Hà Nội: Bảo đảm nguồn tài chính bền vững hướng tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030

30/07/2022 07:10

(Chinhphu.vn) - Bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 chính là chiến lược mà TP. Hà Nội đang hướng tới.

Hà Nội: Bảo đảm nguồn tài chính bền vững hướng tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 (E gửi bài cuối tuần) - Ảnh 1.

Hoạt động điều trị Methadone giúp giảm số người lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy.Ảnh: Thùy Chi

Dịch HIV/AIDS vẫn tập trung ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến tháng 2/2022, tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống trên địa bàn TP. Hà Nội là 19.297; tổng số bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong do AIDS 7.316; 100% quận, huyện, thị xã đều có người nhiễm HIV, 575/579 xã/phường/thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV (99,50%).

Quận, huyện có số người nhiễm HIV lũy tích cao nhất là Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Long Biên, Hoàng Mai…các trường hợp nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, 10 quận huyện cao nhất chiếm 56,8 % tổng số trường hợp nhiễm HIV.

Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu là nam giới 82,2%; tập trung chủ yếu tại nhóm tuổi 15-25 và 25-49 với tỷ lệ lần lượt là 22,2% và 68,9%, không có trường hợp thuộc nhóm tuổi dưới 15; đường lây chủ yếu là qua đường máu (26,7%) và quan hệ tình dục (57,8%). Dịch HIV/AIDS tại TP. Hà Nội vẫn trong giai đoạn tập trung trên các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, mặc dù hiện tỷ lệ nhiễm HIV trên các nhóm này có chiều hướng giảm, nhưng còn ở mức cao.

Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố duy trì, thực hiện công tác giám sát phát hiện theo quy định của Bộ Y tế, tổng số 22.175 người được xét nghiệm HIV tháng 1/2022, trong đó 13.305 trường hợp xét nghiệm tại các TTYT quận, huyện, thị xã, 8.870 trường hợp xét nghiệm tại các bệnh viện, phát hiện được 45 trường hợp dương tính, trong đó 21 trường hợp thường trú tại Hà Nội.

Duy trì các hoạt động chuyên môn như truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại, tiếp cận cộng đồng và tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP)... điều trị thay thế theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh hoạt động thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội tiếp tục phối hợp với các dự án, tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, cơ sở y tế quận, huyện, thị xã triển khai mở rộng các mô hình tiếp cận cộng đồng, tìm người nhiễm HIV đưa vào điều trị: sử dụng mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng phát hiện ca nhiễm HIV mới và tiếp cận tìm kiếm ca HIV cũ trong cộng đồng để kết nối điều trị; tăng cường phát hiện mới người nhiễm HIV, kết nối điều trị và báo cáo kết quả hoạt động hàng tháng, quý; thực hiện triển khai thí điểm Hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV/AIDS; thực hiện triển khai giám sát trọng điểm trên nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ bán dâm; rà soát, cập nhật chứng minh nhân dân của người nhiễm HIV lên phần mềm quản lý người nhiễm HIV.

Ban hành quy trình xác minh ca dương tính cho các dự án; duy trì và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS; điều trị ARV sớm/điều trị ARV trong ngày cho những trường hợp được chẩn đoán nhiễm HIV; thực hiện xét nghiệm CD4, tải lượng HIV qua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân đang điều trị ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS; rà soát bệnh nhân đang điều trị ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS, tư vấn chuyển tuyến đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế là người ngoại tỉnh, bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không đúng tuyến về nơi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để sử dụng thuốc ARV do bảo hiểm y tế chi trả; duy trì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại các cơ sở y tế nhà nước và cơ sở y tế tư nhân...

Đẩy mạnh các hoạt động đáp ứng với dịch HIV/AIDS

Để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong cộng đồng, bảo đảm kết quả phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động đáp ứng với dịch  HIV/AIDS và đạt được thành quả quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS qua việc thay đổi kiến thức, hành vi trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao và cộng đồng dân cư; giúp người nghiện heroin giảm sử dụng heroin, thay đổi hành vi nhận thức, giảm tội phạm do người nghiện gây ra; giảm nhanh số người chuyển sang giai đoạn AIDS và tăng tỷ lệ người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Cụ thể, dịch HIV/AIDS ở Hà Nội cơ bản vẫn chưa được khống chế, thể hiện ở số người nhiễm mới được phát hiện nhiễm HIV hàng năm khoảng gần 1.000 trường hợp.

Dịch HIV/AIDS còn đang lập trung ở các nhóm đối lượng nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới), số đối tượng nhiễm HIV mới phát hiện trong nhóm đối tượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế không khai thác được đường lây gia tăng hàng năm. Mặt khác, sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đang có xu hướng gia tăng, cảnh báo sự lây lan của dịch trong cộng đồng dân cư, bao gồm cả những nhóm người được coi là có hành vi nguy cơ thấp, làm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trở nên khó khăn.

