Dự án Quỹ Toàn cầu đồng hành cùng Chiến lược quốc gia để sớm chấm dứt bệnh AIDS
(Chinhphu.vn) - Sự đồng hành của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét giúp Việt Nam tiếp tục duy trì các thành quả trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS những năm qua, đồng thời tiến gần hơn các mục tiêu đầy tham vọng mà Việt Nam đã đặt ra, trong đó có tiến tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Với sự hỗ trợ quý báu từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Quỹ Toàn cầu cùng với cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, kể từ năm 2003 cho tới nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 256 triệu USD cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, tổng tiền hỗ trợ cho HIV/AIDS, Lao, sốt rét tại Việt Nam là hơn 600 triệu USD. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên cam kết thực hiện mục tiêu 95-95-95 của Liên Hợp Quốc. Với mục tiêu này, hiện nay Việt Nam đã đạt được 84-79-96, số mới nhiễm HIV và tử vong do HIV/AIDS đã giảm 2/3 trong 10 năm qua. Việt Nam là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS.
Tại một số tỉnh thành tiêu biểu, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ cho địa phương này tiến gần hơn và đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Bắc Ninh: Đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV
Điển hình, Bắc Ninh là một trong 33 địa phương trong cả nước được Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS hỗ trợ. Giai đoạn 2021 – 2023 Bắc Ninh được Cục Phòng, chống HIV/AIDS triển khai tại 11 đơn vị gồm: BVĐK tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 8 TTYT huyện, thành phố với 4 hoạt động chính là can thiệp giảm tác hại; tư vấn xét nghiệm HIV; chăm sóc, điều trị HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), điều trị viêm gan C; giám sát, theo dõi, đánh giá. Dự án được triển khai phần thực hiện mục tiêu Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khống chế tỉ lệ lây nhiễm HIV trong quần thể dân cư nói chung dưới 0,3% và giảm tác động của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế, xã hội.
Thống kê đến hết 31/12/2022, lũy tích toàn tỉnh Bắc Ninh là 2.154 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó còn sống là 1.031 người; lũy tích bệnh nhân AIDS là 1.283 người, trong đó còn sống là 46 người. Trong năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 60 trường hợp HIV dương tính mới.
Thời gian qua, Quỹ Toàn cầu đóng vai trò rất quan trọng trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 1266 người nghiện chích ma túy, 245 người có quan hệ tình dục đồng giới nam được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng HIV; có 196 khách hàng sử dụng PrEP ít nhất 1 lần, chủ yếu tập trung tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Năm 2022, toàn tỉnh triển khai tư vấn xét nghiệm HIV cho 49.834 người; phát hiện 71 mẫu xét nghiệm HIV dương tính. Số người đang được điều trị ARV là 907 người, trong đó có 844 người đang điều trị tại 5 cơ sở y tế của tỉnh. Phần lớn các bệnh nhân điều trị ARV đều được xét nghiệm tải lượng virus HIV phục vụ quá trình điều trị.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là thu dung khách hàng PrEP.
Trong thời gian tới, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu cam kết của Quỹ Toàn cầu, ngành y tế tỉnh tập trung thực hiện các hoạt động để đạt được các mục tiêu cụ thể. Mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tăng cường các hoạt động phối hợp Lao/HIV; tăng cường hệ thống quản lý thông tin, giám sát, lập kế hoạch, đảm bảo chuỗi cung ứng; tăng cường năng lực ứng phó với COVID-19, mở rộng cấp thuốc methadone nhiều ngày.
Đồng Nai: Mở rộng tư vấn, xét nghiệm tại các trại giam, tạm giam
Tại Đồng Nai, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến 31-12-2022, các chỉ tiêu về hoạt động của Dự án Qũy Toàn cầu tại Đồng Nai đều vượt chỉ tiêu, cụ thể hoạt động can thiệp dự phòng về Bơm kim tiêm với số người nghiện chích ma túy tiếp cận được là 804 người (so với chỉ tiêu là 450 người); Hoạt động dự phòng về Bao cao su với 1.516 nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tiếp cận, so với chỉ tiêu là 1400 người.
