Đấu tranh với tội phạm ma túy trên biển: Kiểm soát tình hình từ sớm, từ xa
(Chinhphu.vn) - Cơ quan chức năng xác định, tuyến biển là tuyến vận chuyển ma túy phức tạp, khó kiểm soát, trong khi đó các điều kiện để triển khai nhiệm vụ của lực lượng chức năng còn hạn chế. Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trên biển đòi hỏi phải tổ chức tốt lực lượng, kiểm soát tình hình từ sớm, từ xa.
Tuyến vận chuyển ma túy khó kiểm soát
Các thông tin về hoạt động của tội phạm ma túy trên biển do lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển và các lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy của Công an, Hải quan phát hiện, thu thập vừa qua đã cho thấy rõ sự phức tạp, khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên biển.
Các đường dây tội phạm ma túy có liên quan đến đường biển thường có quy mô lớn, được các đối tượng tổ chức rất chặt chẽ, móc nối, liên kết hoạt động phức tạp giữa nhiều địa bàn khác nhau (từ biên giới đến nội địa ra biển và đưa đi nước ngoài), nhiều đối tượng ở các nước khác nhau (liên hệ thông qua các thiết bị viễn thông hiện đại, các trang mạng xã hội, Viber, WhatsApp...) và địa bàn trên biển, ven biển được đánh giá là địa bàn trung gian, trung chuyển nên quá trình phát hiện thông tin, đấu tranh của lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy cảnh sát biển gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong công tác đấu tranh, bắt giữ trên biển đối với các vụ việc cụ thể.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Đại tá Phan Quang Huy, Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm ma túy, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cho biết, một trong những khó khăn đó là việc dừng tàu, thuyền để kiểm tra, kiểm soát bởi phải có đầy đủ, xác thực về căn cứ, thông tin và tuân thủ theo các quy định của hàng hải quốc tế. Do vậy, việc triển khai áp dụng các biện pháp nghiệp vụ rất hạn chế, hạn chế, thậm chí không triển khai được hoặc triển khai được nhưng hiệu quả thấp, chưa thành công.
Hơn nữa, vùng biển có những đặc thù như nhiều sóng gió, thời tiết khắc nghiệt, hạn chế tầm nhìn… Từ khi phát hiện được phương tiện nghi ngờ cho đến khi áp sát, tiếp cận mục tiêu và đưa lực lượng lên kiểm tra, cần một khoảng thời gian nhất định, nên đối tượng có thể dễ dàng tẩu tán tang vật. Trong đó, không loại trừ trường hợp đối tượng cho ma túy vào trong các kiện hàng đóng kín, thả ở tọa độ nào đó rồi đánh dấu tọa độ đó và thông báo cho đối tác đến để trục vớt.
Thực tế, đã có những trường hợp tàu đánh cá của nước ngoài nghi vấn vào vùng biển của Việt Nam để giao dịch nhận, vận chuyển hàng trăm kg ma túy nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra lại không phát hiện ma túy.
Lấy ví dụ về một vụ việc gần đây, Đại tá Phan Quang Huy cho biết, từ thông tin tình báo quốc tế về việc trên vùng biển Việt Nam sẽ có một tàu cá nước ngoài xâm nhập để thực hiện việc giao dịch mua bán một lượng lớn ma túy trên biển, hai tàu cảnh sát biển đã được lệnh nhổ neo ngăn chặn tàu vi phạm.
Đúng thời gian và vị trí tọa độ theo thông tin được báo, lực lượng chức năng phát hiện tàu Kai Shyang, quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc) cùng 3 thuyền viên đang xâm phạm vùng biển Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đúng thời điểm này biển động mạnh, những cơn sóng cấp 7, cấp 8 khiến việc tiếp cận tàu vi phạm vô cùng khó khăn.
Phải mất nhiều giờ vật lộn với những con sóng dữ, lực lượng Cảnh sát biển mới tiếp cận được tàu Kai Shyang. Tuy nhiên, số lượng lớn ma túy đã không còn tìm thấy trên tàu và chỉ một thời gian ngắn sau đó, lực lượng chức năng đã trục vớt được hàng chục gói heroin trôi dạt trên biển, cách vị trí phát hiện tàu Kai Shyang không xa.
