Đẩy lùi tệ nạn mại dâm bằng cách tiếp cận nhân văn và toàn diện

01/07/2025 18:56

(Chinhphu.vn) - Mại dâm biến tướng tinh vi trong thời đại số đang đặt ra những thách thức mới cho công tác phòng, chống. Tuy nhiên, không chỉ xử phạt, nhiều địa phương đang tiếp cận nhân văn và toàn diện hơn, kết hợp hỗ trợ, can thiệp và tái hòa nhập, nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, công bằng và không kỳ thị.

Hoạt động mại dâm ngày càng biến tướng, tinh vi

Không còn bó hẹp ở các thành phố lớn, mại dâm ngày nay lan ra cả vùng nông thôn, khu công nghiệp, vùng biên giới. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ khiến hoạt động mại dâm trở nên ẩn danh, khó kiểm soát và vượt qua ranh giới pháp luật nhanh hơn nhiều so với các biện pháp quản lý truyền thống.

Đẩy lùi tệ nạn mại dâm bằng cách tiếp cận nhân văn và toàn diện- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hoạt động mại dâm có xu hướng chuyển sang các hình thức trá hình khó phát hiện như "gái gọi" qua mạng xã hội, mại dâm hợp đồng, mối quan hệ "sugar baby, sugar daddy" hay "bạn đồng hành, tình phí tự nguyện" dưới hình thức du lịch, thuê người yêu. Không gian mạng trở thành "địa bàn" thuận lợi để hoạt động mại dâm nhờ sự tiếp tay của các nhóm kín, nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, các ứng dụng hẹn hò… khiến công tác kiểm tra, xử lý gặp không ít khó khăn.

Vụ việc điển hình là đường dây "sugar baby" do Nguyễn Hữu Thái cầm đầu bị triệt phá tại TPHCM vào đầu năm 2025, với hơn 300 gái mại dâm, thu lợi bất chính trên 15 tỷ đồng. Tại Đà Nẵng, nhóm "Lan Quế Phường" điều hành hơn 15.000 thành viên trên Telegram với nội dung đồi trụy, liên kết các điểm cung cấp dịch vụ "tình – tiền".

Theo số liệu thống kê, chỉ trong quý I/2025, lực lượng chức năng đã triệt phá hơn 150 tụ điểm mại dâm trá hình, trong đó có 47 vụ hoạt động trên nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin mã hóa. TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và các địa bàn giáp biên như Tây Ninh, Lạng Sơn được xác định là những điểm nóng về hoạt động mại dâm.

Ở Tây Ninh, năm 2024, ngành chức năng kiểm tra 185 cơ sở có nguy cơ phát sinh mại dâm, xử lý hành chính 52 cơ sở vi phạm, phát hiện 2 tụ điểm hoạt động tổ chức mại dâm trá hình dưới dạng "karaoke kết bạn", "massage kiểu Nhật", "homestay tình yêu".

Điều đáng lo ngại hơn là mại dâm không còn là lựa chọn bắt buộc của phụ nữ nghèo, mà đã lan sang giới trẻ có điều kiện kinh tế khá, thậm chí là sinh viên đại học. Hình thức "mại dâm trá hình" dưới vỏ bọc "sugar baby", "bạn tâm giao thuê theo giờ" đã trở nên phổ biến trên các nền tảng tuyển dụng, hẹn hò.

Để ứng phó với tình hình trên, Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021–2025 với 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh 3 hướng tiếp cận chính: Tăng cường pháp chế hóa, hoàn thiện luật pháp để kịp thời xử lý các hành vi mới phát sinh trong môi trường số; Chuyển từ trấn áp đơn lẻ sang phối hợp liên ngành, lồng ghép giữa ngành lao động, công an, y tế, giáo dục và truyền thông; Tập trung vào can thiệp sớm và giảm tác hại tại cộng đồng thay vì xử lý khi hậu quả đã xảy ra.

Năm 2025 cũng chính là thời hạn cuối cùng để Việt Nam đạt các chỉ tiêu đã đề ra: 100% địa phương có mô hình phòng, chống mại dâm tại cộng đồng; 100% người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tái hòa nhập; 60% huyện có cơ sở hỗ trợ pháp lý hoặc dịch vụ y tế thân thiện với người bán dâm.