Tổng số mẫu xét nghiệm cho các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh đạt 2.399 mẫu. Hiện toàn tỉnh có 9 cơ sở điều trị Methadone với hơn 1.283 bệnh nhân. Toàn tỉnh hiện có 09 cơ sở điều trị điều trị ARV, trong đó có 104 trẻ nhiễm HIV/AIDS.
Tuy nhiên, năm 2022 vẫn còn một số hoạt động chưa triển khai được do gặp khó khăn, như: Không thực hiện được xét nghiệm Tải lượng virus HIV do không tìm được đơn vị cung cấp dịch vụ với giá 448.000 đồng/mẫu (giá Qũy Toàn cầu chi trả); Không thực hiện được xét nghiệm CD4 do không mua được sinh phẩm.
Dự án Qũy Toàn cầu cũng định hướng các hoạt động chính như truyền thông về Phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng là học sinh, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp; tăng cường xét nghiệm HIV/AIDS tại các cơ sở nhà nước và y tế tư nhân; các kỹ thuật xét nghiệm mới; điều trị HIV/AIDS và xét nghiệm đo tải lượng virus.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua với sự hỗ trợ từ Trung ương, các dự án và địa phương, Đồng Nai cơ bản đã khống chế được đại dịch HIV/AIDS, tuy nhiên vẫn chưa được bền vững do kinh phí dần cắt giảm, thiếu sự đầu tư để duy trì mạng lưới, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
Cùng thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã tiếp tục tài trợ chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Đồng Nai trong giai đoạn 2021-2023, với những phương thức hoạt động trong giai đoạn mới như hỗ trợ các hoạt động thông qua thanh toán dịch vụ nhằm tăng năng lực cho địa phương trong thời gian tới khi mà kinh phí từ nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm. Đặc biệt khi chương trình điều trị ARV thanh toán qua bảo hiểm y tế đang được triển khai và dần hoàn thiện theo lộ trình của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Bộ Y tế.
Nam Định: Đẩy mạnh chương trình dự phòng PrEP cho người nguy cơ cao
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định, năm 2022, số người nhiễm HIV phát hiện mới là 70 người, số người mắc lũy tích trong toàn tỉnh là 5.891 người. Các hoạt động can thiệp dự phòng trên địa bàn tỉnh bao gồm cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su; tăng cường công tác truyền thông, xét nghiệm sàng lọc HIV, chuyển gửi điều trị ARV, Methadone, PrEP,…
Triển khai chương trình, ngành y tế tỉnh đã tư vấn xét nghiệm HIV cho tổng số 1.850 lượt người tại 5 phòng tư vấn xét nghiệm Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Ý Yên.
Công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS được thực hiện tốt. Số bệnh nhân đang điều trị Methadone tại 11 cơ sở điều trị là 2.194 người, đạt 115% chỉ tiêu kế hoạch, được Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ 5.000 lít thuốc.
Trong năm 2023, Dự án Quỹ toàn cầu sẽ hỗ trợ cho khách hàng thuốc PrEP, các xét nghiệm theo dõi PrEP, xét nghiệm STls và hỗ trợ điều trị STls, đồng thời hỗ trợ các phòng khám PrEP và truyền thông về PrEP.
Với mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân dự án, năm 2023, địa phương phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu cam kết của Quỹ toàn cầu, ttiếp tục mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV.
Đồng thời, nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS; tăng cường quản lý hệ thống thông tin, giám sát, lập kế hoạch, đảm bảo chuỗi cung ứng,… thực hiện tốt công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
Dự án Qũy Toàn cầu hoạt động tại Việt Nam với mục tiêu: Góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong quần thể dân cư nói chung dưới 0,3% và giảm tác động của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế, xã hội.
Giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, bên cạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS còn hỗ trợ cho chương trình Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam 12,6 triệu đô la mỹ cho phòng, chống COVID-19 với mục tiêu "Nâng cao năng lực ứng phó COVID-19 và giảm thiểu ảnh hưởng của COVID đối với các hoạt động phòng chống HIV/AIDS".
Trong giai đoạn 2024-2026, Việt Nam chú trọng các hoạt động can thiệp dự phòng, xét nghiệm chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV đến nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS và loại bỏ các rào cản, bảo đảm quyền của các nhóm đối tượng được tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách thuận lợi, công bằng và hiệu quả…
Thùy Chi