Hà Nội: Tăng tốc để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong phòng, chống HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, TP. Hà Nội đang đẩy mạnh các hoạt động, tăng tốc để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong công tác này.
Phấn đấu 98% bệnh nhân điều trị đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế
Năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV trong diện quản lý được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (ARV); 98% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế.
Hà Nội cũng đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể bao gồm: 500 người nhiễm HIV mới được phát hiện. Đạt 80% người nghiện chích ma túy tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm; 65% phụ nữ mại dâm được tiếp cận với chương trình bao cao su; 65% nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tiếp cận với chương trình bao cao su và chất bôi trơn. Đạt 5.300 người nghiện chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế. 70% người dân trong độ tuổi từ 155-49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, hoàn thành 300 mẫu giám sát trọng điểm theo quy định của Bộ Y tế; 14.350 người nhiễm HIV/AIDS được duy trì điều trị bằng thuốc kháng virus (bao gồm các bệnh viện tuyến trung ương và Bệnh viện đại học Y Hà Nội); 633 người nhiễm HIV bắt đầu được điều trị bằng thuốc ARV; 11.112 người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV được làm xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi điều trị ARV; 98% (10,890) người nhiễm HIV/AIDS có kết quả tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế; 8.502 khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) ít nhất 1 lần; 92% người nhiễm đang điều trị HIV/AIDS hoàn thành điều trị Lao tiềm ẩn…
Để đạt các mục tiêu và các chỉ tiêu nêu trên, TP. Hà Nội chú trọng các giải pháp: Dự phòng và can thiệp giảm tác hại, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, tăng cường xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS: tư vấn xét nghiệm HIV, đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệp HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV.
Mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng, triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên y tế xã, phường, thị trấn cộng tác viên thực hiện, phổi hợp chặt chẽ với các dự án, tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng đang triển khai hoạt động này tại địa bàn để tăng cường phát hiện người nhiễm HIV mới. Tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế, đẩy mạnh tư vấn xét nghiệm HIV tại 30/30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã.
Triển khai tư vấn xét nghiệm HIV TẠI 579/579 xã, phường, thị trấn mở rộng hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại các bện viện trên địa bàn thành phố…; giám sát dịch tễ học HIV/AID, sử dụng hệ thống quản lý thông tin người nhiễm HIV.
Tăng cường chia sẻ và sử dụng dữ liệu trong phòng, chống HIV/AIDS. Thiết lập hệ thống giám sát ca bệnh từ khi xác định nhiễm HIV cho đến tham gia điều trị, chuyển đổi cơ sở điều trị, chất lượng điều trị, tuân thủ điều trị đối với từng người nhiễm HIV…
Về điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV: điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng virus HIV (thuốc ARV) cho những người nhiễm HIV ngay sau khi được chẩn đoán xác định. Duy trì điều trị HIV/AIDS tại các trại giam, cơ sở cai nghiện ma túy; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP).
Mở rộng độ bao phủ cung cấp dịch vụ điều trị PrEP tới các khách hang có nguy cơ lây nhiễm HIV bao gồm: Người có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển đổi giới tính và người sử dụng ma túy; người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV. Tăng cường chuyển gửi, kết nối điều trị giữa trị PrEP với chẩn đoán điều trị các bệnh phối hợp như viêm gan B, C, bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Chú trọng các giải pháp đồng bộ để giảm số người nhiễm mới HIV
Nhờ những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, TP. Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác này. Ở cấp cơ sở, các quận, huyện, thị xã cũng nỗ lực nâng cao hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS. Chẳng hạn, tại quận Hà Đông, từ đầu năm 2023 đến nay, các bên liên quan phối hợp để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng giúp 70% người dân trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS, không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; hỗ trợ, tạo thuận lợi để 100% người nhiễm HIV/AIDS được chuyển gửi điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV).
Với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, được điều trị thuốc ARV, còn trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV và xét nghiệm, chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV của trẻ.
Tương tự, huyện Chương Mỹ có phương án hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS gặp hoàn cảnh khó khăn phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng luôn quan tâm đến đời sống của người nhiễm HIV. Hà Nội là số ít địa phương chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung trẻ em nhiễm HIV mất nguồn nuôi dưỡng ngoài cộng đồng. Ngôi nhà chung dành cho trẻ em nhiễm HIV là Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) thường có 50-70 trẻ đến từ nhiều địa phương. Tại đây, trẻ em được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, tạo điều kiện thuận lợi để học tập, hòa nhập cộng đồng.
Đối với công tác điều trị, các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS cũng đã hiểu rõ được tầm quan trọng của bảo hiểm y tế, tham gia bảo hiểm y tế để được điều trị bền vững, cải thiện sức khỏe, nâng cao đời sống, tinh thần.
Điển hình tại quận Nam Từ Liêm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận cho biết, trung tâm đã tư vấn, điều trị cho gần 2.000 bệnh nhân, trong đó hơn 94% người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phần lớn chi phí điều trị.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, số người mới nhiễm HIV có xu hướng giảm. Đến nay, số người có HIV còn sống trên địa bàn thành phố khoảng gần 20.000 người. Đa số người nhiễm HIV được quản lý và biết tình trạng bệnh tật của bản thân để chủ động có giải pháp giảm nguy cơ lây truyền cho cộng đồng.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong công tác này, tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, số người mới nhiễm HIV ở Hà Nội có tuổi đời còn trẻ, thường dưới 30 tuổi. Đối tượng mới nhiễm là nam giới nhiều hơn nữ giới. Đáng chú ý, hơn 99% xã, phường, thị trấn ở tất cả các quận, huyện, thị xã đã phát hiện người nhiễm HIV. Do đó, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, nếu không kiểm soát tốt, Hà Nội vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng.
Để tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, TP. Hà Nội sẽ tăng tốc hơn, triển khai những giải pháp phòng, chống đạt hiệu quả cao hơn.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ chú trọng đẩy mạnh chiến dịch truyền thông cùng với các hoạt động truyền thông thường xuyên về phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện chương trình bơm kim tiêm, bao cao su, đẩy mạnh việc phát miễn phí qua tuyên truyền viên đồng đẳng, các hộp bơm kim tiêm cố định, cộng tác viên, cơ sở xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS.
Đôn đốc, giám sát thực hiện chỉ tiêu người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế Methadone giao theo kế hoạch năm 2023; giám sát quy trình chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế tại các cơ sở điều trị Methadone; thiết lập mạng lưới tiếp cận và tìm kiếm ca bệnh từ cộng đồng dân cư, hướng dẫn và theo dõi đôn đốc mạng lưới này hoạt động hiệu quả; tổ chức rà soát, nắm chắc số bệnh nhân nhiễm HIV chưa được điều trị bằng ARV và chuyển gửi tất cả các bệnh nhân đã được khẳng định nhiễm HIV đến các cơ sở điều trị theo quy định.
Bên cạnh đó, thiết lập, kiện toàn và vận hành hệ thống các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV trên địa bàn thành phố, bao gồm xét nghiệm tại cộng đồng, tại bệnh viện, trong các cơ sở khép kín; tổ chức xét nghiệm phát hiện HIV theo các hình thức cố định và lưu động; xét nghiệm HIV không do nhân viên y tế thực hiện, tự xét nghệm… tại các xã, phường, thị trấn và các thôn, làng, khu phố trên địa bàn thành phố.
Thùy Chi