Nhân lực phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến cơ Sở thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm nhiều công việc do nhiều hoạt động y tế được triển khai tại cộng đồng. Cán bộ phòng, chống HIV/AIDS Thành phố sát nhập biến động, cán bộ mới chưa được đào tạo chuyên môn sâu về HIV/AIDS.

Xét nghiệm và điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV từ miễn phí chuyển sang hình thức thanh toán qua bảo hiểm y tế là thách thức lớn trong việc duy trì, ổn định điều trị cho bệnh nhân. Sự biến động người nhiễm HIV điều trị ARV tại các cơ sở điều trị ARV rất lớn (bệnh nhân chuyển đến: 801 người, bệnh nhân chuyển đi: 1.407 người). Nguyên nhân: Chuyển cơ sở điều trị ARV theo đúng tuyến BHYT, do ảnh hưởng của dịch COVID-19...

Sự kỳ thị phân biệt đối xử và tâm lý tự kỳ thị dẫn đến hạn chế tiếp cận các dịch vụ y tế và dịch vụ điều trị của chính những người nhiễm HIV/AIDS: Một số người nhiễm HIV lo ngại bị tiết lộ danh tính nên vẫn chưa sẵn sàng tham gia BHYT; Một số ít người nhiễm HIV không mua được BHYT do họ không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, hoặc người ngoại tỉnh đến làm việc và sinh sống tại Hà Nội; Một số bệnh nhân đã có thẻ BHYT, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là các Viện thuộc Bộ, ngành hoặc ở các bệnh viện không có cơ sở điều trị HIV/AIDS nhưng không công khai tình trạng bệnh nên không xin được giấy tờ chuyến tuyến.

Nguồn lực chi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu từ các dự án quốc tế đang giảm nhanh, chủ yếu hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cho các đơn vị, trong khi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước (thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nguồn Trung ương và ngân sách địa phương đối ứng) không bù đắp kịp là thách thức lớn trong bối cảnh phải mở rộng chương trình Methadone và các chương trình chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS đề hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với Liên hiệp quốc.

Bảo đảtài chính nhằm chấm dứt bnh AIDS vào năm 2030

Hướng tới bảo đảm tài chính nhằm chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, TP. Hà Nội sẽ tăng cường các hoạt động bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS, khả năng và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó tập trung đầu tư cho các hoạt động thiết yếu, mang tính bền vững, lâu dài, có hiệu quả cao, bao gồm dự phòng và chăm sóc điều trị HIV/AIDS là chủ đạo.

Tiếp tục vận động, kêu gọi và đa dạng hóa các nguồn viện trợ quốc tế, thu hút các nhà tài trợ mới để thu hẹp khoảng trống thiếu hụt về kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các dự án đang triển khai phải có lộ trình chuyển giao cụ thể và đảm bảo tính bền vững sau khi dự án kết thúc.

Tận dụng tối đa và phát huy các nguồn tài chính trong nước bao gồm: Quỹ BHYT chi trả toàn bộ các dịch vụ trong phạm vi chi trả theo quy định; tận dụng và huy động sự tham gia cung cấp dịch vụ và đầu tư của các tổ chức xã hội, các quỹ, các doanh nghiệp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; phí dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với người nhiễm HIV và các nhóm nguy cơ cao có khả năng tự chi trả.

Bên cạnh đó tăng cường quản lý, tổ chức, vận hành bộ máy theo hướng tinh giản và tiết kiệm, lồng ghép, kiện toàn hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế hiện hành; áp dụng triển khai các mô hình, dịch vụ các hoạt động theo hướng chi phí thấp hiệu quả cao.

Phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài, vì vậy TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp liên ngành và trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chủ động bố trí nguồn lực (bao gồm ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất...) nhằm đảm bảo tính liên tục, bền vững cho các hoạt động phòng, chống HIVAIDS tại các địa phương, đơn vị; lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các hoạt động sẵn có của đơn vị, các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.

Phấn đấu đến năm 2023, Việt Nam cần đạt các mục tiêu 90-90-90

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong năm 2021, toàn quốc có khoảng 1.300 cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, 201 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh, thành phố. Có 478 cơ sở điều trị HIV, trong đó 270 cơ sở điều trị HIV thanh toán qua Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), hiện đang điều trị cho khoảng 161.000 người (hơn 85.000 bệnh nhân điều trị ARV thanh toán qua nguồn BHYT, chiếm khoảng 53%).

Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2023 Việt Nam cần đạt các mục tiêu 90-90-90 tức là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện. Mục tiêu 90-90-90 sẽ kết thúc vào năm 2025, tuy nhiên nếu không có sự quan tâm và đầu tư đúng mức, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các mục tiêu này vẫn rất khó để hoàn thành.

Thùy Chi

}
Top