Giải pháp để ngăn chặn bệnh lao gia tăng trong nhóm thanh niên

10/03/2023 08:09

(Chinhphu.vn) - Lượng thanh niên 10-24 tuổi bị lao gia tăng, chiếm đến 17% tổng số bệnh nhân lao trên toàn cầu. Ti lệ lây truyền bệnh lao ở nhóm tuổi này có thể cao hơn đến 20 lần so với các nhóm tuổi khác, do đó cần phải đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống lao trong nhóm thanh thiếu niên.

Giải pháp để ngăn chặn bệnh lao gia tăng trong nhóm thanh niên - Ảnh 1.

Khám sàng lọc bệnh lao cho người dân. Ảnh: Thùy Chi

Việt Nam đứng 11/30 nước có gánh nặng về lao và bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Theo báo cáo của WHO, ước tính mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 169.000 ca bệnh lao mới mắc, 8.900 trường hợp kháng đa thuốc và khoảng 14.200 ca tử vong.

PGS.TS Nguyễn Bình Hoà, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam cho biết, thanh thiếu niên là nhóm có nhiều mối quan hệ xã hội cũng như tiếp xúc ở ngoài cộng đồng, có nguy cơ cao tiến triển từ nhiễm lao thành bệnh lao. Nếu để kéo dài hoặc chậm phát hiện, các hậu quả của bệnh lao và việc điều trị lao có thể ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, sinh kế của họ trong tương lai. Vì vậy, việc thu hút tầng lớp thanh niên tham gia vào các hoạt động đẩy lùi bệnh lao sẽ tạo ra lợi ích lớn cho sự phát triển của nhóm này.

Mặc dù có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng người trẻ tuổi lại gặp nhiều hạn chế trong điều trị bệnh lao, như thiếu nhận thức về các triệu chứng bệnh, lo sợ bị kỳ thị hay gặp rào cản trong việc tiếp cận cơ sở y tế. Do đó, việc tạo điều kiện cho người trẻ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cùng chung tay nỗ lực chấm dứt bệnh lao sẽ mở đường cho một thế giới tốt đẹp hơn.

PGS.TS Nguyễn Bình Hoà cho biết thêm, COVID-19 tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán, điều trị lao. Cụ thể trước dịch, tỉ lệ bệnh nhân lao mới toàn cầu giảm 1,5-2% mỗi năm, nhưng đến 2021 tăng trở lại 3,6%. Nguyên nhân là khó tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán, trị bệnh ở thời điểm giãn cách. Thậm chí, số ca tử vong do lao năm 2021 tăng khoảng 30% so với 2020.

Số bệnh nhân lao được phát hiện, điều trị giảm hơn 22% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến ca tử vong gia tăng. Số liệu trên cho thấy việc phát hiện sớm và đưa vào điều trị là mấu chốt trong công tác chống lao.

Các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đánh giá hoạt động phát hiện, chống lao ở các địa phương đã trở về trạng thái như trước đại dịch. Theo báo cáo gần nhất của Chương trình Chống lao Quốc gia, Việt Nam duy trì tỉ lệ điều trị thành công trên 90% ca mới lẫn tái phát.

Hiện Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam có 53 bệnh viện chuyên khoa ở cả trung ương lẫn địa phương, với hơn 19.000 cán bộ chống lao, phổi đã qua đào tạo. "Chúng ta vẫn cần sự chủ động của cộng đồng, tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, ngăn chặn các nguồn lây, xóa bỏ rào cản tiếp cận dịch vụ chẩn đoán, điều trị... Nói cách khác, chấm dứt lao đòi hỏi các ban ngành, toàn xã hội cùng phối hợp hành động để cung cấp dịch vụ phù hợp, đúng nơi, đúng thời điểm và tạo môi trường an toàn.

Theo PGS Nguyễn Bình Hòa, để đẩy lùi bệnh lao, cần đẩy mạnh công tác truyền thong phòng, chống lao. Chúng ta đã thấy được sức mạnh của truyền thông mạng xã hội trong giai đoạn chống dịch Covid 19 vừa qua. Các thông tin về dịch bệnh và biện pháp phòng chống dịch bệnh được phổ biến qua mạng xã hội đã giúp người dân nâng cao kiến thức, cùng chung tay phòng chống dịch Covid 19.

Với bệnh lao, truyền thông mạng xã hội chắc chắn sẽ là một công cụ hữu ích, nhất là đối với nhóm đối tượng trẻ tuổi. Đây là nhóm dễ dàng tiếp cận cũng như tạo ảnh hưởng trên mạng xã hội. Với sự sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết, các bạn trẻ có thể tác động đến những người xung quanh và giúp cộng đồng nâng cao nhận thức chung về bệnh lao.

Bên cạnh đó, nâng cao kiến thức chung về căn bệnh này và phòng chống bệnh để cộng đồng và tầng lớp thanh niên tham gia vào đẩy lùi bệnh lao. "Chúng ta cũng có thể thực hiện điều này bằng cách đưa kiến thức về bệnh lao vào các cấp học, từ tiểu học đến đại học để nâng cao kiến thức cho thanh thiếu niên", PGS Nguyễn Bình Hòa nhấn mạnh.

Thùy Chi

Top