Cũng theo Đại tá Phan Quang Huy, trong 3 năm trở lại đây, tình trạng ma túy trôi dạt trên biển ngày càng nhiều và phức tạp. Cuối năm 2019, trên khu vực biển miền Trung, các lực lượng chức năng đã tiếp nhận 46 bánh heroin và 14,8 kg ma túy tổng hợp đóng trong các can nhựa, thùng nhựa. Cuối năm 2020, tại khu vực biển Kiên Giang (vùng biển Tây Nam), lực lượng chức năng đã tiếp nhận 83 kg ma túy tổng hợp (dạng methamphetamine). Cuối năm 2021, tại huyện đảo Phú Quý, lực lượng chức năng đã tiếp nhận 19,6 kg ma túy tổng hợp dạng đá.
Đầu năm 2022, tại vị trí cách Tây Bắc đảo Thổ Chu (Kiên Giang), lực lượng chức năng của đảo PoulWai (Campuchia) phát hiện 23 thùng có chứa ma túy tổng hợp (dạng ketamine) có tổng trọng lượng 465,55 kg.
Từ các thông tin, vụ việc trên, có thể khẳng định tội phạm ma túy lợi dụng tuyến biển để vận chuyển, mua bán ma túy với số lượng lớn diễn ra với tốc độ ngày càng gia tăng, phức tạp, nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau và diễn ra trên khắp các vùng biển. Trong khi công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.
Các thông tin về tội phạm ma túy, đặc biệt là thông tin liên quan đến các đường dây, đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy có yếu tố nước ngoài trên biển rất hạn chế. Công tác phối hợp trao đổi, xử lý thông tin giữa các lực lượng chức năng trong nước nói chung và thông tin quốc tế nói riêng còn vướng mắc, bất cập và chưa kịp thời...
Tạo lập đường dây nóng với Cảnh sát biển các nước
Theo Đại tá Phan Quang Huy, những đặc thù và khó khăn trên đòi hỏi công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên biển đòi hỏi phải tổ chức tốt lực lượng nắm tình hình từ sớm, từ trên đất liền, sâu trong nội địa (nơi xuất phát của các đối tượng) và phải chủ động làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức có liên quan.
"Đặc biệt phải thu thập, sàng lọc được những tin có giá trị cao, áp dụng các biện pháp trinh sát kỹ thuật trong quá trình điều tra, xác minh. Đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác phương thức, thủ đoạn hoạt động, trang bị, phương tiện, vũ khí của các đối tượng, đường dây, tình hình thời tiết, sóng gió…để bố trí lực lượng, phương tiện phù hợp", Đại tá Phan Quang Huy nói.
Trong thời gian tới, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, kiểm soát tốt tình hình và đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy trên biển, các đơn vị chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển tiếp tục quán triệt và triển khai quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển.
Tăng cường lực lượng, tổ chức tổ công tác, tổ trinh sát thường xuyên bám địa bàn, vùng biển, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm như: Đông Bắc, Bắc Miền Trung, Tây Nam, vùng biển giáp ranh với các nước để thu thập, chủ động về nguồn tin, kiểm soát tình hình từ sớm, từ xa; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng và Hải quan thông qua việc triển khai thực hiện các kế hoạch khảo sát, tuần tra trên bộ, trên biển...
Cục Nghiệp vụ và Pháp luật cũng đề xuất nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong thời gian tới như: Kiện toàn, bổ sung đầy đủ biên chế quân số trực tiếp tham gia chiến đấu cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy của lực lượng Cảnh sát biển; trang bị hệ thống tàu, thuyền xuồng cao tốc, thiết bị kỹ thuật hiện đại cho các đơn vị làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm ma túy của cảnh sát biển.
Nghiên cứu thành lập Trung tâm chia sẻ thông tin hoặc tạo lập Đường dây nóng giữa Cảnh sát biển Việt Nam với Cảnh sát biển các nước, các tổ chức quốc tế để trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình tội phạm ma túy trên biển. Thực hiện hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển...
Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy như Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, từ ngày 1/1/2017 đến 15/10/2022, lực lượng Cảnh sát biển đã trực tiếp và phối hợp đấu tranh 1.262 chuyên án, vụ án, bắt giữ 1.902 đối tượng; tang vật thu giữ 542 kg heroin, 847,5 kg ma túy tổng hợp các loại, 109,3 kg cần sa, 24 khẩu súng và 144 viên đạn các loại, gần 6 tỷ đồng và và nhiều vật chứng có liên quan khác.
Riêng từ 01/01/2022 đến 15/10/2022, lực lượng Cảnh sát biển đã trực tiếp và phối hợp đấu tranh 189 chuyên án, vụ án, bắt giữ 260 đối tượng.
Hoàng Giang