Hải Phòng: Dự án EPIC giúp 98% người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện

15/09/2022 09:44

(Chinhphu.vn) - Theo số liệu thống kê của ngành y tế Hải Phòng, tính đến tháng 7/2022, số bệnh nhân HIV đang điều trị ARV là 5.349. Độ bao phủ tải lượng virus đến tháng 6 năm 2022 đạt 91%. Tỉ lệ bệnh nhân có kết quả tải lượng virus <1000cp/ml đạt 98%.

Hải Phòng: Dự án EPIC giúp 98% người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện - Ảnh 1.

Thăm khám cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Ban Quản lý Tiểu dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS (dự án EPIC) – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết dự án EPIC năm 2022.

Tham dự Hội nghị về phía nhà tài trợ CDC Hoa Kỳ Tại Việt Nam có bà Amy Frances Bailey, Phó Giám đốc điều hành chương trình PEPFAR; PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS.

Về phía Hải Phòng có ông Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Sở Y tế - Trưởng Ban quản lý TDA EPIC Hải Phòng; đại diện một số đơn vị y tế, đại diện nhóm hỗ trợ và kết nối cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS tại Hải Phòng.

Ông Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban quản lý TDA EPIC Hải Phòng cho biết, triển khai dự án, Hải Phòng đã đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi nhận thức hành vi trong công tác phòng chống nhiễm HIV/AIDS; tập trung cao cho công tác xét nghiệm, tư vấn bằng nhiều hình thức; mở rộng can thiệp giảm tác hại, kết nối điều trị sớm cho những người mới phát hiện, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm và cung ứng đầy đủ thuốc men phục vụ công tác điều trị.

Theo báo cáo của  Ban quản lý TDA EPIC Hải Phòng, trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến còn phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các hoạt động can thiệp, song chương trình vẫn triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu 90 - 95 - 95 với nhiều hoạt động.

Cụ thể, đẩy mạnh hoạt động tìm ca nhiễm HIV tại các cơ sở y cũng như trong cộng đồng thông qua các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng để giới thiệu chuyển tiếp thành công dến cơ sở điều trị; tăng cường công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho đối tượng nguy cơ cao; cải thiện nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị, điều trị nhanh và điều trị trong ngày, cấp thuốc ARV nhiều tháng; triển khai cấp thuốc ARV qua nguồn quỹ BHYT….

Về kết quả thực hiện mục tiêu 90 - 95 - 95, tính đến tháng 7/2022, Hải Phòng ước tính có 11.599 người nhiễm HIV/AIDS; 6.227 người nhiễm HIV còn sống. Tỉ lệ nam giới nhiễm HIV/AIDS là 78,99%, nữ giới là 21,7%. Số bệnh nhân đang điều trị ARV là 5.349. Độ bao phủ tải lượng virus đến tháng 6 năm 2022 đạt 91%. Tỉ lệ bệnh nhân có kết quả tải lượng virus <1000cp/ml đạt 98%.

Mặc dù công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hải Phòng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đối tượng lây nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa với hơn 80% người nhiễm HIV nằm trong độ tuổi 25 - 49 và có sự chuyển đổi về mô hình lây nhiễm, trong đó lây nhiễm qua tiêm chích ma túy có chiều hướng giảm rõ rệt, tình dục không an toàn đang dần chiếm ưu thế. Điều này cho thấy, dịch HIV/AIDS tại Hải Phòng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gây tác động tiêu cực đối với xã hội thông qua ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ lao động trẻ. Tình hình đó đòi hỏi Hải Phòng cần tiếp tục có sự ứng phó toàn diện và kịp thời nhằm đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Bà Amy Frances Bailey, Phó Giám đốc điều hành chương trình PEPFAR đánh giá cao sự nỗ lực duy trì một số thành tựu chương trình HIV của thành phố, ghi nhận sự hợp tác tuyệt vời giữa các chương trình HIV và Lao của thành phố trong hỗ trợ các PKNT HIV mở rộng quy mô điều trị dự phòng lao (TPT) cho những người có HIV đủ tiêu chuẩn và tăng khả năng tiếp cận với xét nghiệm Xpert ở những người nhiễm HIV có dấu hiệu nghi ngờ. Duy trì hệ thống giám sát trọng điểm  lồng ghép hành vi HIV (HSS +) trong nhiều năm ở cả ba nhóm quần thể đích để giám sát dịch HIV. 

Bà Amy Frances Bailey khẳng định, CDC Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính và kỹ thuật tại Hải Phòng để đa dạng hóa công tác tìm ca thông qua việc tập trung vào học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông/đại học và công nhân tại các khu công nghiệp thông qua tự xét nghiệm HV, xét nghiệm kép và tiếp cận qua mạng lưới xã hội. Đồng thời, mong muốn bảo đảm tính bền vững của chương trình HIV, cả về chất lượng, tính công bằng và hy vọng CDC Hải Phòng sẽ sớm triển khai thí điểm hợp đồng xã hội.

Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) là dự án hợp tác giữa Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) và Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Bộ Y tế Việt Nam trong khuôn khổ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR).

Trong đó, 6 tỉnh/thành được ưu tiên đạt mục tiêu 90/90/95: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Long An, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu.

8 tỉnh được tăng cường hỗ trợ kỹ thuật: Thanh Hóa, Sơn La, An Giang, Thái Bình, Nam Định, Sóc Trăng, Cao Bằng, và Hòa Bình.

4 tỉnh được chương trình PEPFAR hỗ trợ tại Việt Nam: Tây Ninh, Quảng Ninh, Đồng Nai và Tiền Giang.

Tất cả 63 tỉnh/thành phố nhận được đáp ứng hỗ trợ kỹ thuật và các hỗ trợ khác thông qua hệ thống hỗ trợ kỹ thuật của quốc gia và sự hợp tác với các cơ quan, đơn vị cấp trung ương.

Một số viện/bệnh viện tuyến trung ương: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Từ Dũ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Cục Y tế - Bộ Công An và một số viện, bệnh viện khác nếu cần, tùy thuộc vào tình hình thực tiễn và nguồn tài trợ.

Thùy Chi

}
Top