Dự phòng can thiệp lây truyền HIV từ mẹ sang con sau sinh

12/06/2023 13:37

(Chinhphu.vn) - Xin cho hỏi phương pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sau sinh?

Trả lời:

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một biện pháp hiệu quả nhất, có tính nhân văn nhất làm giảm tỉ lệ trẻ bị nhiễm HIV, tiến tới không còn trẻ nhiễm mới.

Dự phòng can thiệp lây truyền HIV từ mẹ sang con sau sinh - Ảnh 1.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một biện pháp hiệu quả nhất, có tính nhân văn nhất làm giảm tỉ lệ trẻ bị nhiễm HIV, tiến tới không còn trẻ nhiễm mới. Ảnh minh họa

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm can thiệp trước sinh, khi sinh và sau sinh. Sau đây là một số phương pháp can thiệp ngay sau sinh:

Chăm sóc trẻ

- Khi hút dịch đường mũi, hầu họng cho trẻ cần sử dụng các loại ống thông mềm, thao tác nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương. Lau khô cho trẻ bằng khăn mềm, tránh xây xước.

- Cho trẻ uống thuốc kháng HIV theo phác đồ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Lưu ý sử dụng phác đồ ARV dự phòng cho trẻ phù hợp với thời gian mẹ được điều trị ARV, kết quả tải lượng vi rút, thời điểm mẹ được phát hiện nhiễm HIV và cách nuôi dưỡng trẻ. Ngừng thuốc khi mẹ có kết quả khẳng định âm tính.

Tư vấn cho mẹ về nuôi dưỡng, chăm sóc và theo dõi trẻ phơi nhiễm

Sữa mẹ có chứa virus HIV. Thời gian bú mẹ càng dài thì khả năng lây truyền càng tăng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo rằng "nơi mà việc nuôi con bằng thức ăn thay thế được chấp nhận, khả thi, đáp ứng được, có khả năng duy trì được và an toàn, phụ nữ bị nhiễm HIV nên tránh cho con bú mẹ". Tuy nhiên, ở nhiều nước có thu nhập trung bình và thấp, những tiêu chuẩn nuôi con bằng thức ăn thay thế khó thực hiện được, thì việc cho con bú mẹ vẫn là một sự lựa chọn duy nhất cho hầu hết phụ nữ bị nhiễm HIV.

Hướng dẫn của WHO khuyến cáo phụ nữ nhiễm HIV cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó cai sữa nhanh để giảm thời gian tiếp xúc với sữa mẹ và hạ thấp nguy cơ lây truyền. Đồng thời người mẹ phải được điều trị thuốc kháng virus liên tục để giảm tối đa nồng độ virus trong máu cũng như sữa mẹ có khả năng lây truyền sang con.

Nếu bà mẹ có quyết định cho con bú cần hướng dẫn cách cho bú đúng, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi, và tiếp tục cho bú mẹ đến 12 tháng, đồng thời mẹ phải tuân thủ điều trị ARV trong suốt thời gian cho con bú.

Nếu bà mẹ quyết định nuôi con bằng sữa thay thế thì cho trẻ ăn sữa với điều kiện được gia đình hỗ trợ, có nguồn cung cấp sữa đầy đủ trong 6 tháng đầu, dụng cụ, pha sữa hợp vệ sinh và đủ số lượng, đảm bảo có nước sạch và vệ sinh môi trường.

Phụ nữ nhiễm HIV sau sinh sẽ được tư vấn về: Dinh dưỡng và chăm sóc cá nhân; Kế hoạch hóa gia đình và tình dục an toàn; Hướng dẫn mẹ cho trẻ tiếp tục uống ARV sau khi xuất viện; Tư vấn về tiêm chủng, điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội, nhu cầu theo dõi tăng trưởng và xét nghiệm xác định tình trạng nhiễm HIV sớm cho trẻ; Tư vấn cho mẹ sau sinh tiếp tục đến tái khám đúng hẹn tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS và đưa con đến cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS cho trẻ.

Trong các trường hợp kết quả âm tính, cần nghiêm túc tuân thủ các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn sau sinh khác nhằm tuyệt đối ngăn chặn sự lây truyền cho con. Vì HIV có thể lây lan qua sữa mẹ, phụ nữ nhiễm HIV được khuyến cáo là không nên cho con bú. Lúc này, sữa bột cho trẻ em và trẻ sơ sinh sẽ được xem là sự thay thế an toàn và lành mạnh cho sữa mẹ. Đồng thời, có những báo cáo về việc trẻ em bị nhiễm HIV bằng cách ăn thức ăn đã được nhai trước đó bởi một người nhiễm HIV. Theo đó, để đảm bảo an toàn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không nên được cho ăn thức ăn đã nhai trước.

Ngoài ra, bản thân người phụ nữ nhiễm HIV vẫn cần tiếp tục dùng thuốc điều trị HIV sau khi sinh con. Việc tuân thủ sử dụng thuốc điều trị HIV suốt đời sẽ không chỉ ngăn ngừa HIV tiến tới AIDS cho bản thân họ và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người xung quanh, nhất là trong quá trình chăm sóc con nhỏ, thậm chí là cho lần mang thai tiếp theo.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần được thực hiện với tất cả các sản phụ ngay từ lần khám thai đầu tiên, khi chưa rõ là có nhiễm HIV hay không. Đối với người phát hiện có nhiễm HIV, việc dùng thuốc kháng virus đóng vai trò vô cùng quan trọng trong suốt thai kỳ, quá trình chuyển dạ và nuôi con sau đó, phối hợp thêm các biện pháp khác nhằm hạn chế khả năng lây truyền ở mức thấp nhất, cho con có một cuộc sống bình đẳng như những đứa trẻ đồng trang lứa.

Thùy Chi

hiv
}
Top