Để bệnh lao không là nỗi ám ảnh của người dân

18/04/2022 15:44

(Chinhphu.vn) - Để bệnh lao không còn là nỗi ám ảnh của người dân, các địa phương đã tăng cường đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng chống cũng như chữa trị bệnh lao.

Theo báo cáo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày, trên thế giới có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu chống lại bệnh lao, ước tính có khoảng 66 triệu người được chữa khỏi.

Hiện nay, Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Năm 2020 có hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao, phần lớn các ca tử vong do chưa được phát hiện và điều trị.

Để bệnh lao không còn là nỗi ám ảnh của người dân, Chính phủ và các địa phương đã tăng cường đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch cũng như thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng chống cũng như chữa trị bệnh lao. Hiện Việt Nam đã áp dụng phác đồ điều trị lao kháng thuốc mới nhất, qua đó chữa trị thành công cho nhiều bệnh nhân. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.

Kết quả, ở Việt Nam, tỉ lệ khỏi bệnh hiện được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia:

"Việt Nam đã áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất nên kết quả điều trị thành công lao đa kháng lên tới 70%, kết quả này tốt hơn rất nhiều so với các quốc gia khác".

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung khuyến cáo: "Bệnh lao được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỉ lệ lây nhiễm và tử vong, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao".

Để bệnh lao không là nỗi ám ảnh của người dân - Ảnh 2.

Đông đảo người dân xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã đến trạm y tế xã để được các y, bác sỹ Bệnh viện Phổi khám sàng lọc miễn phí

Liên tục tổ chức khám sàng lọc miễn phí tại cộng đồng

Năm 2022, nhiều địa phương đã triển khai đợt khám sàng lọc miễn phí, tầm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen phế quản, bệnh lao, hậu COVID-19 tại cộng đồng.

Trong 1 ngày 16/4, Bệnh viện Phổi Ninh Bình đã khám cho hàng trăm bệnh nhân xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh. Mỗi người dân khi đến đều được khám sàng lọc, chụp Xquang phổi, xét nghiệm đờm, xét nghiệm Gen Xpert, đo chức năng hô hấp, test lao.

Những bệnh nhân lần đầu được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản đều được cấp thuốc miễn phí và giới thiệu lên Bệnh viện Phổi Ninh Bình để kịp thời điều trị.

Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, Chương trình khám sàng lọc của Bệnh viện Phổi Ninh Bình sẽ tiếp tục được tổ chức tại các trạm y tế xã, phường trong toàn tỉnh. Đây cũng là cơ hội tốt để người dân được tầm soát, phát hiện sớm các bệnh về phổi và  điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Trong năm 2021, toàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 7.200 người được xét nghiệm đờm, phát hiện được 663 bệnh nhân lao mới, trong đó 309 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học, 295 bệnh nhân lao phổi và lao ngoài phổi không bằng chứng vi khuẩn học; phát hiện và điều trị cho 22 bệnh nhân lao kháng thuốc; có 88,7% bệnh nhân xét nghiệm HIV/bệnh nhân thu nhận; tỉ lệ điều trị khỏi đạt 95%.

Tại tỉnh Lâm Đồng, năm 2021, tỉnh đã khám sàng lọc cho gần 4 nghìn người, phát hiện qua chụp phim có tổn thương nghi lao 678 người, xét nghiệm Gen Xpert cho 821 người, tổng số bệnh nhân lao đưa vào điều trị 11 người.

Theo thống kê từ Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, năm 2021, toàn tỉnh thu nhận điều trị 623 bệnh nhân lao các thể, tương đương 47,9/100 000 dân. Tỉ lệ điều trị thành công (khỏi và hoàn thành điều trị) là 98,2%; tỉ lệ bệnh nhân lao tử vong 0,4%; tỉ lệ lao kháng đa thuốc trong bệnh nhân mới chiếm khoảng 5%.

Tại các địa phương như Tiền Giang, Đồng Nai, Nghệ An, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lào Cai…, các cơ sở y tế cũng thường xuyên tổ chức, tăng cường khám miễn phí, sàng lọc, phát hiện bệnh lao tại cộng đồng.

Đánh giá chung cho thấy, hoạt động sàng lọc và điều trị lao thời gian qua của các địa phương đã đạt hiệu quả, nhưng chưa cao. Việc phát hiện chủ động thông qua sàng lọc cộng đồng khó thực hiện khi tốn kém nhân lực, chi phí và tỉ lệ phát hiện còn ít. Vì thế, thời gian tới, các địa phương sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nâng cao nhận thức. Về phía điều trị, sẽ tiếp tục chú ý theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng thuốc của người bệnh, đặc biệt khi điều trị ngoại trú tại nhà, tránh người bệnh bỏ trị khiến hiệu quả giảm, người bệnh bị tái nhiễm và kháng thuốc…

Củng cố mạng lưới phòng, chống lao các tuyến

Chương trình Chống lao đã có mạng lưới trải rộng từ các tỉnh đến nhiều cơ sở với bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, đến hầu hết các trung tâm y tế huyện, thị, thành. Bệnh viện Phổi của các tỉnh đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị mới để chẩn đoán và điều trị như: CT-scanner, hệ thống xe X-quang lưu động kỹ thuật số, máy thở, Monitor, máy NSPQ, máy khí dung siêu âm, máy siêu âm tim mạch, máy đo khí máu, máy điện giải đồ, siêu âm tại giường, máy tạo oxy, máy xét nghiệm sinh hóa, máy theo dõi chức năng sống...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong những năm qua, Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ đã triển khai hiệu quả chương trình khám sàng lọc bệnh lao miễn phí trong cộng đồng cho những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao. Trung bình mỗi năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phát hiện mới và đưa vào quản lí điều trị cho từ 650 - 750 người bệnh.

