Định hướng thu phí dịch vụ điều trị dự phòng nhiễm HIV bằng PrEP

08/06/2023 16:52

(Chinhphu.vn) - Hiện dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP đang được miễn phí cho các bệnh nhân tham gia điều trị. Tuy nhiên, thời gian tới chương trình này có thể phải thu phí để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

TS. Dương Thuý Anh, Phó Chánh văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm tại toàn bộ chi phí phòng khám điều trị PrEP đều do các dự án quốc tế hỗ trợ. Tuy nhiên, tới đây khi lộ trình giai đoạn 2023-2026 do dự án tài trợ kết thúc, các dự án sẽ rút về. Trong khi đó các chương trình điều trị PrEP hiện vẫn chưa có cơ cơ sở pháp lý để căn cứ xây dựng sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, vì PrEP là dịch vụ mang tính chất dự phòng. Do vậy, bảo hiểm sẻ không chi trả phần này.

Định hướng thu phí dịch vụ điều trị dự phòng nhiễm HIV bằng PrEP - Ảnh 1.

Hiện có khoảng trên 60.300 khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP. Hơn 31.200 người đang dùng PrEP, trong đó 94,5% đang uống PrEP hàng ngày và 5,5% đang uống PrEP theo tình huống. 80% người sử dụng PrEP là nhóm khách hàng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), 72% là khách hàng trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 34 tuổi. Ảnh: Thùy Chi

Theo TS. Dương Thúy Anh, để đáp ứng với tình hình thực tiễn, chúng ta phải tiến tới thu phí dịch vụ, để có thể xây dựng được một kế hoạch hoàn hảo và khả thi cho việc triển khai thu phí dịch vụ chương trình PrEP và dự kiến Đồng Nai sẽ là tỉnh được thực hiện làm thí điểm đầu tiên cho chương trình thu phí dịch vụ PrEP này.

PrEP viết tắt từ tiếng Anh (Pre-exposure prophylaxis ), có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Nó có nghĩa là một người có hành vi nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm HIV nhưng chưa bị nhiễm HIV sử dụng thuốc kháng virus (ARV) mỗi ngày để dự phòng không bị nhiễm HIV.   

Thuốc PrEP hiện đang sử dụng ở Việt Nam có tên là Truvada. Nó kết hợp 2 loại thuốc ARV là Tenofovir và Emtricitabine. Khi dùng Truvada hàng ngày, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho virút HIV xâm nhập và nhân lên trong cơ thể.

Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP được triển khai tại Đồng Nai từ tháng 3-2019 với sự hỗ trợ của Tổ chức PATH, do dự án USAID tài trợ. Hiện nay, Đồng Nai có 12 mô hình của chương trình điều trị PrEP đang hoạt động, trong đó có 4 phòng khám tại cộng đồng do tư nhân quản lý.

Cho ý kiến về việc có thể sẽ thu phí dịch vụ PrEP, một số ý kiến cho rằng, cần triển khai có lộ trình cụ thể, trước tiên nên thu một phần phí dịch vụ có thể là thuốc, hoặc xét nghiệm, công khám...rồi dần mới triển khai dịch vụ toàn phần.

Chương trình cung cấp dịch vụ PrEP bắt đầu được triển khai thí điểm tại Hà Nội và TPHCM từ năm 2017. Sau thành công của mô hình thí điểm, từ năm 2019 đến nay, với sự hỗ trợ từ các dự án PEPFAR và dự án Quỹ Toàn cầu, Bộ Y tế đã mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành phố với 206 cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP, trong đó có 49 cơ sở tư nhân. Hiện có khoảng trên 60.300 khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP. Hơn 31.200 người đang dùng PrEP, trong đó 94,5% đang uống PrEP hàng ngày và 5,5% đang uống PrEP theo tình huống. 80% người sử dụng PrEP là nhóm khách hàng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), 72% là khách hàng trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 34 tuổi.

Trong những năm qua, đã có rất nhiều mô hình, sáng kiến trong tư vấn, tiếp cận, giới thiệu và cung cấp dịch vụ PrEP được triển khai trên cả nước như: PrEP cung cấp trực tiếp tại các cơ sở y tế công lập, cơ sở tư nhân bao gồm cả phòng khám tư nhân do cộng đồng làm chủ; PrEP và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng; PrEP lưu động; PrEP tại Trạm y tế xã lồng ghép trong chăm sóc sức khỏe ban đầu; PrEP tại cộng đồng… Các mô hình đa dạng, tạo sự thuận tiện trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ, phù hợp với các nhóm khách hàng trẻ tuổi, giảm kỳ thị phân biệt đối xử.

Để góp phần ngăn chặn dịch HIV có xu hướng tăng nhanh ở nhóm MSM và ở những người có hành vi nguy cơ cao, hoàn thành chỉ tiêu 72.000 khách hàng nhận dịch vụ PrEP đến cuối năm 2025, góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Chiến lược quốc gia, thời gian tới cần nâng cao nhận thức về PrEP đối với các đối tượng đích hơn nữa, mở nhanh dịch vụ ở những tỉnh, thành phố có tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM cao, thu hút được nhiều khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV vào điều trị PrEP, kết nối tốt hơn nữa giữa các nhóm cộng đồng và cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP…

Trong năm 2022, mô hình cung cấp dịch vụ PrEP từ xa (Tele PrEP) cũng đã được Bộ Y tế cho phép triển khai thí điểm tại 20 cơ sở y tế thuộc 7 tỉnh, thành phố hướng tới việc cung cấp dịch vụ nhanh, thuận tiện, phù hợp, bảo mật cho khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV, đặc biệt là khách hàng trẻ tuổi. Đồng thời ,Tele PrEP cũng mở ra cơ hội tiếp cận dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm cho những khách hàng sống và làm việc tại các tỉnh không có dịch vụ PrEP.

Thùy Chi

}
Top