Hòa Bình: Ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy
(Chinhphu.vn) - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lây truyền HIV/AIDS, tuy nhiên tại Hòa Bình, nguyên nhân chiếm phần lớn là do sự lây truyền HIV ra cộng đồng từ nhóm người nghiện chích ma túy.
Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình, hiện địa phương phát hiện 1.875 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó trên 500 người chết vì HIV/AIDS. 11/11(100%) huyện, thành phố của tỉnh đều có người nhiễm.
Trần Thị Ái Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, tính đến ngày 30/4/2023, số bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ARV tại 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là 1.052 người (1.020 người lớn và 32 trẻ em).
Nhằm mục đích dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong nhóm người nghiện chích ma túy, Hòa Bình đã triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Đây là một chất đồng thuận được dùng để thay thế các chất dạng thuốc phiện được đưa vào cơ thể người nghiện qua đường uống, có tác dụng khoảng 30 phút sau khi uống và đạt nồng độ tối đa trong máu sau khoảng 3 đến 4 giờ. Từ kết quả cho thấy sau một thời gian điều trị bằng thuốc Methadone, có thể giảm liều và tiến tới ngừng sử dụng Methadone.
Trong quá trình này, người bệnh vẫn xuất hiện hội chứng cai, tuy nhiên nhẹ hơn rất nhiều so với việc ngưng sử dụng heroin. Lợi ích của điều trị Methanode là giúp người nghiện giảm cảm giác thèm ma túy, giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, giúp ổn định cuộc sống, có cơ hội hoà nhập với gia đình và cộng đồng. Điểm đặc biệt từ lợi ích của điều trị Methanode là dự phòng lây nhiễm HIV.
Người nghiện trích ma túy không điều trị Methadone có tỉ lệ huyết thanh dương tính với HIV tăng từ 21% tới trên 51% sau 5 năm theo dõi. Người nghiện ma túy được điều trị bằng thuốc Methadone, tỉ lệ này chỉ tăng từ 13% lên 21%. Một lợi ích khác đó là khi dùng Methadone giúp giảm ma túy bất hợp pháp. Người nghiện các chất dạng thuốc phiện không tham gia điều trị Methadone có tần suất sử dụng Heroin cao hơn 9,7 lần; Tỉ lệ bị bắt giam cao gấp 5,3 lần so với những người được điều trị.
Tính đến đầu năm 2023, số bệnh nhân tham gia điều trị Methadone trên địa bàn toàn tỉnh Hoà Bình là 956, tại 12 cơ sở điều trị và 12 cơ sở cấp phát thuốc. Đạt 104% chỉ tiêu Kế hoạch của Sở Y tế Hòa Bình về việc triển khai chương điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tỉnh Hòa Bình năm 2022.
Sau khi tham gia điều trị tại các cơ sở, tần suất bệnh nhân sử dụng chất dạng thuốc phiện đã giảm đáng kể. Việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cũng đã góp phần làm giảm hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV do tỉ lệ sử dụng hêrôin bằng đường tiêm chích, tỉ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma túy cũng giảm rõ rệt.
Bên cạnh đó, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau khi tham gia điều trị Methadone được cải thiện, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như chất lượng cuộc sống sau một thời gian điều trị.
Năm 2023, ngành y tế tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành liên quan, duy trì nâng cao chất lượng điều trị tại 12 cơ sở điều trị và 12 cơ sở cấp phát thuốc trên địa bàn tỉnh; Điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 940 bệnh nhân; Mở mới 1 cơ sở cấp phát thuốc Bao La, địa điểm đặt tại TTYT xã Bao La, thuộc Trung tâm Y tế huyện Mai Châu. Đồng thời, quản lý, điều phối, bảo đảm cung ứng thuốc Methadone cho bệnh nhân đang điều trị; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc trên địa bàn tỉnh.
Thùy Chi