Hà Nội: Kiểm soát tốt số ca nhiễm mới HIV trong 6 tháng đầu năm

15/07/2024 15:38

(Chinhphu.vn) - Trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở y tế trên địa bàn đã xét nghiệm và phát hiện 162 ca nhiễm mới HIV. Trong năm 2024, ngành y tế TP. Hà Nội quyết tâm kiểm soát tốt các ca nhiễm mới HIV, phấn đấu giảm các ca nhiễm mới HIV phát hiện xuống còn 450 ca nhiễm.

Hà Nội: Kiểm soát tốt số ca nhiễm mới HIV trong 6 tháng đầu năm- Ảnh 1.

Tư vấn dự phòng lây truyền virus HIV cho người nguy cơ cao trong cộng đồng. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên toàn thành phố có 14.702 trường hợp nhiễm HIV còn sống, chiếm 6,6% tổng số ca nhiễm HIV còn sống của cả nước.

Trong số các ca HIV mới phát hiện có 81,48% là nam giới, phân bố trong nhóm tuổi từ 25 - 49 (57,41%) và 15 - 24 tuổi (22,84%), nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (11,73%) và tình dục khác giới (6,17%).

Các quận, huyện có số người nhiễm HIV lũy tích cao nhất là Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên.

Hướng tới thực hiện các mục tiêu 90 - 90 – 98 trong phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay, thành phố Hà Nội có 71,8% số người nhiễm HIV còn sống được quản lý, tăng 1,2% so với năm 2023. Số người nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV là 13.391 người, đạt 91,08%. Tỉ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế/tổng số bệnh nhân được làm xét nghiệm tải lượng virus là 3740/3812, đạt 98,1%.

Trong năm 2024, thành phố Hà Nội tập trung các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu: 80% người nghiện chích ma túy tiếp cận chương trình bơm kim tiêm; 68% phụ nữ mại dâm được tiếp cận chương trình bao cao su; 68% nam giới có quan hệ tình dục đồng giới tiếp cận chương trình bao cao su; 14.500 người nhiễm HIV/AIDS được duy trì điều trị bằng thuốc kháng virus; 800 người nhiễm HIV bắt đầu được điều trị bằng thuốc ARV…

Trong 6 tháng cuối năm, ngành Y tế tập trung phát hiện mới người nhiễm HIV tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn; duy trì và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV tại 24 cơ sở điều trị HIV/AIDS, cơ sở cai nghiện ma túy số 2 và 2 trại giam (Thanh Xuân, Suối Hai), 2 trại tạm giam trên địa bàn Hà Nội; 19/19 cơ sở cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh HIV qua bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, ngành đẩy y tế sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối chuyển, gửi bệnh nhân HIV nghi mắc lao và ngược lại, bảo đảm bệnh nhân được điều trị đồng thời cả ARV và điều trị lao; các cơ sở điều trị ARV triển khai điều trị lao tiềm ẩn bằng Isoniazid và 3HP… Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ xét nghiệm tải lượng virus HIV cho bệnh nhân trong trại giam và trại tạm giam.

Để đạt các mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, các cơ sở điều trị duy trì và nâng cao chất lượng điều trị PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV), kết nối khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tiếp cận các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị PrEP. Đồng thời, mở rộng độ bao phủ cung cấp dịch vụ điều trị PrEP tới các khách hàng có nguy cơ lây nhiễm HIV gồm: Người có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển đổi giới tính; người sử dụng ma túy; người bán dâm; vợ/chồng của người nhiễm HIV, người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV…

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, toàn quốc hiện có khoảng 233.681 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó 12.800 trường hợp nhiễm HIV trong năm 2023. Tổng số người nhiễm HIV/AIDS tử vong ghi nhận tại Việt Nam trong các năm qua là 114.079. Trong năm 2023, cả nước triển khai tư vấn xét nghiệm cho khoảng hơn 2,1 triệu lượt người, trong đó số lượt xét nghiệm có kết quả dương tính với HIV/AIDS khoảng 16.000 trường hợp; điều trị thuốc kháng virus (ARV) cho trên 175.000 bệnh nhân, trong đó có 3.061 trẻ em; điều trị methadone cho khoảng 51.000 bệnh nhân.

Thùy Chi

hiv
}
Top