Thay đổi từ "trừng phạt" sang hỗ trợ tái hòa nhập

Một trong những thay đổi đáng kể nhất trong chính sách phòng, chống mại dâm thời gian gần đây là chuyển trọng tâm từ xử phạt hành chính/hình sự sang hỗ trợ tâm lý – y tế – nghề nghiệp. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã tiên phong triển khai mô hình "trung tâm tiếp cận thân thiện" dành cho người bán dâm có nguyện vọng từ bỏ nghề, như: Trung tâm Bình Yên (Hà Nội), mô hình "Người bạn đồng hành" (TPHCM), mô hình can thiệp cộng đồng kết hợp tư vấn và phát bao cao su miễn phí tại Đà Nẵng và Cần Thơ.

Tại các cơ sở này, người bán dâm không chỉ được kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm các bệnh xã hội như HIV/STI mà còn được học nghề như may, chăm sóc da, pha chế đồ uống. Một số mô hình còn cung cấp nơi ở tạm thời, đặc biệt hữu ích với phụ nữ bị bạo hành hoặc bị lừa bán.

Dưới góc nhìn xã hội học, mại dâm còn là biểu hiện của các vấn đề xã hội sâu xa như nghèo đói, bất bình đẳng giới, thiếu kỹ năng sống và tổn thương tâm lý. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng- chuyên gia nghiên cứu về giới, tình dục và hoà nhập xã hội, từng nhấn mạnh: "Mại dâm là việc trao đổi sự thoả mãn tình dục lấy tiền hoặc bất cứ một giá trị vật chất nào khác. Đó là một công việc kinh doanh nhằm cung cấp sự thoả mãn ngoài phạm vi quan hệ vợ/chồng và bạn bè". Cách nhìn này không nhằm biện minh cho mại dâm, mà mở ra hướng tiếp cận nhân văn hơn trong xây dựng chính sách hỗ trợ, phòng ngừa.

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn hiện nay chính là cách tiếp cận và hỗ trợ người bán dâm-những cá nhân chịu nhiều kỳ thị xã hội, mặc cảm bản thân và thường có xu hướng khép mình. Họ ít khi chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ, càng khó mở lòng chia sẻ với cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội.

Sự dè dặt đó bắt nguồn từ những tổn thương sâu sắc. Một phụ nữ từng hành nghề mại dâm, xin được giấu tên, đã kể lại câu chuyện của mình: "Em bị lừa bán sang Campuchia khi mới 19 tuổi. Trở về sau thời gian bị bóc lột, em tưởng sẽ được gia đình chở che, nhưng lại chỉ nhận về những lời miệt thị, khinh rẻ. Em bỏ đi, rồi quay lại, nhưng cha mẹ vẫn lạnh lùng như thể không có đứa con này trên đời. Em tiếp tục rời nhà và sống như thế suốt gần 2 năm nay. Nhiều người nghĩ tụi em là loại lười lao động, nhưng đâu ai biết chúng em cũng từng muốn sống tử tế, có điều, không biết bắt đầu lại từ đâu. Nhiều lần bị bắt, bị xúc phạm, em đau lòng lắm. Nếu có người hiểu và thật sự muốn giúp, có lẽ em sẽ đủ can đảm làm lại cuộc đời".

Câu chuyện của người phụ nữ ấy không phải là cá biệt. Đó là một minh chứng sống động cho thực trạng nhiều phụ nữ rơi vào con đường mại dâm không phải do họ lựa chọn, mà bị đẩy bởi bạo lực, nghèo đói, lừa đảo, thiếu sự bảo vệ và thấu hiểu từ xã hội.

Ông Nguyễn Văn Quang, cán bộ dự án của Chương trình Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc đánh giá: Việt Nam đã có bước tiến quan trọng trong tiếp cận người bán dâm như một nhóm dễ tổn thương cần được bảo vệ. Tuy nhiên, cần giảm kỳ thị từ cộng đồng, nâng cao tính bảo mật thông tin và hỗ trợ lâu dài thì mới giữ được hiệu quả.

Ngoài ra, những chương trình kết hợp giữa phòng, chống mại dâm với phòng ngừa HIV/AIDS, bạo lực giới và ma túy cũng đang được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế triển khai, tăng hiệu quả đầu tư, giảm chồng chéo.