Để bệnh lao không là nỗi ám ảnh của người dân - Ảnh 3.

Người bệnh tại Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ luôn được các nhân viên y tế thăm khám, chăm sóc tận tình, chu đáo

Đặc biệt, công tác truyền thông, tư vấn trước và trong quá trình khám sàng lọc giúp người dân nâng cao ý thức chủ động phòng, phát hiện, điều trị sớm khi có dấu hiệu mắc bệnh lao.

Trong năm 2021, toàn tỉnh đã khám cho 24.807 người nghi lao, xét nghiệm đờm 13.388 trường hợp; thu nhận điều trị 496 bệnh nhân lao các thể; 100% trường hợp người bệnh lao mới được đưa vào quản lý và điều trị. Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các trung tâm y tế huyện/thành/thị tổ chức các buổi sàng lọc cho 2.556 người dân tại 20 xã/phường/thị trấn trên địa bàn. Đã có 2.336 người được chụp phim, phát hiện 254 trường hợp có tổn thương phổi, 76 người được chẩn đoán, chỉ định điều trị lao (trong đó 16 trường hợp lao phổi AFB (+), 37 trường hợp hội chẩn chẩn đoán lao phổi âm tính), phát hiện 1 trường hợp lao kháng thuốc.

Tỉnh cũng đã thực hiện sàng lọc lao cho 1.489 là người lao động trong các công ty, nhà máy trên địa bàn, phát hiện 8 trường hợp có tổn thương phổi được tư vấn, khám và điều trị; khám sàng lọc lao tại Trại giam Tân Lập, qua đó sàng lọc, chụp phim Xquang 3.909 ca, phát hiện tổn thương phổi 188 ca, thu nhận điều trị 51 ca.

Năm 2022, tỉnh tiếp tục tập trung củng cố mạng lưới phòng, chống lao các tuyến; kết hợp y tế tư nhân trong hoạt động chống lao trên địa bàn; triển khai "Chiến lược 2X" trong phát hiện sớm, khám sàng lọc bệnh lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng; tiếp tục phát hiện chủ động bệnh lao ở người nhiễm HIV, khu vực trại giam, trung tâm cai nghiện...

Tại các tỉnh có đồng bào dân tộc sống ở vùng câu, vùng xa, hoạt động truyền thông được tăng cường đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về bệnh lao. Thực hiện Dự án "Mở rộng dự án sàng lọc cộng đồng bằng chiến lược 2X (X-quang, Xpert), kết hợp điều trị lao hoạt động và lao tiềm ẩn", hàng năm Bệnh viện Phổi của các tỉnh này đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện đã đưa xe chụp X-quang lưu động đến khám cho người dân vùng sâu, vùng xa, giúp họ tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật kỹ thuật cao trong chẩn đoán, xét nghiệm phát hiện bệnh lao. Nhờ đó đã kịp thời điều trị cho người mắc bệnh và ngăn chặn kịp thời nguồn lây nhiễm bệnh lao trong cộng đồng.

Là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh chuyên ngành lao và các bệnh phổi, Bệnh viện Phổi tỉnh Hà Giang đã khắc phục khó khăn thực hiện tốt mục tiêu quản lí, điều trị hiệu quả cho người bệnh; đồng thời tăng cường các hoạt động chỉ đạo tuyến, kiểm tra, giám sát phát hiện bệnh lao tại cộng đồng.

Năm 2021, tỉnh đã phát hiện 555 trường hợp mắc lao, tỉ lệ điều trị thành công (khỏi) gần 90%. Để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, Bệnh viện Phổi đã tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn cho y bác sĩ; đồng thời triển khai ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị như: Kỹ thuật đoán lao nhanh, nuôi cấy vi khuẩn, kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm, nội soi phế quản, bơm rửa phế quản,...

Đây là những kĩ thuật chuyên sâu giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả cho người bệnh lao.

Đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao

Theo ông Phạm Hữu Thường, Chủ nhiệm Chương trình chống lao TP. Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Đó là cho tiếp cận chủ động của cộng đồng đó là truyền thông giáo dục giảm thiểu kỳ thị mặc cảm về bệnh lao và có chính sách hỗ trợ cho mọi người dân, không còn rào cản nào khiến họ phải giấu bệnh hoặc bỏ trị.

Đồng thời chương trình chống lao cần phối hợp với các tổ chức, ban ngành đoàn thể tích cực tham gia và ủng hộ hoạt động phòng chống bệnh lao, tăng cường khả năng tiếp cận các phương tiện truyền thông của người bệnh lao giúp cho việc tiếp cận sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao; huy động khối đoàn kết toàn xã hội hành động và đầu tư từng bước tiến tới chấm dứt bệnh lao trong thời gian không xa.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách, những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về chuyên môn, tài chính, sự ủng hộ với người bệnh lao, đặc biệt hiểu biết của người dân trong cộng đồng cần được nâng cao hơn nữa; những thay đổi trong các phác đồ điều trị, các phương tiện hiện đại, các thuốc chống lao hiệu quả cần tích cực hơn nữa ngay từ bây giờ. Tất cả những hành động trên là cần thiết để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Giang Oanh

}
Top