Hàng chục nghìn người trẻ được nâng cao nhận thức về PrEP và HIV/AIDS

28/09/2022 14:23

(Chinhphu.vn) - Thông qua 8 dự án truyền thông tại 3 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Bình Dương, nhiều khách hàng trẻ như học sinh, sinh viên, công nhân, MSM đã tiếp cận được nhiều kiến thức hữu ích về dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và HIV/AIDS.

Hàng chục nghìn người trẻ được nâng cao nhận thức về PrEP và HIV/AIDS - Ảnh 1.

Truyền thông cho sinh viên tại Bình Dương. Ảnh: Thùy Chi

Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vừa phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) tổng kết 8 dự án truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và HIV/AIDS để tăng cường tiếp cận PrEP trong cộng đồng và các nhóm có nguy cơ cao.

Theo số liệu thống kê, chỉ trong vòng 3 tháng, 8 dự án truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về PrEP và HIV/AIDS tại 3 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Long An và Bình Dương với 6 trường đã giúp 1.778 người được tiếp cận trực tiếp; 90.000 lượt tiếp cận trên nền tảng TikTok; 38.091 lượt tiếp cận, tương tác trên facebook và 102 ca tiếp cận PrEP ngay sau chương trình.

Ông Phạm Hữu Sơn, người chịu trách nhiệm và điều phối Dự án PrEP Travel của CBO Trăng khuyết cho biết, chuỗi hoạt đông, sự kiện xuyên suốt từ 1/8 đến 20/9/2022. Theo đó nhóm đã sản xuất các video, clip về các địa điểm nhận PrEP, cách liên hệ, quy trình và tư vấn của bác sĩ PrEP tại Bình Dương; truyền thông HIV/AIDS, dự phòng PrEP tạo cầu, kết hợp PrEP lưu động tại khu nhà trọ công nhân Khu phố Đồng An 3 và Bình Đáng (Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương)...

Bên cạnh đó, hội thảo còn chia sẻ kinh nghiệm thực hiện hoạt động truyền thông qua các kênh trực tuyến (facebook, TikTok). Theo đó, nhóm dự án "Truyền thông 4.0 - TikTok on PrEP" với mục tiêu truyền tải câu chuyện về kỳ thị và phân biệt đối xử với người sử dụng PrEP trên nền tảng TikTok, facebook.

Nội dung truyền thông được dàn dựng thành kịch bản gồm các câu chuyện, tình huống có thật được sưu tập từ lời kể của người trong cuộc. Nhóm đã sử dụng các video tranh cát để thu hút người xem, thông qua video là câu chuyện của nhân vật được kể theo một hình thức nghệ thuật mới lạ. Những đoạn phim ngắn với thời lượng dưới 1 phút dễ dàng lan tỏa thông điệp bằng tình huống trên nền tảng TikTok là chính và sau được chia sẻ lại trên fanpage của dự án. Với các video này, trang TikTok của nhóm đạt được trung bình gần 200.000 lượt xem, hơn 10.000 lượt thả tim và tương tác.

Là người đã trực tiếp tham gia các dự án từ những ngày đầu tiên triển khai ở Long An, trước kết quả tổng kết đáng chú ý của 8 dự án truyền thông trên, ThS.BS. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: "Sau 3 tháng triển khai thực hiện, những kết quả trên khiến tôi rất vui và ấn tượng mạnh mẽ. Tôi đánh giá rất cao công sức của các bạn nòng cốt trong các dự án. Cục Phòng, chống HIV/AIDS rất cần những mô hình như thế này và mong muốn làm sao nhân rộng và lan tỏa ra các tỉnh khác, ngay cả ở các địa phương khác của 3 tỉnh trên".

Ông Todd Pollack, Giám đốc quốc gia tổ chức HAIVN cho biết, trong quá trình thực hiện 8 dự án, cho thấy vẫn có một lỗ hổng lớn về kiến thức trong giới trẻ về HIV và sức khỏe tình dục nói chung.

Theo ông Pollack, dựa trên những câu hỏi khảo sát khi thực hiện dự án, vẫn có những lầm tưởng về HIV, mà điều đó có thể dẫn tới sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Một ví dụ là, có rất nhiều người trả lời trong khảo sát rằng, những người có HIV là những người có hành vi không có trách nhiệm, và vì vậy mà có cái nhìn không tốt vì tình trạng HIV của họ.

Bên cạnh đó, số liệu Chương trình HIV quốc gia cho thấy, các ca nhiễm HIV mới tập trung nhiều ở những người trẻ, đặc biệt là MSM trẻ. Điều này khiến cho lỗ hổng về kiến thức và thái độ đáng quan ngại hơn và do đó đây là điều rất quan trọng để tập trung vào truyền thông cho học sinh THCS và THPT cũng như những người trẻ khác về Dự phòng HIV và các hoạt động giảm kỳ thị.

Hàng chục nghìn người trẻ được nâng cao nhận thức về PrEP và HIV/AIDS - Ảnh 3.

Công nhân tham gia và nhận các dịch vụ của PrEP lưu động. Ảnh: Thùy Chi

Tuy nhiên, theo ông Todd Pollac, với 8 dự án nhỏ, được thiết kế và thực hiện bởi các tổ chức cộng đồng, cho thấy là những thử thách trên có thể được giải quyết bằng cách tập trung vào những người trẻ, sử dụng cách tiếp cận cộng đồng phù hợp để thiết kế thông điệp, chúng ta có thể nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, và cải thiện sức khỏe tình dục cũng như sức khỏe tổng quát.

Trong khuôn khổ của các dự án, với sự tài trợ của Cơ quan kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, tổ chức HAIVN đã phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS cùng thực hiện chương trình hỗ trợ Quỹ và nâng cao năng lực truyền thông cộng đồng cho các nhóm học sinh sinh viên, các nhóm CBO tại 3 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Long An và Bình Dương; nhằm mục đích thúc đẩy các hoạt động truyền thông về PrEP để đạt được các mục đích cụ thể đối với các nhóm đối tượng đích như học sinh, sinh viên, nhóm MSM trẻ, trong thời gian từ tháng 6/2022 đến hết tháng 8/2022.

Thùy Chi

Top