Đắk Nông: Hiệu quả từ thực hiện tốt dự phòng lây truyền HIV từ mẹ
(Chinhphu.vn) - Nhờ triển khai tốt Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, những năm gần đây tình trạng trẻ em sinh ra nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giảm đáng kể.
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2% - 6%, thậm chí là 0%. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm đáng kể tỉ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Tại tỉnh Đắk Nông đã triển khai các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm: Tư vấn xét nghiệm HIV cho tất cả phụ nữ mang thai nhằm phát hiện sớm người mẹ bị nhiễm HIV để can thiệp điều trị ARV kịp thời; Chăm sóc khi chuyển dạ và dự phòng sau sinh cho trẻ bằng thuốc ARV; tư vấn hỗ trợ chăm sóc và chuyển tuyến, chuyển tiếp điều trị…
Trường hợp của chị N.T.M (27 tuổi), cách đây 3 năm chị phát hiện nhiễm HIV khi vào bệnh viện khám thai chuẩn bị sinh. Đây là con dầu tiên nên chị M rất lo lắng cho bản thân mình thì ít mà sợ đứa con trong bụng bị lây nhiễm HIV từ mình nhiều hơn. Gạt đi những âu lo và cố gắng thực hiện tốt chương trình dự phòng, chị M chỉ ước con sinh ra được khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác, không mắc căn bệnh thế kỷ từ mẹ.
Để bảo đảm an toàn cho thai nhi, tránh lây nhiễm cho em bé trong quá trình sinh thường, các bác sĩ đã tiến hành mổ lấy con cho chị. Sau sinh, em bé được bú sữa ngoài hoàn toàn và uống thuốc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV trong vòng 1 tháng. Cho đến thời điểm hiện tại con chị M vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, âm tính với virus HIV.
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông, trong năm 2022, không có trường hợp trẻ lây truyền HIV từ mẹ. HIV lây truyền từ mẹ sang con qua 3 giai đoạn, thứ nhất là giai đoạn mang thai, nếu người mẹ không được uống thuốc ARV thì vi rút HIV sẽ lây từ mẹ sang con qua nhau thai. Thứ hai trong quá trình chuyển dạ và sinh con, thai nhi sẽ đi qua ống đẻ của bà mẹ. Trong quá trình rặn đẻ và đi qua ống đẻ chật hẹp sẽ gây ra các vết xước trên da hoặc các niêm mạc em bé nuốt phải từ nước ối của người mẹ sẽ khiến em bé bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Thứ ba, sau khi sinh ra em bé không được can thiệp kịp thời. Người mẹ cũng không biết tình trạng nhiễm HIV của mình và tiếp tục cho con bú dẫn tới bị lây nhiễm HIV trong sữa mẹ.
Nếu 100 bà mẹ nhiễm HIV không được can thiệp thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con là trên 40%. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và can thiệp bằng thuốc ARV trước, trong và sau quá trình mang thai và cho em bé uống thuốc phơi nhiễm, tỉ lệ lây nhiễm giảm chỉ còn dưới 2%.
Tại Đắk Nông, từ khi triển khai thực hiện Chương trình Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tỉ lệ con lây nhiễm HIV từ mẹ giảm rõ rệt. Nhiều năm qua, không có em bé nào sinh ra nhiễm HIV từ mẹ.
Tuy nhiên đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông khuyến cáo, tất cả những bệnh nhân đang điều trị HIV dù có đang mang thai hay không đều phải uống thuốc ARV điều trị liên tục đúng giờ, hằng ngày. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần tăng cường uống đều đặn thuốc ARV hơn các bệnh nhân khác và báo với bác sĩ điều trị về tình trạng mang thai của mình để có hướng chuyển gửi, giới thiệu những đơn vị có can thiệp cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV lúc sinh và cho em bé uống thuốc dự phòng lây nhiễm sau sinh.
Bệnh nhân cần tái khám đúng hẹn, theo dõi sức khỏe thường xuyên. Người bệnh thường xuyên theo dõi tác dụng phụ của thuốc để báo ngay với bác sĩ có hướng thay đổi phác đồ hoặc có các can thiệp khác. Phụ nữ mang thai mắc HIV cần tăng cường chế độ dinh dưỡng để bảo đảm hệ miễn dịch của mình và nuôi dưỡng thai nhi.
Để không còn trẻ em bị nhiễm HIV từ người mẹ trong quá trình mang thai, quá trình chuyển dạ và cho con bú, ngay trước và sau khi mang thai, người phụ nữ cần phải xét nghiệm HIV để biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, từ đó có thể đưa ra các biện pháp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, hướng tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Thùy Chi