Dịch AIDS có thể chấm dứt vào năm 2030 nếu quyền của mỗi người được bảo đảm
(Chinhphu.vn) - Dịch AIDS có thể chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030, nếu quyền của mỗi người được bảo đảm, công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
TS. Natalia Kanem, Giám đốc Điều hành của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khẳng định, dịch HIV/AIDS hiện vẫn đang là một vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030, nếu quyền của mỗi người được bảo đảm, có sự công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm quyền tiếp cận với các dịch vụ về sức khỏe tình dục có chất lượng.
TS. Natalia Kanem cho biết, UNFPA tại Việt Nam cam kết ủng hộ: Quyền tự chủ về cơ thể và tự do lựa chọn của mỗi người, bao gồm quyền quyết định quan hệ tình dục khi nào, với ai, và quyền từ chối các hành vi tiếp xúc tình dục.
Quyền tiếp cận với thông tin về sức khỏe tình dục. Đặc biệt, thanh thiếu niên và người trẻ cần được cung cấp thông tin phù hợp với lứa tuổi, chính xác về mặt khoa học và phù hợp về mặt văn hóa về sức khỏe tình dục. Và quyền được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu về sức khỏe tình dục.
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương cho biết, dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Đặc biệt, những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV thay đổi rõ rệt từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy chuyển sang lây truyền qua đường tình dục. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6,5% tháng 9 năm 2024. Trong khi đó, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục tăng từ 47,5% năm 2010 lên 70,8% vào tháng 9 năm 2024.
Về địa bàn, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam và các thành phố lớn là nơi có nhiều khu công nghiệp, trường đại học, nơi tập trung kinh tế, văn hóa, giáo dục nên dân cư đổ về làm việc, học tập đông, dễ xảy ra các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV. Cùng với sự gia tăng mạnh ca nhiễm HIV tại khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam, những năm gần đây, các số liệu cảnh báo dịch cho thấy các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.
Trước đó, UNFPA đã hợp tác với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thành công những khóa tập huấn để giải quyết vấn đề phòng ngừa HIV và các bệnh lây qua đường tình dục (STI) trong thanh niên tại các khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Khóa tập huấn hướng tới nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và nam thanh niên làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ giải trí. Khóa tập huấn cũng hướng đến nâng cao năng lực cho các cán bộ Đoàn trong việc tiếp cận và hỗ trợ các nhóm đích (key population) dự phòng lây nhiễm HIV và STI. Từ đó, góp phần giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối với với các nhóm dễ bị tổn thương.
Xuyên suốt các khóa tập huấn, gần 100 thanh niên đã tham gia vào các hoạt động tương tác để hiểu về thực trạng lây nhiễm HIV và STI, những rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV và STI; các biện pháp để phòng tránh và các truyền thông cho cá nhân, cho nhóm và cho cộng đồng hiệu quả nhất.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho thanh niên, các khóa tập huấn còn cung cấp cơ hội thực hành các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong phòng lây nhiễm HIV, bao gồm thực hành tình dục an toàn và lạnh mạnh, sử dụng bao cao su và chất bôi trơn đúng cách, sử dụng bơm kim tiêm sạch.
Những người tham gia cũng được giới thiệu về các biện pháp điều trị dự phòng như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) và điều trị (ARV). Thông qua các thảo luận nhóm và hoạt động tương tác, thanh niên đã nâng cao kỹ năng lập kế hoạch cá nhân, trang bị kỹ năng truyền thông cơ bản nhằm chia sẻ kiến thức quan trọng trong cộng đồng của mình.
Sáng kiến này đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu quốc gia và toàn cầu để chấm dứt AIDS. Bằng cách cung cấp cho những người trẻ tuổi những công cụ cần thiết và sự tự tin, chương trình đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực phòng ngừa quốc gia. Hoạt động nhằm mục đích giảm các ca nhiễm mới bằng cách thúc đẩy nhận thức, giáo dục và các biện pháp chủ động trong cộng đồng thanh thiếu niên.
Với việc trao quyền cho các thanh niên trẻ với kiến thức và nguồn lực, sáng kiến này bảo đảm rằng mọi người trẻ tuổi đều có cơ hội sống một cuộc sống lành mạnh, trọn vẹn. Cuối cùng, hoạt động thúc đẩy một thế hệ được thông tin đầy đủ, kiên cường và có khả năng đóng góp cho một tương lai không có gánh nặng của HIV/AIDS.
Thùy Chi