Truyền thông giữ vai trò "mũi nhọn" trong việc thay đổi nhận thức xã hội

Song song với chính sách pháp lý và hỗ trợ, truyền thông giữ vai trò "mũi nhọn" trong việc thay đổi nhận thức xã hội, đặc biệt về hình ảnh người bán dâm. Thay vì gán ghép tội lỗi hay định kiến, các chiến dịch tuyên truyền mới đây tập trung vào yếu tố giáo dục phòng ngừa – hiểu đúng để hành động đúng.

Tại Tây Ninh, công tác tuyên truyền được tỉnh xác định là mũi nhọn trong phòng, chống mại dâm. Năm 2024, toàn tỉnh tổ chức 40 cuộc tuyên truyền với hơn 4.400 lượt người tham dự, phát hơn 4.000 tờ rơi. Báo Tây Ninh đăng tải 30 bài viết; Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh phát sóng 32 tin và 10 chuyên mục chuyên đề. Các trung tâm văn hoá, thể thao và truyền thanh cấp huyện phát 347 tin, 157 bài và 28 chuyên mục, với tổng thời lượng 124 giờ. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003; Điều 327, 329 Bộ luật Hình sự 2015; Nghị định 178/2004/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã lồng ghép nội dung phòng, chống mại dâm trong các buổi sinh hoạt chuyên đề tại trường học cho hơn 4.000 học sinh tại 12 trường THPT và treo băng-rôn tại 140 cơ sở giáo dục. Trên nền tảng số, Sở Thông tin và Truyền thông phát hành 13 video và hơn 300 lượt tin bài trên các kênh như: Cổng thông tin điện tử, Fanpage 1022 Tây Ninh, Zalo OA 1022…

Công tác phối hợp liên ngành được tăng cường mạnh mẽ. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh được giao nhiệm vụ cụ thể, phân bổ kinh phí.

Điểm đặc biệt là công tác tuyên truyền không chỉ dừng lại ở việc phổ biến pháp luật, mà còn chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ tuyến đầu: cụ thể, tổ chức lớp tập huấn các quy định pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội cho 274 thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tập huấn về phòng, chống tệ nạn xã hội cho 112 thành viên của Đội kiểm tra liên ngành Văn hoá - Xã hội cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; tập huấn nâng cao năng lực cho 105 cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh.

Không đơn thuần chỉ tổ chức truyền thông đẩy lùi tệ nạn mại dâm theo cách truyền thống, nhiều địa phương đã đẩy mạnh truyền thông tương tác bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn như sân khấu hóa tại các trường học, khu công nghiệp. Chẳng hạn như Tây Ninh đã tổ chức 10 buổi "diễn kịch pháp luật" tại huyện Tân Châu, Bến Cầu để tuyên truyền đẩy lùi tệ nạn mại dâm. Hoặc tại Cần Thơ, các cơ quan chức năng đã tổ chức các buổi truyền thông phòng, chống tệ nạn mại dâm. Tổ chức tọa đàm với người từng hành nghề mại dâm hoàn lương ở Cần Thơ và Hà Giang…

TS. Trần Hữu Dũng, chuyên gia truyền thông xã hội nhận định, truyền thông hiện đại phải đi trước một bước. Đặc biệt, việc giáo dục về quyền con người, kỹ năng sống, phòng tránh các tệ nạn xã hội, kỹ năng từ chối các lời mời dụ dỗ và bảo vệ bản thân phải bắt đầu từ trường học, từ mạng xã hội, từ chính ngôn ngữ hàng ngày.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, toàn cầu hóa và đô thị hóa nhanh chóng, hoạt động mại dâm đang biến tướng với mức độ tinh vi và phức tạp hơn, đòi hỏi sự thay đổi trong cách tiếp cận.

Việc áp dụng chiến lược nhân văn và toàn diện, lấy người bị tổn thương làm trung tâm không chỉ giúp bảo vệ quyền con người mà còn tạo tiền đề để ngăn chặn và đẩy lùi mại dâm một cách bền vững. Tuy nhiên, để chiến lược này thực sự hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, cộng đồng dân cư và bản thân người trong cuộc.

Phòng, chống mại dâm không phải là trách nhiệm riêng của bất kỳ ai, mà là nghĩa vụ chung của toàn xã hội – vì một môi trường sống lành mạnh, công bằng và nhân văn hơn cho tất cả mọi người.

Thùy Chi

}
Top