và các vi phạm pháp luật khác. Kịp thời thông tin và phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiến hành các biện pháp đấu tranh, xử lý; triển khai, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Tháng 3/2023, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 1276/TCHQ-ĐTCBL đề nghị các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất ma tuý năm 2023.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tổ chức lực lượng phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất, hỗn hợp hoá chất chứa tiền chất, các sản phẩm, chế phẩm chứa tiền chất diễn ra trong địa bàn hoạt động hải quan.

Đồng thời, các đơn vị nhận diện phương thức thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng và quản lý tiền chất...

Cùng với đó, các đơn vị xây dựng chi tiết kế hoạch kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất ma tuý tại địa bàn do đơn vị quản lý nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả và chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Tổng cục Hải quan khi để xảy ra các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền chất ma tuý nổi cộm trong địa bàn được giao quản lý.

Hoàng Giang


}
Top